Giáo dục hoà nhập là xu hướng chung của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam xác định là con đường chủ yếu để thực hiện những quyền cơ bản của mọi trẻ em, trong đó chú trọng đến trẻ khuyết tật, trẻ khó khăn được tiếp cận nền giáo dục bình đẳng, có chất lượng.
Quan tâm đến giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam ta, thể hiện sự quan tâm đúng mức đến quyền trẻ em, thể hiện giàu tính nhân văn và thực sự có ý nghĩa đối với trẻ khuyết tật trong toàn xã hội. Giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc, coi như một nhiệm vụ chính trị phải hoàn thành trong thời kì đổi mới và hội nhập. Được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng của nền giáo dục nước ta hiện nay.
Kế thừa truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Thương người như thể thương thân”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến những người khuyết tật trong xã hội, nhất là đối với trẻ em. Trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế còn chậm phát triển, chúng ta đã từng bước xây dựng, thực hiện chính sách và biện pháp nhằm giúp đỡ người khuyết tật nói chung, nhất là giúp đỡ trẻ em bị khuyết tật về vật chất và tinh thần, vượt qua khó khăn riêng để hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng.
Để chất lượng giáo dục hoà nhập học sinh khuyết tật ngày càng được nâng cao, giúp các em vững bước vào đời, hoà nhập với cộng đồng và là những người con có ích cho xã hội, cho đất nước thì mỗi giáo viên với lòng yêu nghề mến trẻ, tận tuỵ với nghề nghiệp, chúng ta không thể không trăn trở.
Trường THPT Hoàng Hoa Thám là một trong những trường hàng năm có tỉ lệ học sinh khuyết tật học hoà nhập ngày càng cao. Các em khuyết tật không cùng một độ tuổi nên học rải rác trong các khối lớp. Với mong muốn giúp học sinh khuyết tật hoà nhập và học tập tốt, đặc biệt với tình yêu thương với những bạn kém may mắn chúng tôi đã tìm tòi, nghiên cứu qua Internet, tham khảo tài liệu, sách báo…đưa ra những giải pháp cụ thể để giáo dục hoà nhập cho học sinh khuyết tật một cách có hiệu quả.
Trên tinh thần đó, cô giáo Trần Thị Minh Đức – Giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Hoàng Hoa Thám cùng với nhóm học sinh Trịnh Hoài Phương – lớp 11G và Lê Chí Nhân – lớp 10D đã tổ chức Câu lạc bộ giúp học sinh khuyết tật hoà nhập để lan toả lòng nhân ái và giáo dục kĩ năng sống cho các em .
Hai MC của CLB: Trịnh Hoài Phương lớp 11G và Lê Chí Nhân lớp 10D
Thành phần tham gia Câu lạc bộ, ngoài những học sinh khuyết tật học hoà nhập còn có sự tham gia của lớp trưởng các lớp và các Bí thư chi Đoàn. Các em sẽ được các thành viên trong Câu lạc bộ tư vấn tâm lí, cùng nhau tham gia các trò chơi vận động, hoạt động nhóm và cùng giao lưu văn nghệ, … giúp các bạn tự tin, nhiệt tình tham gia một cách chủ động.
Học sinh tư vấn tâm lí
Tổ chức hoạt động nhóm
Thông qua buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ, các em được giáo dục đầy đủ về thể chất, tinh thần, trí tuệ và hoàn thiện các yếu tố cơ bản của nhân cách. Qua đó, các em đã trưởng thành hơn rất nhiều, biết quan tâm, chia sẻ với những bạn kém may mắn. Đây là một hoạt động rất thiết thực và bổ ích, từ đó giúp các em tự tin, nhanh nhẹn, hoạt bát, phát triển ngôn ngữ, lĩnh hội những kiến thức quý báu làm hành trang bước vào đời, hoà nhập với cộng đồng xã hội.
Hoàng An – Minh Đức