Tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan báo chí bằng văn bản điện tử không chỉ thúc đẩy chuyển đổi số báo chí mà còn góp phần xóa bỏ những yêu cầu thiếu minh bạch, sai quy định.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) mới đây đã gửi văn bản đến các cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh thành về việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan báo chí bằng văn bản điện tử, kể từ 1/3.
Việc này nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tối ưu quy trình phối hợp, tương tác giữa cơ quan nhà nước với báo chí, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, thuận tiện cho các cơ quan báo chí liên hệ công tác, tác nghiệp. Văn bản điện tử cũng góp phần xóa bỏ những yêu cầu cung cấp thông tin, liên hệ công tác thiếu minh bạch, sai quy định.
Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan kịp thời xử lý yêu cầu cung cấp thông tin để báo chí tiếp cận thông tin chính thống, chính xác. Các cơ quan công bố thông tin của người phát ngôn; kiểm tra, đánh giá định kỳ việc thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để đôn đốc, chấn chỉnh.
Theo Bộ TT&TT, những năm qua, ngoài thẻ nhà báo theo quy định, nhiều cơ quan báo chí vẫn sử dụng hình thức cấp giấy giới thiệu cho đội ngũ phóng viên, cộng tác viên để tác nghiệp, liên hệ công tác và yêu cầu cung cấp thông tin.
Bên cạnh các cơ quan báo chí, người làm báo tuân thủ quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp khi tác nghiệp, vẫn có một bộ phận cơquan báo chí, phóng viên, cộng tác viên đã lạm dụng, biến tướng việc cấp, sử dụng giấy giới thiệu.
Đơn cử là dùng giấy giới thiệu như một dạng thẻ hành nghề trá hình (dùng đi dùng lại nhiều lần cho nhiều nội dung, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương…); nội dung yêu cầu cung cấp thông tin ghi trên giấy giới thiệu không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra, vượt quá chức năng, quyền hạn của cơ quan báo chí.
Có một số cơ quan báo chí còn để tình trạng phóng viên, cộng tác viên sử dụng một số giấy tờ được coi là giấy giới thiệu hoặc tài liệu kèm theo giấy giới thiệu nhưng không phải văn bản chính thống của cơ quan báo chí.
Tình trạng “khuất mắt trông coi”, thiếu công khai, minh bạch này gây bức xúc cho cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, liên hệ công tác, làm ảnh hưởng đến uy tín những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính.
Bộ TT&TT đánh giá, hiện tượng trên có thể được hạn chế, tiến tới chấm dứt nếu qua hình thức gửi, tiếp nhận, xử lý trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng văn bản điện tử như các cơ quan hành chính nhà nước đang thực hiện hiện nay.
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí triển khai, kết nối, có thể gửi, nhận văn bản điện tử đến các cơ quan hành chính nhà nước thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Lưu Đình Phúc cho biết, lợi ích thấy rõ là những văn bản giữa bộ ngành, địa phương sẽ được thông suốt trên môi trường điện tử, không phải sử dụng văn bản giấy.
Thứ hai, các cơ quan báo chí khi cấp giấy giới thiệu cho phóng viên có thể sử dụng giấy giới thiệu điện tử. Giấy giới thiệu điện tử này được công khai trên hệ thống giúp cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, lãnh đạo báo chí ngay cả đơn vị mà báo chí đến làm việc cũng đều nhìn thấy được. Từ sự công khai này thì sẽ không có chuyện lợi dụng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí để làm những việc không đúng quy định.
Cục trưởng Cục Báo chí đánh giá, một số đơn vị, cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật để kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia. Theo ông, phải thống nhất trong cách làm bởi khi đã sử dụng văn bản điện tử mà không đáp ứng được hạ tầng thì khó có thể tiếp nhận thông tin, đặc biệt tiến tới một số văn bản sẽ chỉ ban hành trên môi trường điện tử.
Lãnh đạo Cục Báo chí cũng nhấn mạnh, việc gửi, nhận văn bản điện tử góp phần hỗ trợ thay đổi tác phong làm việc từ nền hành chính dựa trên giấy tờ sang nền hành chính điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá cao việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin từcơ quan báo chí bằng văn bản điện tử.
Ông Lợi cho rằng, việc này sẽ công khai, minh bạch chấm dứt được tình trạng “mập mờ” giấy giới thiệu để làm những việc không đúng. Đây là biện pháp căn cơ, hữu hiệu trong quản lý Nhà nước về báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam hoàn toàn ủng hộ cách làm này.
Theo ông những đơn vị, cơ quan báo chí nào có khả năng về hạ tầng kỹ thuật thì cần tham gia vào Trục liên thông văn bản quốc gia đểthông suốt trong chỉ đạo, điều hành và quản lý các văn bản, giấy tờ, theo đúng lộ trình như Bộ TT&TT đã đề ra. Những cơ quan chưa đáp ứng được cũng cần nâng cấp cơ sở hạ tầng để kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu, hướng tới nền quản trị quốc gia, quản trị xã hội thông minh, hướng tới nền hành chính hiện đại, không giấy tờ.
Trần Thường
https://vietnamnet.vn/ngan-chan-viec-cap-su-dung-giay-gioi-thieu-bao-chi-thieu-minh-bach-2244207.html