Sáng ngày 04/04/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến cho các độc giả là các doanh nghiệp thành viên liên quan đến Hiến pháp 2013; Nghị định 144/2021/NĐ-CP và Bộ luật Hình sự; Luật Đất đai 2024…
Dưới góc độ pháp lý, các luật gia, các luật sư và các tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã tham vấn pháp lý hai trường hợp cụ thể sau:
Trường hợp thứ nhất: Chủ nợ xâm phạm chỗ ở gia đình ‘con nợ’ thì xử lý thế nào?
Doanh nghiệp nêu câu hỏi: Bố tôi mang sổ đỏ thế chấp để vay nợ, đến hạn thì chủ nợ đến đòi, đuổi chúng tôi ra khỏi nhà, vậy chúng tôi phải làm thế nào và chủ nợ có bị đi tù không?
Căn cứ theo Điều 22, Hiến pháp 2013, mọi công dân đều có quyền có nơi ở hợp pháp và mọi người để có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được sự đồng ý.
Có thể nhận biết, chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp, mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó cho phép.
Theo đó, hành vi xâm phạm chỗ ở, vào nhà người khác trái phép có thể gồm: Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
Căn cứ theo điểm c khoản 5 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân có thể bao gồm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở nếu vi phạm sẽ phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Đồng thời, tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với trường hợp tài sản là nhà, chỗ ở thì người nào có hành vi cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Căn cứ theo điều 158 Bộ luật Hình sự hành vi xâm phạm chỗ ở, vào nhà người khác trái phép có thể bị xử lý với mức tù lên đến 5 năm tù. Mức hình phạt cụ thể căn cứ vào hành vi, tính chất mức độ, hậu quả và các tình tiết liên quan khác đến vụ án.
Ở trường hợp này nếu quý doanh nghiệp là chủ nhà mà phát hiện ra hành vi xâm chiếm, vào nhà bạn bất hợp pháp thì trước mặt bạn quay video làm bằng chứng, yêu cầu những người chiếm giữ ra khỏi nhà. Qua đó, nếu họ ngoan cố, bất chấp pháp luật thì quý doanh nghiệp có thể trình báo và tố giác toàn bộ sự việc ra cơ quan công an nơi có bất động sản. Doanh nghiệp không nên tự ý vào đập phá tài sản, đánh đập người khác để ảnh hưởng đến mình, và hết sức giữ bình tĩnh chờ cơ quan pháp luật giải quyết theo quy định pháp luật.
Trường hợp thứ hai: Anh trai chiếm đất bố mẹ để lại không chia cho các em, phải làm sao?
Doanh nghiệp nêu câu hỏi: Bố mẹ tôi mất có để lại 01 mảnh đất, anh cả tôi đang giữ toàn bộ giấy tờ và có ý định chiếm đoạt, tôi có thể kiện ra Tòa án để đòi lại phần đất của bố mẹ không?
Có thể nhận biết, tranh chấp đất đai không có giấy tờ là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất khi một trong các bên hoặc tất cả các bên không có giấy tờ chứng minh. Thế nhưng, trong trường hợp người sử dụng đất không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, pháp luật có quy định những giấy tờ liên quan tới việc chứng minh việc sử dụng đất.
Như vậy, quý doanh nghiệp cần thu thập bất kỳ chứng cứ nào liên quan đến quyền sở hữu đất của bố mẹ bạn, chẳng hạn như di chúc, giấy tờ mua bán đất, sổ hộ khẩu, chứng cứ về việc sử dụng đất, và lời khai của những người biết về tình trạng đất đó.
Cạnh đó, có thể liên hệ với cơ quan quản lý đất đai địa phương để xin sao lục các giấy tờ liên quan đến mảnh đất đó. Cơ quan này có thể cung cấp thông tin về quyền sở hữu đất và các giao dịch liên quan.
Căn cứ theo quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai 2024, trường hợp này bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện trực tiếp ra Tòa án kể cả bạn không có các giấy tờ. Theo quy định thì trường hợp này bạn có quyền lựa chọn một trong hai hình thức như sau:
Hòa giải tại cơ quan địa phương: Theo Điều 235, doanh nghiệp nên thử hòa giải với anh cả của bạn thông qua cơ quan địa phương như Ủy ban nhân dân xã hoặc phường.
Khởi kiện tại Tòa án: Nếu hòa giải không thành công, bạn có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Trong đơn khởi kiện, bạn cần nêu rõ yêu cầu của mình và kèm theo các chứng cứ đã thu thập được.
Viện trưởng Viện IMRIC Hồ Minh Sơn – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm