Mặc dù chưa được pháp luật Việt Nam công nhận nhưng nhiều đối tượng vẫn kêu gọi giao dịch chứng khoán phái sinh quốc tế như một hình thức đầu tư tài chính được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Nhiều nhà đầu tư sau khi nghe chuyên viên tư vấn chứng khoán “rót mật vào tai” đã quyết định chơi thử để rồi mất tiền. Có nhà đầu tư vì ham gỡ gạc đã khiến tài khoản bị bốc hơi hàng tỉ đồng...
Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho biết trong thời gian gần đây rất nhiều thuê bao điện thoại trong đó có tôi cũng nhận được các cuộc gọi, tin nhắn mời chào tham gia đầu tư vào chứng khoán phái sinh quốc tế. Những cuộc gọi này ban đầu gây phiền phức tới người nhận nhưng rồi bằng sự kiên nhẫn và độ lì của “nhân viên chứng khoán” nhiều “con mồi” đã sập bẫy. Có thể xem đây là một chiêu “quăng bom” của các đối tượng, nếu “con mồi” ham lợi nhuận sẽ được hướng dẫn mở tài khoản, nạp tiền và thực hiện giao dịch thông qua các website, ứng dụng.
Anh C.H.T trình báo tại Cơ quan điều tra.
Cụ thể, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh mới đây đã tiếp nhận đơn trình báo của anh C.H.T (SN 1981, trú tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) về việc anh bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mời gọi đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế. Khoảng đầu năm 2024, anh T nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0918.805.506, giới thiệu tên là Phương Linh làm tại sàn đầu tư quốc tế có tên KAMA CAPITAL và kêu gọi anh T đầu tư, hứa hẹn mức lợi nhuận hấp dẫn, sau đó, gửi cho anh T nhiều tài liệu tham khảo, hướng dẫn đầu tư chứng khoán phái sinh. Để lấy lòng tin của anh T, Phương Linh hẹn anh T đến 1 văn phòng tại hẻm 19, Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội, giới thiệu là văn phòng của công ty. Tại đây, Linh dùng số điện thoại và email cá nhân của anh T để mở tài khoản trên trang web. Sau đó, Phương Linh cùng một đối tượng khác đã dùng nhiều thủ đoạn mời gọi, dụ dỗ, hướng dẫn anh T nhiều lần chuyển tiền để đầu tư với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng. Đến khi anh T không còn khả năng thu xếp tiền để tiếp tục chuyển theo yêu cầu thì các đối tượng cắt liên lạc, xóa tài khoản của anh T trên trang web và chiếm đoạt toàn bộ số tiền anh T đã chuyển để đầu tư.
Dưới góc nhìn chuyên gia, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn phân tích để thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chiêu bài mà các chuyên viên tư vấn đưa ra là sàn đang có chương trình cung cấp đòn bẩy rất lớn để nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch chứng khoán quốc tế chỉ với số tiền cực kỳ nhỏ. Theo đó, rõ ràng đây là những sàn chứng khoán không được phép giao dịch tại Việt Nam. Những hành vi nêu trên có yếu tố hành vi lừa đảo. Những đối tượng môi giới này đánh vào sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết của người dân. Khi tham gia sẽ được trả lợi nhuận nhất định nhưng sau đó sẽ lún dần vào hệ thống mà mất hết.
Mặc dù vậy, để xử lý các đối tượng có hành vi lừa đảo là rất khó, vì toàn bộ họ đều sử dụng công nghệ, nick ảo, nhờ người khác đứng tên tài khoản; hệ thống vận hành, điều hành rất phức tạp, khó truy vết. Ông Sơn, nhấn mạnh: “Hầu hết các nạn nhân tham gia vào sàn chứng khoán phái sinh quốc tế như vậy và bị lừa tiền tỷ là không hiếm, bản thân chúng tôi cũng nhận được nhiều cuộc gọi của cộng đồng doanh nhân nhờ tham vấn pháp lý, lập vi bằng để có cơ sở xử lý nhưng hiện vẫn chưa thực được. Mặc dù biết được người nhận tiền qua số tài khoản nhưng họ chỉ là trung gian hoặc người tham gia chơi. Họ cũng là những đầu mối của đầu mối khác cũng bị mất tiền, bản thân cũng là bị hại”.
Ông Sơn phân tích thêm, “Chứng khoán phái sinh” bản chất là một hợp đồng tài chính, được hình thành trên một tài sản cơ sở nào đó, phổ biến như: trái phiếu, cổ phiếu, hàng hóa, tiền tệ, chỉ số thị trường và lãi suất. Thế nhưng, việc lợi dụng hoạt động đầu tư chứng khoán phái sinh quốc tế (sàn đầu tư không có trụ sở tại Việt Nam) để chiếm đoạt tài sản là hình thức lừa đảo phổ biến, đã nhiều lần được các cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo. Thế nhưng, người dân vẫn thiếu cảnh giác, bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng, chiếm đoạt tài sản. Cùng với đó, pháp luật ngoại hối Việt Nam hiện nay chưa cho phép cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài vì mục đích đầu tư tài chính nên khi có tranh chấp hoặc rủi ro xảy ra, người đầu tư sẽ gần như không được pháp luật bảo vệ. Ông Sơn khuyến nghị thêm bằng phương thức, thủ đoạn của đối tượng để quần chúng nhân dân biết, nâng cao cảnh giác.
Cũng theo ông Sơn cho hay dường như các nạn nhân của lừa đảo trực tuyến có tâm lý ngại trình báo cơ quan chức năng vì nhiều lý do, chẳng hạn như thiếu bằng chứng, lo sợ gia đình phát hiện, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc không biết thủ tục trình báo. Ông Sơn khẳng định: “Lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tiền, nhưng lại ngại trình báo cơ quan chức năng, đây là cách những kẻ lừa đảo tiếp tục tìm cách “tận thu” nạn nhân. Những kẻ có hành vi lừa đảo còn tinh vi đến mức làm giả cả các trang web của một số hãng luật lớn hay công ty tài chính để làm vỏ bọc đánh lừa nạn nhân”.
Mặt khác, “Gần đây còn xuất hiện thêm dấu hiệu là kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội, nhưng sau đó sẽ yêu cầu trao đổi qua Telegram để chúng dễ dàng xóa bằng chứng từ cả 2 phía. Có thể khẳng định rằng 99% các cuộc trao đổi dẫn đến Telegram là lừa đảo. Mọi người cần chậm lại một chút để suy ngẫm, xác minh trước khi nhắn tin, giao dịch hay chấp nhận tin nhắn từ bất cứ ai hoặc điều gì trên không gian mạng”, ông Sơn phân tích thêm thời điểm này có lẽ hầu hết người dùng mạng xã hội có nhận thức được an toàn thông tin là nội dung cực kỳ quan trọng trong thời đại 4.0 kết nối liên tục như hiện nay.
Chia sẻ thêm, ông Sơn, nhấn mạnh: “Trong môi trường mạng Internet, các mối hiểm họa không chỉ tấn công, gây tác động tiêu cực đến các tổ chức, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nhiều tới từng cá nhân. Việc trang bị kiến thức về bảo mật thông tin đã trở thành một trong những yêu cầu căn bản cho mỗi người sử dụng ứng dụng internet dù thông qua điện thoại hay máy tính…Qua đó, dù lừa đảo trực tiếp hay thông qua các trang mạng xã hội đều bắt nguồn từ việc lợi dụng điểm yếu trong hành vi của một hoặc một nhóm cá nhân cụ thể và hướng họ tới những phản ứng mà kẻ có hành vi lừa đảo mong muốn. Các mánh khóe nhằm chiếm được niềm tin của nạn nhân theo đó tạo ra các tình huống lừa đảo mới”.Song song. đó, khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác các hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, ngoài ra còn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình. Song giải pháp chính vẫn là nâng cao nhận thức, khắc phục các điểm yếu trong tâm lý của người dùng internet…
Đặc biệt, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) luôn xem việc tuyên truyền, phổ biến, pháp luật để nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội số một cách bền vững góp phần nhỏ trong thời đại số hóa, bảo vệ an toàn thông tin cho mọi người dùng tham gia hoạt động trên môi trường mạng…
Văn Hải – Kiên Cường