Giấc mơ tự chủ trong ngành bán dẫn sau khi bị lãng quên nhiều năm, chip Make in Vietnam, sản phẩm do người Việt sáng tạo, làm chủ công nghệ chứ không chỉ lắp ráp, lại trở thành mục tiêu quốc gia với niềm hy vọng mới.
Làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế là bước quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong bối cảnh thế giới chưa cung cấp dòng sản phẩm chip 5G thương mại.
Làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế là bước quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn (Ảnh: Reuters)
Giải bài toán khó về nhân lực để phát triển ngành bán dẫn
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) dự báo quy mô ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 ước đạt 20-30 tỷ USD. Nhưng chỉ mới có hai doanh nghiệp nội là FPT và Viettel tham gia thị trường này ở công đoạn đầu tiên, trên tổng số hơn 50 công ty trong ngành. Về sản xuất, Việt Nam đã có nhà máy đóng gói và kiểm thửcủa một số tập đoàn lớn như Intel hay Amkor, nhưng chưa có bất kỳ cơ sở chế tạo nào.
Nhà hoạch định chính sách muốn đất nước có chỗ đứng trong bản đồ vi mạch bán dẫn toàn cầu – sân chơi riêng của các nước có thu nhập bình quân trên 11.000 USD mỗi năm, gấp gần 3 lần Việt Nam.
Trong bối cảnh nhiều nước châu Á cũng hạ quyết tâm làm chủ công nghệ cốt lõi này, theo tính toán của BộTT&TT, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới.
Giới chuyên gia đánh giá, gần đây, khi ngành chip thiếu hụt nhân lực trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đang quay trở lại Việt Nam. Muốn đạt kế hoạch 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn, các trường đại học phải tăng gấp 10 lần quy mô nhân sự so với toàn bộ thành quả gần 20 năm qua (hơn 5.000 người). Đây là con sốthách thức nhưng khả thi, theo các chuyên gia và nhà quản lý.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Việt Nam hiện có 35 cơ sở đại học đào tạo các ngành liên quan vi mạch bán dẫn. Năm tới, các trường dự kiến tuyển sinh trên 1.000 sinh viên riêng cho chuyên ngành thiết kế chip, còn nhóm ngành liên quan là khoảng 7.000. Con số này ước tính tăng dần 20-30% mỗi năm.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT, đồng thời là người tham gia và xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn cũng cho rằng: “Nếu cứ đào tạo tuần tự 4 năm có một lứa kỹ sư sẽ không đáp ứng được cung cầu. Trong khi đó, Việt Nam có đội ngũ 350.000 kỹ sư công nghệ thông tin và điện tử, nếu đào tạo họ để làm được việc ngay, chúng ta sẽ đi khá nhanh”.
Chia sẻ tại buổi họp thường kỳ mới đây, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN) cho biết, hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm đến việc đẩy mạnh ngành công nghiệp chip bán dẫn. Tuy nhiên, để phát triển được ngành này phải hội tụ nhiều yếu tố về nghiên cứu, về nhân lực…
Ưu tiên triển khai các chương trình KHCN quốc gia về chip bán dẫn
Chính phủ đã phân công rõ nhiệm vụ của từng bộ ngành đối với việc xây dựng chiến lược, phát triển nhân lực. Ở góc độ Bộ KH&CN, với thế mạnh cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu, Bộ sẽ tập trung vào việc nghiên cứu.
Từ năm 2010, sản phẩm chip bán dẫn đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục là một trong các sản phẩm quốc gia, tuy nhiên chúng ta chưa triển khai được một cách triệt để. Hiện nay, Bộ KH&CN đang tích cực triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu, thiết kế chế tạo các chip bán dẫn.
Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN
Ông Đàm Bạch Dương cũng cho biết, tại buổi tổng kết chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và Bộ Quốc phòng mới đây, đại diện Viettel cho biết, đơn vị này đang có dự án liên quan đến chip bán dẫn, đề nghị BộKH&CN phối hợp. Do đó, Bộ KH&CN sẽ làm việc với Viettel để xây dựng, đề xuất những chính sách đặc biệt để tháo gỡ đến ngành chip bán dẫn.
“Đây là ngành rất đặc biệt và đặc thù, do đó, nếu sử dụng các chính sách thông thường sẽ rất khó phát triển”, ông Đàm Bạch Dương nói.
Hiện nay, các chính sách cho ngành này nằm rải rác ở nhiều nơi. Ví dụ, chip bán dẫn nằm trong danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, vì thế sẽ có một số ưu đãi về đầu tư. Đối với hoạt động nghiên cứu, chip bán dẫn cũng nằm trong danh mục các sản phẩm quốc gia thì lại có một số ưu đãi với hoạt động nghiên cứu…
Chính vì thế, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành nghiên cứu chính sách đồng bộ, đặc thù tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia vào nghiên cứu, chế tạo, phát triển và sản xuất chip bán dẫn.
Hai mươi năm chưa phải là quãng thời gian dài để Việt Nam có chỗ đứng trong ngành công nghệ cao đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối như chip bán dẫn. Nhưng theo nhiều chuyên gia đánh giá, đây là thời điểm hội đủ ba yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa cho tham vọng chip Việt.
Để giải bài toán “khát” chip toàn cầu, nhiều nước dẫn đầu về công nghệ bán dẫn như Mỹ, Nhật muốn hỗ trợViệt Nam gia nhập thị trường này, và đây cũng là định hướng trong tương lai của quốc gia.
Chính phủ có mục tiêu chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực, đồng nghĩa nhu cầu thiết bị điện tử, thiết bị kết nối Internet (IoT) sẽ rất lớn. Nếu nhà nước đặt hàng trực tiếp hoặc tạo hàng rào kỹ thuật với yêu cầu bảo mật cao, ưu tiên hàng nội địa, đội ngũ kỹ sư Việt đủ khả năng tự chủ thiết kế, tiến đến sản xuất chip cho sản phẩm viễn thông, modem wifi, camera… Những thiết bị liên quan trực tiếp đến dữ liệu của người dân nên ưu tiên sử dụng chip Việt. Đó chính là cách bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian số.
Vân Anh/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/cong-nghiep-ban-dan-tham-vong-va-tuong-lai-cho-viet-nam-post1076250.vov