Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, sáng tạo nội dung số đã và đang trở thành xu hướng mới, thu hút nhiều người trẻ. Song song với sự bùng nổ của kỷ nguyên công nghệ, các nền tảng mạng xã hội đã du nhập vào văn hóa đại chúng và trở thành một phần quan trọng trong đời sống, từ giải trí, nghệ thuật đến kinh tế, giáo dục. Sự chuyển dịch này đã tạo ra vô vàn cơ hội nghề nghiệp cho giới trẻ. Trong đó, sáng tạo nội dung (Content creation) trở thành một ngành nghề hot được nhiều người ưa chuộng vì tính chất tự do, sáng tạo và dễ tiếp cận.
Ảnh minh hoạ
Có thể thấy, khi Gen Z bắt đầu bước chân vào thị trường việc làm trong những năm gần đây, ngành công nghiệp sáng tạo đã có sự phát triển bùng nổ với số lượng Nhà sáng tạo nội dung tăng 314% so với năm 2021. Đến nay, có hơn 200 triệu Nhà sáng tạo đang hoạt động tích cực mỗi ngày trên mạng xã hội.
Chia sẻ về điều này, Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho hay mạng xã hội thực sự đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” để giới trẻ thỏa sức sáng tạo. Các doanh nghiệp đang sẵn sàng chi mạnh cho những nội dung do người dùng sáng tạo. Với sự phát triển vượt bậc của Internet và công nghệ số, người làm sáng tạo nội dung đang đứng trước rất nhiều cơ hội để phát triển và tạo ra thu nhập bằng niềm đam mê và khả năng sáng tạo của bản thân. Một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện luôn khao khát tìm được cho mình những công việc đề cao tính cá nhân, tự do và linh hoạt cả về thời gian và không gian. Các công việc này đa phần không quá quan trọng quá trình đào tạo bài bản mà có tính chất tự tìm tòi, học hỏi để phát triển bản thân. Sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội là một ví dụ điển hình.
Theo tìm hiểu của Viện IMRIC phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) cho thấy có 33% số người được khảo sát đã tham gia sáng tạo nội dung bán thời gian. Đồng thời, có 77% bắt đầu kiếm tiền từ nội dung trên nền tảng trực tuyến trong năm qua và 47% nói lĩnh vực này đóng góp hơn một nửa thu nhập hàng tháng của họ. Một số công việc đem lại nguồn thu chính là chụp ảnh, quay phim, chỉnh sửa ảnh/video, tạo nội dung trên mạng xã hội, lập trình web/game…Theo tìm hiểu của Viện IMRIC và Viện IRLIE cho biết, Gen Z đang đặt cược vào nền kinh tế sáng tạo và truyền cảm hứng cho việc theo đuổi các công việc phi truyền thống. Có đến 49% người sáng tạo nội dung trong độ tuổi từ 16 đến 18 nói muốn bắt đầu kinh doanh sáng tạo…
Ông Hồ Minh Sơn nhận định những năm gần đây, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đã trở thành xu hướng nghề nghiệp và sân chơi tiềm năng cho người đam mê sáng tạo. Các mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube, Instagram…Hiện đang mang đến thêm lựa chọn về nghề nghiệp cho giới trẻ. Dù thu nhập cao, nhưng thách thức của người làm nội dung số là phải luôn có ý tưởng mới, khác biệt để thu hút người xem. Sáng tạo là yếu tố hàng đầu để thành công. Một thách thức nữa các bạn trẻ phải đối mặt là tạo nội dung hấp dẫn trong thời gian eo hẹp để bắt kịp thị hiếu của thị trường. Qua đó, nghề sáng tạo nội dung đã đem lại rất nhiều cơ hội phát triển và trải nghiệm mới cho các bạn trẻ. Thếnhưng, việc bất ngờ nổi tiếng, được nhiều người biết đến cũng khiến không ít người trẻ sa đà tạo những video nhảm với mục đích câu view, tăng tương tác. Vì lẻ đó, do bị cuốn theo câu view, câu like, nhiều người sẵn sàng sản xuất nội dung nhảm nhí, không có tính giáo dục, phản cảm, hay nguy hiểm hơn là nội dung vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục…
Có thể thấy, mạng xã hội (MXH) đang phát triển như một xu thế tất yếu do nhu cầu tìm kiếm thông tin, thiết lập, duy trì các mối quan hệ cá nhân hay chia sẻ tâm tư, giải trí của con người, đặc biệt là đối với giới trẻ. Trong bổi cảnh thế giới ngày càng “phẳng”, không thể phủ nhận những tiện ích của Internet, nhưng cũng không loại trừ rất nhiều rủi ro đã, đang và sẽ còn tiềm ẩn trên MXH. Để tránh những tác động xấu của MXH, người sử dụng phải tỉnh táo và “thông thái”.
Theo ông Sơn cho rằng, các bạn trẻ cần xây dựng lối ứng xử văn minh trên không gian mạng, không chạy theo và cổ súy cho những xu hướng lệch chuẩn, đi ngược lại truyền thống đạo lý và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Một khi đã nhận diện những thông tin xấu, độc trên mạng, bản thân người dùng MXH nói chung và các bạn trẻ nên tự ý thức được việc không tham gia bình luận (comment), không chia sẻ những thông tin đó cho người khác. Ngoài ra, cần làm tốt hơn nữa vai trò kết nối, hội tụ sức mạnh của các tổ chức, đoàn thể nhằm tập hợp, định hướng giới trẻ, đập tan âm mưu của các thế lực thù địch và phản động lợi dụng tâm lý thích khám phá cái mới, sự non nớt, bồng bột, thiếu kinh nghiệm của giới trẻ để lôi kéo, chuyển hóa…
Ông Sơn khuyến nghị với công việc sáng tạo nội dung đang thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia với mong muốn được nhiều người biết tới và có mức thu nhập cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc khởi sự cũng thuận lợi “đường khô trăng sáng”, ngoài mặt hào nhoáng của sự nổi tiếng là đầy rẫy khó khăn trong quá trình xây dựng nội dung kênh. Mặc dù mạng xã hội là một trong những phương tiện dễ dàng lan tỏa thông tin, nhưng không phải ai cũng thành công khi sáng tạo nội dung. Nên không ngừnghọc hỏi và tìm tòi nâng cao kỹ năng. Từ đó, các bạn trẻ lựa chọn con đường sáng tạo nội dung một cách chuyên nghiệp và trở thành người có sức ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội.
Mặt khác, khi thành công thì có mức thu nhập cao, dễ nổi tiếng, nhưng thách thức của người làm nội dung số không hề nhỏ. Trên thực tế, không phải ai làm nội dung số cũng được công chúng đón nhận rộng rãi. Với sự đổi mới liên tục từ những trào lưu trên mạng xã hội đã đòi hỏi các nhà sáng tạo nội dung phải liên tục cập nhật và cải tiến để bắt kịp xu hướng thị hiếu của người xem. Điều này đã tạo áp lực không hề nhỏ đối với những bạn trẻ mới bắt đầu làm công việc này. Ông Sơn nhận định trong bối cảnh toàn cầu vẫn chìm trong suy thoái, nhưng các thị trường ở Đông Nam Á vẫn thể hiện khả năng phục hồi và niềm tin của người tiêu dùng đang khôi phục trở lại. Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của 700 triệu người tiêu dùng trong nền kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ USD, dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 4,6% hàng năm cho đến năm 2030 (so với 2,7% trên toàn cầu). Trong khi đó, ở Việt Nam, hộ gia đình nhỏ và độc thân là các nhóm có mức độ tăng trưởng nhanh nhất với 1,1% tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm từ năm 2023 đến năm 2030. Xu hướng này thúc đẩy sự gia tăng của các sản phẩm dùng một lần, đồ điện gia dụng và sản phẩm thiết yếu cỡ nhỏ. Nhiều người tiêu dùng độc thân thường có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho các thiết bị điện tử cá nhân và mạng xã hội, tham gia các cộng đồng trực tuyến và theo dõi các nhà sáng tạo nội dung.
Theo tìm hiểu của Viện IMRIC và Viện IRLIE cho thấy, dân số lao động của Đông Nam Á sẽ tăng thêm 24 triệu người vào năm 2030. Thu nhập tăng đồng nghĩa với tầng lớp trung lưu và trung lưu bậc cao ngày càng tăng, khu vực này đang tiến gần hơn đến điểm cuối tiêu dùng và sẽ đẩy nhanh quỹ đạo tăng trưởng tiêu dùng. Sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi hai nhóm người tiêu dùng: Hộ gia đình độc thân và Gen Z. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ sử dụng Kinh doanh hội thoại cao nhất khi có tới 73% người tham gia khảo sát sử dụng tính năng này để tương tác với các doanh nghiệp.
Ông Sơn khẳng định, năm 2024, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển và người dùng có thể thực hiện nhiều hoạt động hơn thông qua tin nhắn như đặt chỗ khi đi du lịch, đặt lịch hẹn, nhận hỗ trợ hay mua sắm. Bên cạnh đó, đánh dấu sự thay đổi lớn của các quy trình tiếp thị truyền thống. Kỷ nguyên của giai đoạn nhận thức, cân nhắc và mua hàng một chiều sẽ dần biến mất dưới tác động của chuyển đổi số. Năm 2024 sẽ mở ra một cánh cổng mới cho ngành tiếp thị do vậy giới trẻ sẽ có nhiều cơ hội ‘vàng’ ở lĩnh vực này.
Dịp này, ông Sơn thông tin khi thế giới đang dần chuyển mình sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên công nghệ và số hóa sẽ đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Một xã hội số sẽ giúp xã hội hình thành nên những công dân số và văn hóa số, góp phần làm mạnh giàu cho đất nước. Trong xã hội số, việc áp dụng các giải pháp số thay thế cho những giải pháp truyền thống, cũng như tăng độ thuận tiện trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, ngân hàng – tài chính, logistics…Văn hóa số là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, niềm tin, hành vi, thái độ của con người trong quá trình sử dụng công nghệ số. Văn hóa số bao gồm cả văn hóa ứng xử, văn hóa sáng tạo, văn hóa kinh doanh, văn hóa quản lý… trong môi trường số có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển xã hội số. Nó góp phần định hướng, điều chỉnh hành vi của con người trong môi trường số, thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục,…
Như vậy, việc triển khai xã hội số, thông tin sai lệch có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Có thể gây hiểu lầm, chia rẽ cộng đồng, tạo ra sự không tin tưởng vào thông tin trên nền tảng số và ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định. Đặc biệt, trong lĩnh vực như chính trị, y tế, môi trường và an ninh, thông tin sai lệch có thể có hậu quả nguy hiểm đến sự phát triển của xã hội.
Việt Nam có 100 triệu dân đang trong giai đoạn dân số vàng, 69% dân số ở độ tuổi lao động, được xem là cơ hội thuận lợi để phát triển, nâng cao hiệu quả lao động, góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Song song đó, số người dùng internet và điện thoại thông minh có xu hướng tăng nhanh, người dân thích ứng nhanh với những thay đổi biến động. Đây còn là điều kiện thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy và phát triển xã hội số thành công. Tin rằng, mỗi người dung MXH nhất là giới trẻ cần thay đổi cả về tư duy, tiếp cận vấn đề và quản lý dữ liệu. Điều này giúp xây dựng các khung pháp lý và tạo điều kiện, nguồn lực để thích ứng và tối đa hóa các hoạt động tích cực trong quá trình chuyển đổi xã hội số, nhằm phát triển một xã hội Việt Nam bền vững trong cả hiện tại và tương lai.
Văn Hải – Mỹ Huyền