Vừa qua, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) nhận được thư của một số người dân và doanh nghiệp yêu cầu tham vấn pháp lý miễn phí, liên quan đến Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Bảo hiểm tiền gửi…
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) xin phúc đáp như sau: Hiện nay, một số doanh nghiệp có khó khăn về tài chính, theo đó doanh nghiệp dùng tư cách cá nhân để vay tiền của các đối tượng ngoài xã hội với mức lãi suất 1%/ngày cao gấp 18 lần so với quy định để duy trì hoạt động công ty, sau một thời gian gồng gánh đã lâm vào cảnh khốn cùng.Ngoài ra, hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi được quy định cụ thể tại điều 24, Luật Bảo hiểm tiền gửi…
Cho vay lãi suất 1%/ngày có vi phạm pháp luật?
Có hai vấn đề thứ 1 về cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và vấn đề thứ 2 về cưỡng đoạt tài sản:
Căn cứ tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Trong đó, Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn: “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay; “Thu lợi bất chính” là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Như vậy, với nội dung câu hỏi doanh nghiệp trình bày thì lãi suất đã vượt quá ngưỡng 1%/ngày (khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015), tuy nhiên phải phân tích thêm về số tiền thu lợi bất chính để xét xem từng lần cho vay các đối tượng đã thu lợi bất chính với số tiền như thế nào, có vượt ngưỡng 30 triệu trên 1 lần cho vay hay không? Trong trường hợp bên cho vay thu lợi bất chính vượt ngưỡng trên 30 triệu đồng cho một lần vay là vi phạm khoản 1 Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 thì tội cưỡng đoạt tài sản được hiểu như sau: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Như vậy, với nội dung câu hỏi doanh nghiệp trình bày thì đối với tài sản do cá nhân đứng tên thì quýdoanh nghiệp nên làm đơn tố giác gửi cơ quan công an có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Còn đối với tài sản do doanh nghiệp đứng tên thì doanh nghiệp nên làm đơn tố giác gửi đến cơ quan công an có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi là gì?
Căn cứ tại điều 24, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định, hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm do Thủ tướng quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Theo đó, trường hợp tổng số dư tiền gửi của một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lớn hơn hạn mức trả tiền bảo hiểm thì khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của người đó (bao gồm tiền gốc và tiền lãi) tối đa sẽ bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Đồng thời, căn cứ theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.
Tương tự, theo quy định tại Điều 188 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7, sau khi phương án phá sản được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại tổ chức tín dụng.
Do đó, với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 thì bên cạnh hạn mức trả tiền bảo hiểm 125 triệu đồng thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng, trong từng trường hợp cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có thể trình Thủ tướng quyết định chi trả toàn bộ cho người gửi tiền.
Bảo hiểm tiền gửi là một chiếc “áo giáp” bảo vệ tiền bạc của bạn khi gửi vào ngân hàng. Giả sử ngân hàng nơi bạn gửi tiền gặp khó khăn, không đủ khả năng trả lại tiền cho bạn thì chính bảo hiểm sẽ đứng ra bồi thường một phần hoặc toàn bộ số tiền đó.
Để được hưởng bảo hiểm tiền gửi, bạn cần đảm bảo rằng tiền gửi của mình là bằng đồng Việt Nam và được thực hiện tại một ngân hàng tham gia chương trình bảo hiểm tiền gửi (hiện nay, hầu hết các tổ chức tín dụng trong nước đều có bảo hiểm tiền gửi). Các hình thức tiền gửi như tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi đều được bảo hiểm.
Thế nhưng, không phải tất cả các khoản tiền gửi đều được bảo hiểm. Tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc tiền gửi của các tổ chức thường không được bảo hiểm. Thời gian để nhận được tiền bồi thường cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp.
Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) không chỉ tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật mà còn tích cực hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thực hiện theo nhiệm vụ của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn ngay từ khi đi vào hoạt động thì bên cạnh việc tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp thành viên hai viện, doanh nghiệp trong câu lạc bộ nói riêng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho Doanh nghiệp về pháp luật, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và cơ quan quản lý liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng…
Thông thường đối với các doanh nghiệp khi xảy ra vụ việc mới thuê dịch vụ pháp lý, do vậy thiệt hại trong kinh doanh là vô cùng lớn. Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết pháp luật dẫn tới phá sản. Vì lẻ đó, Trung tâm tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp phòng ngừa các rủi ro từ xa chứ không phải chi khi xảy ra vụ việc mới tìm hướng giải quyết.
Trung tâm tư vấn Minh Sơn thực hiện tư vấn cho nhiều đơn vị doanh nghiệp. Song song đó, ngoài việc làm nhịp cầu nối kết nối giữa các doanh nghiệp mà Trung tâm còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, giúp cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động theo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tránh được các rủi ro pháp lý có thể xảy ra, đảm bảo đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững…
Luật sư Phạm Lan Thảo – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn