Ngày 15/01/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM – Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) tổ chức buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và một số điểm mới cho một số người dân và doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Nêu lại câu hỏi của người dân như sau: Bố mẹ tôi có tài sản chung là một mảnh đất và một ngôi nhà. Bố tôi hiện bệnh nặng nằm liệt giường với tiên lượng xấu. Trước đó, ông làm một di chúc viết tay thể hiện: Sau khi ông mất, tài sản sẽ để lại cho hai anh em tôi và mẹ. Thế nhưng, di chúc này không có người làm chứng và chưa được công chứng, chứng thực. Thêm nữa, bố tôi có con riêng bên ngoài.Nếu bố tôi mất thì hai anh em tôi và mẹ có được hưởng di sản theo di chúc trên không? Có phải chia tài sản cho con riêng của bố không?. Đồng thời, việc xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước được quy định như thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư – Thạc sỹ Nguyễn Thành Hưng – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), Giám đốc Chi nhánh số 1 tại tỉnh Đồng Nai, xin tham vấn cụ thể sau:
Di chúc có phải công chứng, chứng thực
Căn cứ theo quy định tại Chương XXII Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, một di chúc được coi là hợp pháp nếu đảm bảo đủ các điều kiện sau: Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; Nội dung của di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Nội dung của di chúc bằng văn bản phải ghi rõ: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản.
Bên cạnh các nội dung quy định tại khoản 1 Điều trên, di chúc có thể có các nội dung khác. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Căn cứ Điều 631 BLDS năm 2015, trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa”.
Căn cứ Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức của di chúc: di chúc phải được lập thành văn bản. Nếu không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Như vậy, đối với trường hợp này, di chúc bố tự viết tay, không có người làm chứng và cũng chưa được công chứng, chứng thực thì phải đảm bảo thêm các điều kiện sau: Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc (Điều 633 BLDS năm 2015).
Căn cứ vào khoản 4 điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: “Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này“. (đó là Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.)
Qua đó, nếu đảm bảo đầy đủ các điều trên, thì di chúc đó được coi là hợp pháp và anh em bạn, mẹ bạn đương nhiên sẽ được hưởng phần di sản mà bố bạn để lại.
Tuy nhiên, người con riêng của người viết di chúc, phải xét trong hai trường hợp: Nếu người đó đã đủ tuổi thành niên, có khả năng lao động (không thuộc trường hợp là những Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 644 BLDS 2015) thì phần di sản sẽ được chia hoàn toàn theo di chúc; Nếu người đó chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động thì sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế. Vì vậy, phần di sản của được để lại phải chia thêm cho người con riêng của bố bạn.
Xác lập quyền sở hữu vật nuôi dưới nước quy định thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 233 Bộ luật Dân sự năm 2015: Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 1 tháng kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu vật nuôi dưới nước đó thuộc về người có ruộng, ao, hồ.
Văn Hải – Tuấn Tú (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)