Có thể thấy, trong giai đoạn khoa học công nghệ phát triển như vũ bão thì việc giao dịch mua bán và chuyển khoản thanh toán trực tuyến trên mạng đã trở thành xu thế giao thương của xã hội năng động, hiện đại. Thế nhưng, thời gian gần đây, không hiếm những trường hợp chuyển khoản nhầm vào tài khoản ngân hàng của người khác dù không có quan hệ giao dịch. Tuy nhiên, với mỗi trường hợp, cách ứng xử, giải quyết sự cố nhầm lẫn này không giống nhau.
Dưới góc độ pháp lý, Ông Phạm Trắc Long – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) cho rằng người sử dụng tiền mà người khác chuyển nhầm là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Do vậy, khi xảy ra tình huống chuyển khoản nhầm lẫn, người nhận có nghĩa vụ phải trả lại số tiền đó cho người đã chuyển nhầm. Việc không thực hiện nghĩa vụ này sẽ bị xem là hành vi chiếm hữu tài sản mà không có căn cứ pháp lý sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, nếu qua thời gian là 01 năm mà không xác định được chủ sở hữu của số tiền chuyển nhầm đó thì quyền sở hữu mới thuộc về người bị chuyển nhầm.
Anh Cao Bá Minh và giấy chứng nhận trao trả số tiền 3 tỷ đồng cho chị Lê Thị Kim Hoàng dưới sự chứng kiến của đại diện các bên liên quan.
Có thể khẳng định, không hiếm những trường hợp có cách ứng xử đẹp, không tham tiền của người khác chuyển nhầm, chủ động báo cơ quan chức năng giúp tìm khổ chủ để trả lại.
Điển hình, anh Cao Bá Minh (32 tuổi, trú xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Mới đây, anh Minh với sự hỗ trợ của Cơ quan công an đã trao trả số tiền 3 tỷ đồng cho chị Lê Thị Kim Hoàng (36 tuổi, ở Đồng Tháp) do chuyển khoản nhầm. Tương tự, chị Nguyễn Thị Luân, trú tại xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông mới đây chuyển khoản nhầm 110 triệu đồng vào tài khoản của chị Võ Thị Tiên (sinh năm 1968), trú cùng xã. Do không biết rõ nguồn gốc số tiền chuyển đến cũng như danh tính người chuyển tiền nên chị Tiên đã nhanh chóng đến Công an xã Đắk Búk So trình báo.
Nói về việc này, ông Phạm Trắc Long cho rằng người nhận tiền chuyển nhầm của người khác nhưng cố tình không trả lại cho khổ chủ, biến mình thành người vi phạm pháp luật. Theo đó, khi Cơ quan công an vào cuộc điều tra, khởi tố về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản thì họ mới chịu trả lại tiền cho khổ chủ. Khi đó, việc khổ chủ rút yêu cầu khởi tố (nếu có) cũng chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ; việc bị can có được miễn trách nhiệm hình sự hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định của cơ quan tố tụng.
Ông Phạm Trắc Long cho biết với truyền thống “thương người như thể thương thân”, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn của người Việt Nam thì thái độ phớt lờ, bỏ mặc khi người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản của mình là việc làm rất vô cảm. Vì vậy, nếu có tài sản “từ trên trời rơi xuống”, hãy tìm cách trả cho khổ chủ. Đừng lấy thứ không thuộc về mình, cái gì của ai thì phải trả lại cho người đó; đừng lấy của người làm cái lộc, cái phúc cho mình. Đừng làm mất sự liêm chính của bản thân, cũng giúp chính mình không vướng lao lý nếu bị xử lý dưới góc độ pháp lý.
Dẫn chứng luật, căn cứ Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ hoàn trả tài sản không có căn cứ pháp luật như sau: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015 về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật: Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác. Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015. Vì lẻ đó, theo quy định trên thì người nhận được tiền do chuyển khoản nhầm phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền cho chủ sở hữu, trong trường hợp không biết hoặc không tìm được thông tin của người chuyển nhầm thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ông Long cho biết.
Phân tích thêm, căn cứ vào Điều 176 Bộ luật Hình sự quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Theo đó, lỗi của người phạm tội bắt đầu phát sinh khi khổ chủ yêu cầu nhận lại tài sản nhưng người phạm tội không trả lại mà vẫn chiếm giữ hoặc tự ý định đoạt. Chính yếu tố “cố tình không trả lại tài sản” đã hình thành hành vi chiếm giữ trái phép tài sản; từ đây tùy theo giá trị tài sản mà hành vi cấu thành một vi phạm hành chính theo điểm đ, khoản 2, Điều 15, Nghị định 144/2021 hay vi phạm hình sự, ông Long nói.
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi không trả lại tiền do người khác chuyển khoản nhầm theo yêu cầu của chủ sở hữu có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm; Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi. (Theo khoản 2 Điều 4 và điểm đ khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP), Luật gia Long nhận định.
Thực tế, không phải ai cũng am hiểu pháp luật và có cách xử sự đúng quy định. Có người còn đưa ra những lý do để tự “an ủi” cho hành vi của mình rằng tiền được chuyển nhầm là “của trời cho” thì đương nhiên là của mình. Mặt khác, họ còn cho rằng, lượng tiền có giá trị không đáng kể thì không cần khai báo vì không có thời gian hay họ nghi ngờ tiền chuyển nhầm là thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng nên không chuyển trả lại nhưng cũng không trình báo Cơ quan công an.
Mặc dù vậy, dù nại ra bất cứ lý do gì để cố ý chiếm giữ tài sản không thuộc sở hữu hợp pháp của mình đều là vi phạm pháp luật. Tin rằng, nhận tiền chuyển nhầm qua tài khoản thì hãy ngay lập tức hoàn trả cho chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp. Đừng ngộ nhận cho rằng đó là “của trời cho” mà chiếm giữ để có khi phải trả bằng những cái giá quá đắt, mà một trong số đó là bản án hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản…
Văn Hải – Tuấn Tú