Tại buổi tham vấn pháp lý vào sáng ngày 31/12/2024 do Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) tổ chức bằng hình thức trực tuyến cho các doanh nghiệp thành viên thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC và IRLIE…Theo đó, các doanh nghiệp quan tâm đến Bộ luật Hình sự 2015 và việc cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025 như thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư – Thạc sỹ Nguyễn Thành Hưng – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã phân tích cụ thể như sau: Người phạm tội có thể xin đề nghị phạt tiền để thay phạt tù được không?. Qua đó, kể từ năm 2025, nếu vừa sử dụng thuốc lá điện tử vừa có hành vi mua bán thuốc lá điện tử có thể bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Có thể đề nghị phạt tiền thay phạt tù được không?
Phạt tù là một trong số các hình phạt chính được quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015. Phạt tiền có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp theo quy định tại Điều 32 và Điều 33 Bộ luật Hình sự 2015.
Việc áp dụng hình phạt của Tòa án nhân dân phải dựa trên các căn cứ được Bộ luật Hình sự 2015 quy định tại Điều 50 như sau: Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong đó, khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.
Cạnh đó, Tòa án căn cứ vào: Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Thân phận người phạm tội như họ là ai? Công tác, học tập làm việc ở đâu? Có thành tích gì được khen thưởng không?…Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tại Điều 51 và Điều 52 của Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp áp dụng hình phạt tiền thì Tòa án còn căn cứ thêm vào tình hình tài sản, khả năng thi hành án của người phạm tội. Quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm đó.
Từ căn cứ trên có thể thấy, bạn có thể đề nghị xin áp dụng hình phạt tiền thay cho hình phạt tù nếu: Hình phạt tiền cũng phải là hình phạt chính của tội phạm. Thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 35 và Điều 50 của Bộ luật Hình sự.
Điển hình thứ nhất: H… bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. H… đã thành niên, không có vấn đề về sức khỏe, hoàn toàn tự chủ khi thực hiện hành vi phạm tội.
Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm. Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 – 7 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt;…
Hình phạt chính áp dụng cho tội danh này là phạt tù dù người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khung hình phạt nào của Điều 174. Điều này có nghĩa là, H… không thể được áp dụng hình phạt tiền thay cho phạt tù.
Điển hình thứ nhì: T… đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 165 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Xâm phạm quyền bình đẳng giới.
Căn cứ theo Điều 165 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội Xâm phạm quyền bình đẳng giới: Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên.
Do vậy, hình phạt chính cho tội phạm này là phạt tiền hoặc phạt tù. Lúc này, người phạm tội có thể đề nghị được áp dụng hình phạt tiền thay phạt tù. Bởi, tại khoản 2 có hai hình phạt chính được áp dụng là phạt tù hoặc phạt tiền.
Thế nhưng, cần lưu ý việc đề nghị thay thế hình phạt áp dụng là quyền của người phạm tội nhưng quyết định cuối cùng là của Tòa án. Qua đó, khi ra quyết định áp dụng hình phạt, Tòa án cũng sẽ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Đối chiếu các quy định nêu trên, người phạm tội có thể xin đề nghị phạt tiền thay phạt tù nếu đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định.
Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025, người hút và mua bán thuốc lá điện tử có bị xử lý hình sự?
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025.
Vì lẻ đó, khi thuốc lá điện tử chính thức bị cấm từ 2025 thì hành vi buôn bán thuốc lá điện tử được xem là buôn bán hàng cấm và sử dụng thuốc lá điện tử cũng tương tự việc sử dụng chất cấm. Khi thuốc lá điện tử trở thành hàng cấm, người có hành vi sử dụng, sản xuất, buôn bán tiêu thụ thuốc lá điện tử tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh liên quan.
Theo Bộ luật Hình sự hiện hành chưa quy định bất kỳ tội danh nào với hành vi sử dụng chất cấm. Nếu người chỉ sử dụng thuốc lá điện tử nhưng không buôn bán, tàng trữ thì sẽ không bị xử lý hình sự. Nếu vừa sử dụng thuốc lá điện tử vừa có thêm hành vi mua, bán có thể bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Về việc xử phạt hành chính người sử dụng chất cấm hiện được quy định theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Từ đó, thì người sử dụng thuốc là điện tử có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Đối với người (chủ thể) thực hiện hành vi kinh doanh, sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền và bị áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại điều 7, điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 190, 191 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung với khung hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù và bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt tiền cao nhất tới 9 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Văn Hải – Tuấn Tú (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)