Kinh tế số đã và đang thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tương lai. Kinh tế số là bước đi cần thiết để đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, cần phải có những định hướng cụ thể, có những cơ chế chính sách mà thực sự đi được xuống cơ sở. Với tỷ lệ người dùng internet ngày càng tăng (khoảng 70% dân số), Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ kinh tế số.
Không thể phủ nhận vai trò của kinh tế số trong thúc đẩy sự phát triển của chính phủ điện tử, trong đó có các dịch vụ công cung cấp thông qua các nền tảng trực tuyến. Theo đó, giúp cải thiện sự tiện lợi và hiệu quả các dịch vụ công, giảm thiểu thủ tục giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm của chính quyền.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách và biện pháp hỗ trợ để khuyến khích phát triển kinh tế số…Thế nhưng, một trong những vấn đề chính trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam là hạ tầng kỹ thuật chưa đủ mạnh mẽ để hỗ trợ việc triển khai công nghệ thông tin và viễn thông.
Để phát triển kinh tế số cần có đội ngũ nhân lực có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin. Thế nhưng, tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng trong lĩnh vực này vẫn còn. Việc đào tạo và thu hút nhân tài với kiến thức chuyên môn cao và khả năng sáng tạo vẫn là một thách thức lớn.
Vào ngày 20/11/2024 mới đây, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025. Trong đó, có 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Kế hoạch xác định không gian tăng trưởng chủ yếu của kinh tế số Việt Nam là phát triển kinh tế số theo ngành, lĩnh vực.
Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế số như kỳ vọng, chúng ta cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp từ hoàn thiện thể chế, chính sách, hạ tầng số đến phát triển kinh tế số cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số.
Trước tiên cần điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư và kinh doanh trong môi trường kinh tế số. Cụ thể, nâng cao hiệu quả các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách về vốn và nhân lực.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp nền tảng để thúc đẩy kinh tế số; tăng cường hoạt động thu hút đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ thông tin, số hóa.
Ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng số, cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trong đó, khuyến khích và tăng cường hỗ trợ việc hợp tác đào tạo giữa các nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo nhân lực về chuyển đổi số.
Năm 2024, nền kinh tế số khu vực dự kiến đạt 263 tỉ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV), thu về 11 tỉ USD lợi nhuận, theo đó GMV và lợi nhuận đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lần lượt ở mức 15% và 24% kể từ năm 2023.
Nền kinh tế số Việt Nam giữ vững mức tăng trưởng hai con số, thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực thươngmại điện tử và du lịch trực tuyến. Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 16%, chạm mốc 36 tỷ USD vào năm 2024, hai lĩnh vực thương mại điện tử và du lịch trực tuyến là động lực thúc đẩy chính.
Năm 2024, GMV ngành truyền thông trực tuyến tại Việt Nam trên đà chạm mốc 6 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng kép tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán đạt mức 11 tỷ USD vào năm 2030.Tại TP.HCM và Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mức độ quan tâm và nhu cầu về AI. Các ngành giáo dục, tiếp thị và chăm sóc sức khỏe là ba ngành tạo ra nhiều lượng tìm kiếm nhất về AI tại Việt Nam. Ngoài ra, AI cũng đang đóng vai trò chuyển đổi trong sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo.
Với sự phổ biến của các công cụ cùng nền tảng tạo nội dung dễ tiếp cận và sử dụng, điều này đã tạo đà cho kinh tế sáng tạo phát triển mạnh mẽ. Việt Nam, có hơn 22% lượt tải xuống các ứng dụng di động tích hợp những tính năng AI như hiệu ứng ảnh, tạo dựng nội dung và chỉnh sửa video.
Trong suốt 5 năm qua, sự tăng trưởng mạnh và liên tục của nền kinh tế số Việt Nam, nhất là năm 2024 tiếp tục chứng minh tiềm năng ấy. Được thúc đẩy bởi thương mại điện tử, nền kinh tế số quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, dù trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn…
Đồng thời, lĩnh vực truyền thông trực tuyến tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (14%), và ngày càng có nhiều nhà phát triển ứng dụng Việt Nam tạo nên ảnh hưởng toàn cầu với các ứng dụng phổ biến cho người dùng trên toàn thế giới. Người dùng Việt Nam cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn về AI trong năm 2024 và thật đáng khích lệ khi Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên lĩnh vực này
Tin rằng, với những giải pháp trên kết hợp sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức và sự chủ động của mỗi người dân, doanh nghiệp sẽ giúp thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam phát triển trong thời gian tới…
TS. Hồ Minh Sơn