Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ va chạm giao thông nhỏ nhưng lại dẫn đến những cuộc xô xát nghiêm trọng. Có người vung tay tát, có người sử dụng hung khí để “dạy cho đối phương một bài học”, thậm chí có trường hợp đẩy câu chuyện đến mức tước đoạt tính mạng người khác.
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc khi một thanh niên hung hãn tấn công người tham gia giao thông chỉ vì một va chạm nhỏ trên đường Khánh Hội, quận 4, TP HCM – Ảnh: Mạng xã hội
Cụ thể, ngày 9/12/2024, cộng đồng mạng bày tỏ phẫn nộ trước một đoạn video ghi lại cảnh một thanh niên hung hãn tấn công người tham gia giao thông chỉ vì một va chạm nhỏ trên đường Khánh Hội, quận 4, TP HCM. Hình ảnh người thanh niên lao vào đấm đá, bất chấp lời can ngăn, khiến nhiều người bàng hoàng. Đáng lo ngại khi đây không phải là sự việc cá biệt.
Sau đó, vào tối ngày 10/12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA quận 4, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp với Bùi Thanh Khoa (40 tuổi, trú tại Quận 10, TP Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Bước đầu, Bùi Thanh Khoa khai do va chạm xe trên đường nên bực tức xuống đánh cô gái 23 tuổi trên đường Khánh Hội (Quận 7, TP Hồ Chí Minh).
Được biết, vào sáng ngày 09/12/2024 trước đó, chị Q.T.A (23 tuổi, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) điều khiển xe máy SH di chuyển trên đường Khánh Hội, theo hướng từ Quận 7 qua cầu Kênh Tẻ. Khi đến trước nhà số 120 – 122 đường Khánh Hội, chị A bị Bùi Thanh Khoa chạy xe máy Honda Air Blade biển số 59H1 – 547.48 ép xe vào lan can giữa đường, khiến xe của chị A va quẹt vào phía sau xe của Khoa.
Mới đây, vụ việc nam tài xế xe tải đang chở trên xe một phụ nữ và con nhỏ bị những người đàn ông trên chiếc xe bán tải hành hung ngay giữa đường đã gây phẫn nộ trên cộng đồng mạng. Theo thông tin được đăng tải, vụ việc xảy ra vào chiều ngày 15/12 trên đường tỉnh 741, đoạn qua địa phận TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Lúc này, chiếc xe tải đang di chuyển bất ngờ gặp một chiếc bán tải Mazda BT-50 mang biển số 61C-403.85 đi chậm giữa hai làn đường.
Có thể thấy, với hành vi đánh người sau va chạm giao thông, nếu thương tích của nạn nhân dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Dưới góc nhìn pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) nhận định, hành vi côn đồ trong giao thông bắt nguồn từ vô số nguyên nhân. Trong đó, có 4 nguyên nhân chính như: Ý thức về pháp luật và văn hóa ứng xử còn yếu kém. Một số người sẵn sàng lao vào “ăn thua” ngay khi xảy ra va chạm, thay vì bình tĩnh giải quyết theo pháp luật hoặc thông qua bảo hiểm. Họ coi hành vi bạo lực như cách để “giành phần đúng”, bất chấp hậu quả pháp lý hay đạo đức; Căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày dễ biến những va chạm giao thông nhỏ thành “giọt nước tràn ly”. Tình trạng kẹt xe kéo dài, áp lực công việc, hoặc những bất đồng tích tụ từ trước khiến con người trở nên dễ cáu gắt, mất kiểm soát; Mạng xã hội và tâm lý đám đông góp phần thúc đẩy hành vi bạo lực. Một số người sợ “mất mặt” trước đám đông, hoặc cảm thấy được cổ vũ bởi những người đứng xem, dẫn đến hành động bộc phát; Có thể do thói quen sử dụng rượu bia và chất kích thích. Một phần không nhỏ các vụ xô xát, gây gổ trên đường liên quan đến việc người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích. Những chất này làm suy giảm khả năng phán đoán, kích thích cảm xúc tiêu cực và dẫn đến các hành vi côn đồ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Theo TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị để hạn chế những hành vi côn đồ khi tham gia giao thông, cần sự chung tay của cả xã hội và áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó thực hiện trên cả ba phương diện: giáo dục, pháp luật và cơ chế hỗ trợ xử lý. Cần siết chặt xử phạt và tăng mức chế tài. Những hành vi như lăng mạ, hành hung hay phá hoại tài sản cần được xử lý nghiêm minh, không chỉ bằng các mức phạt hiện hành mà còn có biện pháp tăng hình phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ để răn đe.
Căn cứ theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Trong đó, khoản 1 Điều này quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phân tích thêm, TS. Hồ Minh Sơn cho biết “Cố ý gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể trên 11% thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị áp dụng hình phạt tù là điều không cần bàn cãi”.
Mặt khác, trong trường hợp cố ý gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị áp dụng hình phạt tù khi thuộc một trong các trường hợp sau: dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Hoặc trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; có tính chất côn đồ; đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, TS. Hồ Minh Sơn nói.
Căn cứ theo Điều 178 Bộ luật Hình sự quy định, hành vi cố ý phá hoại tài sản của người khác có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tùy mức độ nghiêm trọng. Trong khi đó, hành vi gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự, có thể bị phạt tù lên tới 7 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, các hành vi gây rối trật tự khi tham gia giao thông như dừng xe cản trở, đánh người, hoặc lăng mạ có thể bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, thậm chí tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng, TS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng.
Đồng thời, hành vi đánh nhau xảy ra sau một va chạm giao thông, có thể coi là một phản ứng tức thời. Tuy nhiên, qua đoạn clip cho thấy Khoa đã tiến tới và đấm vào mặt nạn nhân, sau đó tiếp tục đạp vào mặt khi nạn nhân đã ngã xuống đất, cho thấy hành vi này có tính chất quyết liệt và không tương xứng với nguyên nhân ban đầu. Dù đã có những chế tài rõ ràng như vậy, nhưng thực tế, việc xử lý chưa đủ sức răn đe và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân vẫn rất thấp. Cần nâng cao ý thức cộng đồng. Các chiến dịch truyền thông về văn hóa giao thông, giáo dục trong nhà trường và tuyên truyền tại địa phương cần được đẩy mạnh, giúp người dân hiểu rõ rằng mọi hành vi bạo lực đều phải trả giá, TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị.
Trong nhà trường, cần đưa các nội dung về văn hóa giao thông vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Các bài học không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà cần tổ chức các buổi trải nghiệm thực tế, mô phỏng tình huống giao thông để học sinh hiểu và áp dụng.
Ở cộng đồng, phải thực hiện các chiến dịch truyền thông dài hạn, như phát động tuần lễ văn hóa giao thông, tổ chức các cuộc thi, hội thảo về ứng xử giao thông văn minh. Còn đối với người vi phạm, bên cạnh xử phạt, cần có hình thức giáo dục bắt buộc, như tham gia lớp học về luật giao thông, lao động công ích hoặc xem lại hậu quả từ các vụ tai nạn. Điều này, giúp người vi phạm nhận ra trách nhiệm và hậu quả từ hành vi sai trái.
Hành vi côn đồ trên đường phố không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử của xã hội. Giao thông không đơn thuần là sự di chuyển, mà còn là nơi phản ánh rõ nhất thái độ, ý thức và sự tôn trọng lẫn nhau của cộng đồng. Một người biết nhường đường, nói lời xin lỗi khi xảy ra va chạm, hay sẵn lòng giúp đỡ người gặp khó khăn không chỉ góp phần tạo nên một môi trường giao thông an toàn, mà còn lan tỏa giá trị nhân văn, xây dựng một xã hội đáng sống hơn.
Đối tượng Bùi Thanh Khoa bị phía cơ quan công an tạm giữ. Ảnh công an cung cấp
Nêu câu hỏi, vì sao ứng xử giao thông lại là thước đo văn minh? Bởi lẽ, hành vi của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn tác động trực tiếp đến những người xung quanh. Sự bình tĩnh, tôn trọng và hợp tác là yếu tố then chốt giúp giải quyết mọi vấn đề, từ va chạm nhỏ đến các sự cố lớn, thay vì để cảm xúc nóng giận dẫn dắt hành động. Ứng xử giao thông không phải là điều gì quá xa vời hay lớn lao, mà chính là những hành động nhỏ bé, tử tế hàng ngày trên đường phố. Đừng để một phút nóng giận làm hỏng cả cuộc đời. Thay vào đó, hãy chọn sự bình tĩnh và văn minh, bởi lẽ, mỗi hành động của bạn không chỉ quyết định sự an toàn của chính mình, mà còn là minh chứng cho giá trị và bản lĩnh của con người trong xã hội hiện đại, TS. Hồ Minh Sơn phân tích thêm. Về mức độ tấn công, với hành vi đánh, đập liên tục, nếu không có sự can ngăn hoàn toàn có thể gây thương tích cho nạn nhân. Qua đó cho thấy sự có quyết liệt trong hành động. Hành vi này diễn ra một cách công khai và có tính chất thách thức, đây có thể được coi là có tính chất côn đồ. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác, người bị đánh cần sớm thực hiện việc giám định để xác định tỉ lệ thương tích. Đồng thời cũng phải xem xét cụ thể các tình tiết của vụ việc cũng như các yếu tố liên quan đến nhân thân của người thực hiện hành vi.
Tin rằng, giao thông không chỉ là nơi chúng ta đi qua, mà còn là nơi chúng ta cùng nhau xây dựng một hình ảnh đẹp để quảng bá về đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Văn Hải – Kiên Cường