Mặc dù đang trong quá trình lấy ý kiến, hoàn chỉnh để sớm trình Quốc hội thông qua. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng bám sát hai nhóm chính sách: hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số. Trong đó, lần đầu tiên luật hóa khái niệm tài sản số, tạo nền tảng pháp lý quan trọng để điều chỉnh các hoạt động liên quan và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp số tại Việt Nam.
Trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, một nội dung mới mẻ và đáng chú ý là khái niệm “tài sản số”. Điều 8 dự thảo luật quy định: “1. Qua đó, tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan”. Điều này cho thấy Việt Nam đang từng bước xây dựng một khung pháp lý để điều chỉnh và thúc đẩy sự phát triển của loại tài sản hiện đại này.
Trong bối cảnh toàn cầu, “tài sản số” không phải là thuật ngữ duy nhất được sử dụng. Theo đó, thống kê cho thấy có khá nhiều thuật ngữ, chủ yếu bằng tiếng Anh, có biểu hiện từ giống hoặc tương tự nhau và cùng để chỉ đối tượng xuất hiện theo thứ tự thời gian bắt đầu từ những năm 2009 cho đến những năm gần đây, có thể kể đến như “Cryptocurrency” (tạm dịch là tiền mã hoá), “Virtual Currency” (tạm dịch là tiền ảo), “Digital Currency” (tạm dịch là tiền kỹ thuật số), “Digital Assets” (tạm dịch là tài sản kỹ thuật số), “Crypto Assets” (tạm dịch là tài sản mã hóa), “Virtual Assets” (tạm dịch là tài sản ảo).
Những năm gần đây, thuật ngữ “Crypto Assets” hay “Digital Assets” được sử dụng phổ biến hơn hết. Mỗi thuật ngữ có thể mang theo cách hiểu riêng, tùy thuộc vào bối cảnh pháp lý và sự phát triển của công nghệ tại từng quốc gia. Vì vậy, việc thiếu một định nghĩa rõ ràng và thống nhất cũng là rào cản lớn trong việc xây dựng chính sách cho các loại tài sản này.
Theo Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã chọn thuật ngữ “tài sản số” như một bước đầu định hình khuôn khổ quản lý tại Việt Nam. Cách quy định của dự thảo luật hiện có thể sẽ được điều chỉnh, chỉnh sửa nhiều lần cho đến khi được ban hành bởi vì để xây dựng khái niệm đủ rõ ràng, vừa có tính bao quát vừa chi tiết, vừa phù hợp với đặc thù công nghệ vừa đảm bảo tính linh hoạt trước sự phát triển không ngừng của đối tượng tài sản này, sẽ là một thách thức rất lớn cho cơ quan lập pháp.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số như hiện nay chỉ mới dừng ở việc nêu ra khái niệm và “giao việc” cho các cơ quan nhà nước có liên quan, thì vẫn chưa có cơ sở rõ ràng để dự đoán về việc sẽ hình thành hàng lang pháp lý cụ thể như thế nào. Tuy nhiên, một bước tiến quan trọng thể hiện ở dự thảo luật chính là sẽ xem và phân loại tài sản số là một tài sản hợp pháp, công dân có quyền sở hữu và thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu. Đây là điều mà hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào ghi nhận như vậy.
Qua tìm hiểu nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới, hiện nay, có ba cách tiếp cận phổ biến để điều chỉnh tài sản số: áp dụng các quy định pháp luật hiện hành dựa trên sự tương đồng về chức năng và bản chất; sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để bao quát thêm tài sản số; hoặc ban hành một luật riêng dành cho tài sản số.
Điển hình, Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 hiện có thể diễn giải quyền đối với tài sản số – tài sản số có thể được xếp vào nhóm “quyền tài sản”, tức là những quyền có thể định giá được bằng tiền. Điều này,được quy định tại điều 115 BLDS 2015, vốn đã để mở khả năng công nhận thêm các quyền tài sản mới. Mặt khác, một số chuyên gia lại đề xuất tài sản số nên được công nhận như một loại tài sản mới hoàn toàn, tách biệt khỏi các khái niệm về tài sản hiện có.
Có thể đòi hỏi BLDS 2015 phải được sửa đổi, bổ sung để thêm loại tài sản này vào danh mục hiện tại, vốn chỉ gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Trong giới khoa học pháp lý và nghiên cứu lập pháp, rất nhiều nghiên cứu đã và đang bàn luận về chủ đề nên công nhận tài sản số là loại tài sản nào; tuy vậy cho đến nay vẫn chưa có một ý kiến nào được số đông ủng hộ.
Cùng với đó, các quy định liên quan đến quyền sở hữu tài sản – như cách xác lập, chuyển nhượng hay chấm dứt quyền – cũng cần được xem xét trong bối cảnh công nhận tài sản số. Hiện tại, các luật chuyên ngành như Luật Giao dịch điện tử 2005 hay Luật Công nghệ thông tin 2006 chỉ dừng lại ở việc “điện tử hóa” giao dịch truyền thống trên môi trường kỹ thuật số và chưa có quy định cụ thể về quyền sở hữu tài sản số. Trong tương lai, nếu tài sản số được ghi nhận chính thức, nhiều quy định mới sẽ ra đời để điều chỉnh chi tiết về quyền, nghĩa vụ và các giao dịch liên quan, trong đó sẽ bao gồm các quy định về căn cứ xác lập, chấm dứt quyền sở hữu, các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, các giao dịch được thực hiện…
Việc xây dựng hành lang pháp lý cho tài sản số không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn để Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao để nắm bắt cơ hội và giảm thiểu rủi ro trong một thị trường đầy tiềm năng nhưng chưa có quy định rõ ràng này.
Có thể thấy, từ tháng 10-2021 đến tháng 10-2022, Việt Nam đã nhận lượng “tiền ảo” trị giá gần 91 tỉ đô la Mỹ, trong đó có 956 triệu đô la Mỹ đến từ các hoạt động bất hợp pháp. Những con số này chứng minh rằng dù pháp luật hiện hành chưa rõ ràng, nhu cầu sở hữu và kinh doanh tài sản số đã ăn sâu vào đời sống kinh tế.
Gần đây, hàng loạt mô hình kinh doanh mới liên quan đến tài sản mã hóa nở rộ, phản ánh sự đổi mới không ngừng trong công nghệ và nhu cầu của người dùng. Điển hình, Việt Nam có nhiều doanh nhân trẻ đã tìm đến các quốc gia như Singapore, nơi có chính sách cởi mở về tài sản số, để phát triển doanh nghiệp. Các doanh nhận này đặt trụ sở ở nước ngoài nhưng sử dụng nguồn lực tại Việt Nam, từ ý tưởng đến nhân sự, công nghệ. Từ đây, tạo nên một hiện tượng đặc biệt: doanh nghiệp Việt nổi bật thị trường quốc tế trong lĩnh vực blockchain gaming và metaverse, với các dự án nổi bật như Axie Infinity, Sipher, Summoners Arena, Slime Royale, Poriverse.
Hiện nay, trước sự phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghẹ 4.0, không tránh khỏi rủi ro khi hành lang pháp lý trong nước về lĩnh vực này vẫn còn “lửng lơ”. Doanh nghiệp hoạt động trong môi trường thiếu khung pháp lý rõ ràng có thể gặp khó khăn về sở hữu tài sản, nghĩa vụ thuế, hoặc thậm chí là phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật. Tính đến nay, điều tích cực là Việt Nam đã có những bước tiến lớn, cụ thể là từ các chỉ đạo của Đảng đến các nghị quyết của Chính phủ và gần đây nhất là dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Tin rằng, với sự hỗ trợ này, chúng tôi tin tưởng rằng khi các quy định về tài sản số được luật hóa cụ thể, minh bạch hơn thì DN sẽ có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục đầu tư, phát triển, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp số tại Việt Nam.
TS. Hồ Minh Sơn