Có 8 điểm sáng cần nhận diện trong bức tranh kinh tế 11 tháng qua nhờ những giải pháp hiệu quả đang được áp dụng. Tuy nhiên, cần những chủ trương, chính sách mới để thúc đẩy điểm sáng thành động lực tăng trưởng giai đoạn tới… Đó là nhận định của các chuyên gia, doanh nhân sau khi Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố số liệu kinh tế tháng 11 và 11 tháng của năm 2023.
Chăn nuôi và sản xuất lâm nghiệp ổn định, sản phẩm thủy sản chủ lực đạt khá – nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, là điểm sáng đầu tiên trong bức tranh kinh tế 11 tháng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8 % so với cùng kỳ năm trước. Thương mại dịch vụ sôi động, xuất khẩu tiếp đà hồi phục sau nhiều tháng giảm là điểm sáng tiếp theo.
11 tháng qua, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 26 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ năm trước 16 tỷ USD. Hơn 11 triệu 200 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, gấp gần 4 lần cùng kỳ 2022 và bằng 70% năm chưa xảy ra Covid-19. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách 11 tháng ước đạt 75% kế hoạch năm là điểm sáng thứ 5. Vốn FDI đăng ký cấp mới tính đến ngày 20/11 đạt hơn 29 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt hơn 20 tỷ USD (tăng gần 3%). Số doanh nghiệp (DN) tham gia thị trường đã cao hơn số doanh nghiệp rút lui. Lạm phát bình quân tăng 3,22% so với mục tiêu 4,5% Chính phủ đề ra.
Tính đến 29/11, cả nước đã có hơn 201.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (Ảnh minh họa: KT)
Bên cạnh những điểm sáng, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp và phố biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê dẫn chứng những khó khăn, thách thức tồn tại: Lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn, giá lợn hơi ở mức thấp, dịch diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết sắp tới. Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước – mức thấp nhất từ 2017 đến nay do chi phí đầu vào tăng cao, và kim ngạch xuất khẩu cũng giảm.
“Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về vốn đăng ký kinh doanh. Bình quân chỉ đạt 9,4 tỷ đồng là mức thấp nhất 11 tháng kể từ 2017 đến nay. 11 tháng năm nay có 1.621 DN thành lập mới khu vực nông nghiệp và thủy sản, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước; 34.700 DN khu công nghiệp và xây dựng, chỉ tăng 2,6%. 109.700 DN khu vực dịch vụ – dịch vụ”, bà Ngọc thông tin.
Tính đến 29/11, cả nước đã có hơn 201.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, gần 159.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp tham gia, quay trở lại và đăng ký tham gia thị trường đã cao gấp gần 1,3 lần số doanh nghiệp rời thị trường. Trong đó, gần 110.000 doanh nghiệp mới thuộc lĩnh vực dịch vụ, tăng 7,5%. Nhìn chung, lượng doanh nghiệp mới tăng là tín hiệu tích cực của nền kinh tế, trong bối cảnh giảm phát toàn cầu, nhưng sâu xa, số doanh nghiệp tham gia, quay trở lại thị trường và đăng ký mới chủ yếu thuộc khối dịch vụ là vấn đề đáng quan tâm với mục tiêu, chiến lược phát triển.
“DN tham gia thị trường chủ yếu ở khối dịch vụ nói lên sự dễ dàng của hoạt động kinh doanh nhưng lại là sự khó khăn cho những DN cần đầu tư, DN sản xuất lớn hoặc DN mang lại lợi ích thực sự cho xã hội. Ví dụ, tại Hà Nội, TPHCM, hàng loạt mặt bằng đẹp đã đóng cửa, có nghĩa những DN có tiềm lực lớn đang rút khỏi thị trường, chưa nói đến việc phá sản. Thegioididong mà báo chí đang nói nhiều chẳng hạn, họ rút nhiều mặt bằng do thị trường kém, sức mua kém. Rồi chỉ 1 tuần qua có 7 DN tham gia Hội DN trẻ Hà Nội nhưng cả 7 đều là DN dịch vụ, không có DN nào chiều sâu”, doanh nhân Lưu Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nêu thực tế.
Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về vốn đăng ký kinh doanh (Ảnh minh họa: KT)
Cùng quan điểm này, PGS.TS Vũ Thành Hưng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Giảng viên cấp cao Đại học Quản trị Paris, Pháp cho rằng, thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp dịch vụ là tốt nếu các hoạt động kinh tế khác đều đang ổn định, phát triển; còn nếu gia tăng lượng doanh nghiệp dịch vụ mà các hoạt động sản xuất, công nghệ nền tảng, công nghiệp chế biến chế tạo chững lại, trầm lắng hoặc giảm sút là vấn đề cần được quan tâm điều phối.
“Con số của vài tháng trở lại đây chỉ là con số nhất thời, chưa phải là con số bền vững vì vào hoạt động dịch vụ dễ, không giống như những hoạt động khác. Tổ chức hoạt động dịch vụ đơn giản hơn, DN vào rất nhanh mà ra cũng sẽ rất nhanh. Dịch vụ chỉ là hoạt động bề nổi. Quan trọng là mình vẫn phải tập trung vào ưu tiên cho những ngành sản xuất, phải coi sản xuất là trọng tâm và mọi chính sách từ tín dụng này khác phải tập trung vào ngành sản xuất. Điều đó mới kiến tạo nền tảng bền vững được chứ nếu không thì khó”, PGS.TS Vũ Thành Hưng nhận định.
Chỉ còn 1 tháng nữa nền kinh tế sẽ bước sang năm mới 2024. Kinh tế thế giới giai đoạn tới được nhìn nhận sẽ chuyển biến tích cực, song vẫn đối mặt với nhiều rủi ro: Các tổ chức quốc tế hạ dự báo GDP toàn cầu và của Mỹ năm 2024; kinh tế Trung Quốc nguy cơ giảm phát cũng ngày càng rõ.
Để đối phó với lạm phát, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ và dựng lên các hàng rào phòng vệ thương mại, tác động đến xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Dịch chuyển dòng vốn FDI trong chuỗi cung đang diễn biến khó lường, cùng với đó là những tác động không thể đoán định của dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Có nghĩa, toàn hệ thống có thể tạm yên tâm với hiệu quả kinh tế ở giai đoạn hiện tại – là những điểm sáng phục hồi đã nêu và lấy đó làm điểm tựa tăng tốc, tránh chủ quan coi đó như nền tảng vững chắc giúp chống chịu với “những con gió ngược”.
Cùng với các giải pháp trụ cột khác như: cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa hợp lý; quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ… rõ ràng, việc quan tâm điều phối thị trường là rất cần thiết.
Trong thời gian tới, để câu chuyện số lượng doanh nghiệp dịch vụ gia tăng trên thương trường thực sự là tín hiệu tích cực cho toàn nền kinh tế, cả trong trước mắt và lâu dài. Đó là yêu cầu đặt ra với cả cơ quan chức năng đề xuất, tham mưu chính sách mang tầm vĩ mô, cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ không chỉ xuất hiện ngày càng nhiều hơn số lượng doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực mà là gia tăng chất lượng doanh nghiệp trong thương trường – Điểm tựa của kinh tế Việt Nam, trong kinh tế toàn cầu.
Thu Trang/VOV