Ngày 21/12/2024, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã nhận được thư của một số doanh nghiệp thành viên nhờ hỗ trợ tham vấn pháp lý liên quan đến việc dừng xe khi tín hiệu đèn xanh và học sinh vi phạm an toàn giao thông bị xử lý như thế nào…Theo đó, Viện IMRIC và Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) trực tiếp trả lời.
Dưới góc nhìn pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn xin phúc đáp cụ thể sau: Khi gặp đèn xanh mà người điều khiển phương tiện không chịu đi thì có thể bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Số lượng học sinh vi phạm an toàn giao thông ngày càng tăng và trở thành vấn đề đáng báo động chung trong toàn xã hội…
Dừng xe khi đèn xanh, có bị xử phạt hay không?
Người tham gia giao thông không chạy khi đèn xanh thì có phạm lỗi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông không? (Hình từ Internet)
Theo quy định hiện hành, tín hiệu đèn giao thông gồm 3 màu. Trong đó, tín hiệu đèn xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi và tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
Bên cạnh đó, trường hợp đèn vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Do vậy, đèn xanh là tín hiệu giao thông được đi. Nếu cố tình không đi, lái xe không chỉ gây cản trở giao thông mà có thể bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Căn cứ tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô có thể bị phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Nếu thực hiện hành vi này gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi Điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP – Đối với mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe tương tự xe mô tô và gắn máy bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP – Không chỉ ôtô, xe máy, xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ cố tình không đi khi gặp đèn xanh sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Học sinh vi phạm an toàn giao thông bị xử phạt thế nào?
CSGT vừa xử lý, vừa tuyên truyền luật giao thông cho học sinh. Ảnh minh hoạ
Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng nhiều tỉnh thành trên cả nước tăng cường phối hợp với nhà trường, phụ huynh để xử lý tình trạng học sinh vi phạm giao thông.
Căn cứ theo khoản 1 và 3, Điều 4 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh được xếp hạnh kiểm tốt khi thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; tích cực tham gia đấu tranh với các hành động tiêu cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Cùng đó, Quy chế này cũng quy định, học sinh bị xếp hạnh kiểm yếu khi có một số khuyết điểm trong việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 4, nhưng mức độ chưa nghiêm trọng; sau khi được nhắc nhở, giáo dục đã tiếp thu, sửa chữa nhưng tiến bộ còn chậm.
Do đó, đối với những trường hợp học sinh vi phạm giao thông nhà trường sẽ tiến hành hạ hạnh kiểm xuống mức yếu. Ngoài ra, nhiều trường học sẽ có thêm biện pháp xử phạt đi kèm mang tính răn đe nhằm tránh trường hợp học sinh tái phạm.
Tại Nghị định số 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới ban hành cũng quy định, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, học sinh vi phạm giao thông sẽ bị xếp loại hạnh kiểm thấp.
Căn cứ theo Nghị định số 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ, nhà trường có trách nhiệm tổ chức cho học sinh, gia đình học sinh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm các nội dung: Học sinh không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện theo quy định, không điều khiển xe gắn máy khi chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn; gia đình học sinh không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, nhà trường cần phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở con em thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với phụ huynh việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông.
Tiến hành phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với gia đình học sinh việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông;
Trong thời gian tới, các trường học cũng cần đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.
Trần Danh – Kiên Cường (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn)