Sáng ngày 20/05/2024, tại số 412, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM – Thường trực Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã tiếp 4 doanh nghiệp thành viên. Tại buổi tiếp, các doanh nghiệp nhờ hỗ trợ tham vấn pháp lý liên quan đến việc cho vay tiền và nhận thế chấp tài sản hoặc cho vay nặng lãi có vi phạm pháp luật hay không?.
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã tham vấn cụ thể sau: Cho người thân vay tiền, nhận thế chấp bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng). Đồng thời, trong giao dịch dân sự, cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, có thể bị áp dụng khung hình phạt tù cao nhất là từ 6 tháng đến 3 năm.
Cho người thân vay tiền, nhận thế chấp bằng sổ hồng được không?
Ảnh minh hoạ
Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
Căn cứ vào Điều 35 Nghị định 21/2021 quy định việc nhận thế chấp của cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Bên nhận thế chấp là tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đất đai, cá nhân là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Việc nhận thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không vi phạm điều cấm của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan, không trái đạo đức xã hội trong quan hệ hợp đồng về dự án đầu tư, xây dựng, thuê, thuê khoán, dịch vụ, giao dịch khác; Trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bao gồm trả tiền lãi thì lãi suất phát sinh do chậm trả tiền, lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi chưa trả hoặc lãi, lãi suất khác áp dụng không được vượt quá giới hạn thỏa thuận về lãi, lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357, khoản 5 Điều 466 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự. Trường hợp có thỏa thuận về việc xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên có nghĩa vụ và không có quy định khác của pháp luật thì chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn;
Cùng với đó, điều kiện có hiệu lực khác của giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan. Với quy định trên thì cá nhân có quyền nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Khi đó người nhận thế chấp cần lưu ý: Hợp đồng thế chấp phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật. Khi công chứng hợp đồng cần lưu ý kiểm tra về các điều kiện để thế chấp quyền sử dụng đất như đất không tranh chấp, đã được cấp giấy chứng nhận hay quyền sử dụng đất vẫn còn thời hạn… Bên cạnh đó, việc thế chấp phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt đến 3 năm tù?
Ảnh minh hoạ
Trong những năm gần đây, tín dụng tự phát hay còn gọi là hoạt động cho vay lãi nặng phát triển tràn lan với hình thức đa dạng, tinh vi. Qua đó, các cá nhân và tổ chức cho vay lãi nặng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết cũng như sự cấp thiết của bên vay để đưa ra mức lãi suất cao quá quy định. Hậu quả không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống, công việc của người đi vay và người thân của họ, mà còn tác động tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay, các bên có thỏa thuận về lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác, và mức lãi suất vượt quá (nếu có) sẽ không có hiệu lực.
Căn cứ khoản 1 Điều 468 BLDS, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định trên tại thời điểm trả nợ.
Cụ thể: Về xử lý hành chính: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của BLDS (điểm d, đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP); Về xử lý hình sự: Người phạm tội có thể bị xử lý về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, trường hợp cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, tùy giá trị tài sản thu lợi bất chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích thì có thể bị phạt tiền thấp nhất là 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt đến 3 năm tù giam.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Một số trường hợp trong quá trình đòi nợ, chủ nợ đã cho người đến nhà gây rối, ném chất bẩn… để uy hiếp, hoặc gọi điện, đe dọa, tung những thông tin thất thiệt về người vay và người thân của họ.
Căn cứ Điều 101 Nghị định 15/2020, với trường hợp này ở mức độ nhẹ có thể xem xét xử lý hành chính: hành vi đăng tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con nợ trên mạng xã hội bị xử phạt 5-10 triệu đồng đối với cá nhân; Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021 – tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị xử phạt 2-3 triệu đồng; Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021, gây mất trật tự công cộng bị xử phạt đến 8 triệu đồng…
Mức độ nghiêm trọng hơn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một số tội danh như sau: Hành vi thuê người đòi nợ, ép buộc bên nợ tiền phải trả tiền hoặc gán tài sản trái với ý muốn của họ… nếu đủ yếu tố cấu thành có thể bị xem xét xử lý về các tội như: Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS), tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), cả hai tội này đều có mức hình phạt cao nhất lên tới chung thân. Hay tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170) mức phạt có thể lên tới 20 năm tù giam; Nếu đối tượng xông vào nhà con nợ để đòi tiền thì có thể bị coi tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 BLHS. Người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm; Nếu đối tượng có hành vi chửi bới con nợ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ có thể bị xử lý về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự, có thể bị xử phạt lên tới 5 năm tù giam; Hành vi tạt sơn, chất bẩn nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xem xét xử lý về tội gây rối trật tự công cộng, đối với tội này mức hình phạt lên tới 7 năm tù giam theo quy định tại Điều 318 BLHS; Nếu đối tượng đánh đập con nợ, người thân của con nợ thì có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự. Có thể không cần căn cứ vào mức độ thương tật của nạn nhân, người có hành vi phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến chung than; Đối tượng có hành vi đạp phá, hủy hoại, phá hoại tài sản của người vay tiền thì có thể xem xét xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS, mức hình phạt của tội này cao nhất 20 năm và áp dụng biện pháp bổ sung.
Tuy nhiên, vẫn còn tùy thuộc vào mức độ vi phạm của bên chủ nợ đến đâu mà áp dụng quy định pháp luật hình sự để xử lý phù hợp. Mặt khác, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tính mạng, sức khỏe ,tinh thần của con người, tài sản do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự và Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP.
Xác định hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp nhất là đối với người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em… Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Thường trực Viện IMRIC, Viện IRLIE và BGĐ Trung tâm TTLCC tham vấn pháp lý cho doanh nghiệp thành viên Công ty Mays Ruviteks (Liên bang Nga) về Luật Lao động 2024
Các chương trình tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý của Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC không chỉ chú trọng tới những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý mà qua đó,còn phối hợp với các địa phương trên cả nước tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí cho nhân dân, doanh nghiệp giúp chính quyền cơ sở giải quyết các vướng mắc liên quan đến pháp luật.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Viện IMRIC đã phối hợp với Viện IRLIE, giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật không chỉ với cộng đồng doanh nghiệp, qua đó cũng đã tư vấn, giải đáp những vướng mắc pháp luật cho người dân tại các địa phương...
Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC mong muố qua các đợt tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân và doanh nghiệp, tổ chức các toạ đàm khoa học, hội nghị tuyên truyền pháp luật, có nội dung như: Các quy định của pháp luật về đất đai, về chính sách bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, về vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, bình đẳng giới…
Cùng với đó, TRung tâm TTLCC cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật liên quan đếnpháp lý như: Kể về các câu chuyện pháp luật mà đội ngũ luật sư của Trung tâm tham gia bào chữa tại các phiên toà hình sự, dân sự nhằm gián tiếp tuyên truyền những kiến thức pháp luật cho người dân, doanh nghiệp...Ngoài ra, thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật, ngoài vấn đề trọng tâm là tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật còn truyên truyền những văn bản pháp luật mới liên quan trực tiếp đến nhân dân như: Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai (sửa đổi), Luât Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Bộ Luật hình sự năm 2015, Bộ Luật dân sự năm 2015, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân của họ, về vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế… đồng thời tiếp nhận, tư vấn, giải đáp trực tiếp hàng trăm câu hỏi, đơn yêu cầu tư vấn pháp luật của bà con nhân dân, doanh nghiệp.
Vì vậy, thông qua hoạt động tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý của Trung tâm, nhận thức và hiểu biết pháp luật của nhân dân, doanh nghiệp được nâng cao, giúp người dân tự tin hơn khi tham gia vào các quan hệ pháp luật và góp phần tích cực cùng các ngành, các cấp trong việc giải tỏa một số vướng mắc liên quan đến pháp luật của nhân dân trong đời sống hàng ngày. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức pháp luật cho người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế các vụ khiếu nại, khiếu kiện không đáng có, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương.
Tin rằng, công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, doanh nghiệp của Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC tiếp tục triển khai, duy trì mạnh mẽ công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, góp phần nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật trong nhân dân, hạn chế những tranh chấp trong cộng đồng dân cư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người yếu thế trong xã hội (người nghèo, cac đối tượng chính sách, trẻ em) và nhân dân. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trần Danh – Mỹ Huyền