Chiều ngày 15/12/2024 mới đây, UBND huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về Lễ hội hoa – kiểng Chợ Lách với chủ đề “Sắc màu Chợ Lách” được diễn ra trong 5 ngày từ (ngày 8/1 đến 12/1/2025) tại Làng Văn hoá du lịch huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre).
Huyện Chợ Lách nổi tiếng với nghề trồng hoa kiểng gắn với Làng Văn hóa Du lịch và Chương trình OCOP – “Mỗi xã một sản phẩm”.
Thông tin tại sự kiện, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho hay đây là sự kiện đầu tiên của năm 2025 đón chào “Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre” vừa được Chính phủ ra quyết định vào ngày 27/11/2024 (Quyết định số 1478/QĐ-TTg, ngày 27/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre).
Lễ hội mang đến một “Sắc màu Chợ Lách” được phản ánh vừa sinh động, tươi mới, vừa sáng tạo, đầy cảm xúc trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
Được biết, lễ hội hoa – kiểng được tổ chức lần đầu tiên của huyện, không chỉ nâng cao giá trị của thương hiệu hoa, kiểng Chợ Lách mà còn để giới thiệu, quảng bá những nét đẹp về văn hóa, lịch sử, con người và cảnh quan của Chợ Lách đến với du khách trong nước và quốc tế.
Cùng đó, thông qua lễ hội địa phương muốn tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư nhằm khai thác tốt hơn nữa những lợi thế của huyện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập, phát triển bền vững kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Chương trình giúp du khách hiểu thêm về đất và người Chợ Lách, do chính nông dân, bà con nhà vườn Chợ Lách giới thiệu và biểu diễn.
Thông tin thêm về lễ hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Nguyễn Minh Đức, nhấn mạnh: “Lễ hội có quy mô hơn 100 gian hàng thương mại thuộc các lĩnh vực – hoa kiểng, cây giống; dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp liên quan đến ngành hàng hoa kiểng, cây giống, gà nòi…Đồng thời, còn có sự tham gia của các mô hình nuôi gà nòi tại vườn cây ăn trái huyện Chợ Lách; dịch vụ cung ứng kỹ thuật, công nghệ chọn giống, chăm sóc gà nòi; doanh nghiệp cung ứng giải pháp ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh nông nghiệp Chợ Lách.
Điểm nhấn của lễ hội là sự kiện khai mạc Lễ hội vào lúc 18 giờ 30 phút, ngày 8/1/2025 tại sân khấu chính (sân vận động Phú Sơn, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách) với chương trình nghệ thuật đặc biệt – chủ đề “Dòng chảy và Khát vọng”.
Nghi thức kí kết hợp tác giữa Phòng văn hóa thông tin H.Chợ Lách, Viện ứng dụng KHCN & đào tạo Mekong và Cty TNHH doanh nghiệp xã hội Ecogen Plus.
Một số hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội, cụ thể: Xác lập kỷ lục Guiness: Tuyến đường hoa kiểng do cộng đồng tạo tác dài nhất Việt Nam (tuyến đường huyện lộ 34, 35, 37 dài 15km: Cây hồng lộc, vạn niên tùng, hoa giấy, hoa cúc…); Diễu hành xe hoa thiết kế biểu tượng thành tựu kinh tế nông nghiệp và thương hiệu đặc trưng địa phương; Hội thi Bonsai – Mai vàng; giao lưu với các nghệ nhân tạo tác Bonsai uy tín bậc nhất của Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) – trình diễn tạo tác Bonsai;Hoạt động chọi gà nghệ thuật. Đấu giá các “chiến kê” gà nòi gây quỹ hỗ trợ các mô hình kinh tế khởi nghiệp nuôi gà nòi đẻ trứng, nuôi gà nòi dưới vườn cây ăn trái,…; Hội thi sáng tạo nội dung và tìm kiếm “tài tử” livestream ngành hàng hoa, kiểng huyện Chợ Lách. Công bố landing page quảng bá Làng văn hóa du lịch Chợ Lách; Ra mắt bộ linh vật, mascot của Làng Văn hoá du lịch Chợ Lách và bộ sản phẩm quà tặng lưu niệm cho khách du lịch; Giới thiệu và đón tiếp các đoàn khách du lịch, công ty lữ hành kết nối 03 chương trình tour – tuyến mới được công bố trong khuôn khổ lễ hội. Đặc biệt là Dự án du lịch nông thôn xanh triển khai thí điểm tại Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách trong năm 2025;Cuộc thi ảnh đẹp Chợ Lách; trưng bày ảnh đẹp tại sân vận động xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách; Sáng tác các ca khúc riêng cho Lễ hội; đồng diễn 100 thiếu nhi với sáng tác của Hoa hậu môi trường Lê Thanh Hà viết riêng cho Làng Văn hoá du lịch Chợ Lách – Sắc màu Chợ Lách; Chương trình Hội ngộ tài tử miệt vườn Chợ Lách; Hội thi chế biến bánh ngọt và pha chế thức uống từ nguyên liệu nông sản địa phương…
Tham gia lễ hội, người dân và du khách sẽ được hòa mình vào không khí ngày hội cùng hàng chục ngàn nông dân giỏi; hàng ngàn nghệ nhân sinh vật cảnh… Lễ hội cũng là nơi gặp gỡ của một cộng đồng nông dân miệt vườn thông minh và không ngừng đổi mới sáng tạo. Du khách cũng có dịp thưởng thức ẩm thực miệt vườn và ẩm thực hội nhập vùng miền, quốc tế…
Minh Sơn – Hoàng Tuấn