Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Qua đó, các doanh nghiệp logistics hiện chưa ứng dụng được những công nghệ của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, đồng thời chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tiềm năng của mỗi địa phương, kết nội hạ tầng, nhân lực kém nên hiệu quả còn thấp.
Ảnh minh hoạ
Có thể thấy, logistics là thuật ngữ chuyên ngành, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, theo đó trong tiếng Việt từ tương đương gần nhất là “hậu cần”. Logistics có khái niệm liên quan đến kinh doanh bắt nguồn từ những năm 50 thế kỷ XX. Điều này chủ yếu do sự gia tăng việc cung cấp, vận chuyển trong một thế giới toàn cầu hóa, đòi hỏi phải có những chuyên gia trong lĩnh vực này.
Điều 233 Luật Thương mại năm 2005 đưa ra khái niệm về dịch vụ logistics như sau: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó, thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
Theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cùng các tiến bộ kỹ thuật, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics.
Ngoài ra, với sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hoá đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy thị trường logistics thế giới trong thời gian gần đây. Cách mạng công nghiệp 4.0 với những bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo; theo hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo với mạng lưới kết nối internet vạn vật (IoT) và các công cụ hiện đại hoá đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hoá trên toàn cầu.
Trong bối cảnh khôi phục và phát triển dịch vụ logistics sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trongđó một số doanh nghiệp lớn hiện đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực để triển khai quyết liệt hơn nữa chuyển đổi số trong ngành.
Kinh tế toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, bên cạnh đó việc các quốc gia có sự kết nối đa dạng đã thúc đẩy sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực logistics. Đây được coi là thời điểm “vàng” để ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp logistics. Bởi vậy, để tìm hướng đột phá, các doanh nghiệp logistics ngày càng chú trọng đến việc nghiên cứu, áp dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý.
Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) cho thấy, các doanh nghiệp ngành logistics tại Việt Nam đang cung cấp từ 2 – 17 dịch vụ logistics khác nhau, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao nhận, vận tải, kho bãi, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. Nhiều doanh nghiệp đã và đang tích cực thử nghiệm, áp dụng các loại hình công nghệ vào hoạt động quản lý. Cùng với đó, logistics tại Việt Nam hiện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào 4 lĩnh vực chính: Vận tải đường bộ, kho hàng trong thương mại điện tử sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng.
Cũng theo khảo sát của Viện IMRIC và Viện IRLIE, 100% doanh nghiệp logistics hiện tăng đầu tư vào các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số trong gần 1 năm qua. Trong đó 86% doanh nghiệp kỳ vọng việc ứng dụng công nghệ, số hóa và chuyển đổi số sẽ mang lại lợi ích đáng kể về năng suất và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai. 36% doanh nghiệp logistics tin rằng việc đưa công nghệ vào hành trình logistics sẽ nâng cao trải nghiệm của khách hàng toàn cầu. Khoảng 68% số doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng tiến bộ công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động kinh doanh, bao gồm Internet of Things (86%, điện toán đám mây (82%), trí tuệ nhân tạo (45%), Big Data và blockchain (42%).
Song song đó, tốc độ phát triển của lĩnh vực logistics tại Việt Nam, những năm gần đây đạt khoảng 14% – 16%, với quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm. Thế nhưng, tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia của Việt Nam là 18% GDP, trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ 9 – 14%2. Điều đó cho thấy, chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực, như: Trung Quốc, Thái Lan…Nguyên nhân xuất phát từ những hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với dịch vụ sau cảng; công tác quy hoạch hạ tầng logistics, gồm: cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics, depot, bãi đậu xe tải, xe container…,chưa hiệu quả. Do vậy, ứng dụng công nghệ số hóa là yêu cầu cần thiết để cắt giảm chi phí. Ngoài ra, chuyển đổi số logistics sẽ giúp nâng cao hiệu suất trong các quy trình vận chuyển. Giá cước vận chuyển tính theo thời gian thực, vận đơn không cần giấy tờ và tự động hóa tối đa các quy trình sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động. Việc số hóa trong lĩnh vực logistics chính là một giải pháp minh bạch và hiệu quả giúp giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dứt gây chuỗi cung ứng từ khi xảy ra Covid-19 và xung đột Nga – Ukraina.
Cụ thể, ngoài các nền tảng công nghệ xuất hiện từ khá lâu và được sử dụng phổ biến trong các hoạt động của doanh nghiệp logistics, các nền tảng công nghệ mới nổi đã được các doanh nghiệp ứng dụng, trong đó có khoảng 68% số doanh nghiệp logistics đã triển khai ứng dụng công nghệ nền tảng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, như: IoT (19,4%), điện toán đám mây (18,4%), AI (18,4%), chuỗi khối (14,3%), dữ liệu lớn và phân tích (7,1%), kho tự động (10,2%) và người máy (12,2%). Nghành logistics tại Việt Nam chiếm tỷ trọng 20 – 25% GDP tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ, dự kiến tăng trưởng 12% mỗi năm trong tương lai gần. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty dịch vụ logistics.
Ảnh minh hoạ
Viện IMRIC phối hợp Viện IRLIE thực hiện một cuộc khảo sát cho thấy sự tiếp cận với môi trường số của doanh nghiệp ngành logistics có 90,5% các DN dịch vụ này hiện ở giai đoạn số hoá cấp độ 1. Điển hình, hầu hết các DN 73,5% ở cấp độ 2, 5% DN dịch vụ logistics nâng lên cấp độ 3 trực quan hoá, 2,2% ở cấp độ 4 minh bạch hoá, có 1,9% DN dịch vụ logistics tiến lên cấp độ 5 về khả năng dự báo và 0,4% đạt đến cấp độ 6 có khả năng thích ứng…
Ở thị trường logistics cạnh tranh ngày càng khốc liệt này, công nghệ đóng vai trò là một lợi thế đáng kể. Ứng dụng AI trong logistics đã tăng đáng kể khả năng tự động hóa trong toàn bộ quy trình giao hàng, bao gồm theo dõi đơn hàng, quản lý hàng tồn kho, kiểm soát sản phẩm, tối ưu hóa khoảng cách và quản lý theo thời gian thực.
Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng, gồm 3 trụ cột chính, đó là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, trong đó có nội dung: “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục – đào tạo, viễn thông và CNTT, logistics và vận tải phân phối”.
Như vậy, logistics thông minh dựa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành logistics, tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả của quá trình chuyển đổi số để phát triển ngành logistics. Phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đủ sức tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa. Phát triển các kênh, luồng lưu thông hàng hóa giữa thành thị và nông thôn; hình thành các trục thương mại lớn của vùng, phát triển hệ thống logistics, chợ đầu mối hiện đại, thông minh, bền vững; đẩy mạnh thương mại điện tử; hình thành các sàn giao dịch hàng hoá và các cụm, khu vực hội chợ triển lãm.
Với sự chú trọng huy động các nguồn lực cho phát triển logistics theo hướng xã hội hóa, tăng cường hợp tác công – tư trong xây dựng và phát triển các trung tâm logistic trong và ngoài nước, đặc biệt đối với các thị trường đối tác chiến lược…
TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC