Sáng ngày 10/01/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) tổ chức buổi tham vấn pháp luật bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến Nghị định 168/2024; Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015; Chương XX Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP…
Câu hỏi của người dân nêu tại buổi tham vấn pháp luật như sau: Tôi là tài xế xe công nghệ, hiện mức phạt tiền mở cửa xe gây tai nạn rất cao. Thế nhưng, nhiều khách hàng khi lên xuống xe rất ẩu, không đợi hướng dẫn của bác tài. Xin hỏi trong trường hợp mở cửa xe gây tai nạn, tài xế hay khách hàng sẽ nộp phạt và đền bù cho nạn nhân?. Ngoài ra, việc tôi tua ngược công-tơ-mét để bán xe ô tôt cho khách hàng liệu có vi phạm hành chình hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Lan Thảo – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) trả lời như sau: Nếu khách hàng tự ý mở cửa xe gây tai nạn cho người khác thì phải chịu trách nhiệm đóng tiền phạt và bồi thường thiệt hại. Nếu hành vi tua ngược công-tơ-mét xe ô tô để bán cho khách hàng có thể bị xử lý về tội ‘Lừa dối khách hàng’…
Ai chịu trách nhiệm, khách hàng mở cửa xe gây tai nạn
Căn cứ theo khoản 5, khoản 10 Điều 6 Nghị định 168/2024 quy định phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn.
Theo đó, phạt tiền từ 20-22 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông: điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 1; điểm c khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm n, điểm o, điểm p, khoản 3; điểm a, điểm c, điểm d khoản 4; điểm c, điểm d, điểm e, điểm h, điểm n, điểm o, điểm q khoản 5 (Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn); điểm b khoản 7; điểm b, điểm c, điểm d khoản 9 Điều này.
Theo Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với khung hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù tối đa lên đến 15 năm.
Trong đó, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả (quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này) nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Theo quy định tại Điều 584 Mục 1 Chương XX Bộ luật Dân sự 2015, người mở cửa xe ô tô không đảm bảo an toàn, gây tai nạn cho người khác còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, ai thực hiện hành vi thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong trường hợp ở câu hỏi này, nếu khách hàng tự ý mở cửa xe gây tai nạn cho người khác phải chịu trách nhiệm đóng tiền phạt và bồi thường thiệt hại.
Tua ngược công-tơ-mét ô tô để bán có thể bị xử lý hình sự?
Theo quy định pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hành vi tua ngược công-tơ-mét được hiểu là việc ngắt kết nối, khôi phục về ban đầu hoặc chỉnh sửa công-tơ-mét với ý định thay đổi số km được hiển thị trên đồng hồ. Đây có thể được xem là chiêu trò được nhiều đối tượng sử dụng khi bán xe cũ cho khách hàng khiến khách hàng thường phải trả số tiền lớn hơn giá trị thực tế của phương tiện.
Cạnh đó, hành vi này còn có thể gây nguy hiểm đến an toàn sức khỏe, tính mạng của khách hàng vì các vấn đề lỗi cơ học nhiều khả năng bị bỏ qua khi thông tin bảo dưỡng bị sai lệch. Mặc dù chưa có chế tài cụ thể, nên hành vi này chỉ có thể tham chiếu đến hành vi gian dối được quy định là một trong những hành vi bị cấm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Cụ thể, theo quy định tại Điều 61, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định mức xử phạt đối với hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ có 20 triệu đồng.
Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Lừa dối khách hàng”. Do đó, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Như vậy, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm trong trường hợp hành vi lừa dối khách hàng là hành vi có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người nào có hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác với mục đích lừa dối khách hàng bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, và có tổ chức có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Tuy nhiên, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, lần đầu tiên có những điều khoản cấm hành vi tua công-tơ-mét. Luật quy định, cấm cải tạo trái phép; cố ý can thiệp làm sai lệch chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ô tô; cắt, hàn, tẩy xóa, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số động cơ của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Nghiêm cấm việc cố ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe, động cơ của xe đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian lận kết quả kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định; thuê, mượn phụ tùng xe cơ giới chỉ để thực hiện việc kiểm định…
Mỹ Huyền – Thanh Hoàng (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn)