‘Ảo tưởng quyền lực’ là hiện tượng trên mạng xã hội, dùng để chỉ tâm lý hoang tưởng, nhận thức quá mức về quyền hạn của bản thân trên mạng xã hội, từ đó có thể phát sinh những hành vi không phù hợp, vi phạm pháp luật về an ninh mạng, gây thiệt hại cho xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.
Đây là chia sẻ của Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh khi trình bày tham luận về Công tác đấu tranh, phòng, chống hoạt động vi phạm phát luật của một số đối tượng bị “ảo tưởng quyền lực” trên mạng xã hội, tại Hội thảo khoa học quốc gia Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, do Học Viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Cảnh sát nhân dân đồng tổ đồng tổ chức ngày 31/5.
NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, thời gian qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã giải quyết, xử lý một số trường hợp điển hình bị “ảo tưởng quyền lực” trên mạng xã hội. Một trong số đó là trường hợp Lê Chí Thành, nguyên cán bộ Trại giam Z30D và bị tước quân tịch.
Theo đó, Lê Chí Thành cùng một số đối tượng khác thường xuyên lợi dụng quyền giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của tổ cảnh sát giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành các hoạt động gây mất an ninh trật tự, cản trở người thi hành công vụ, đồng thời livestream, phát tán trên nền tảng mạng xã hội bôi nhọ, công kích lực lượng cảnh sát giao thông.
Đối tượng ảo tưởng cho rằng bản thân đại diện cho công lý, loại trừ cái xấu, do đó tiếp tục thực hiện thường xuyên các hành vi livestream giám sát, công kích lực lượng cảnh sát giao thông, ảnh hưởng uy tín, cản trở hoạt động của lực lượng công an.
Lê Chí Thành sau đó đã bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ, bị Tòa án nhân dân TP Thủ Đức xét xử và tuyên án 2 năm tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) tiếp tục xét xử và tuyên phạt đối tượng 3 năm tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Nguyễn Thị Lệ Nam Em bị phạt hành chính 37,5 triệu đồng, tháng 3/2024. (Ảnh do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cung cấp)
Một trường hợp điển hình khác là bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam. Bà Nguyễn Phương Hằng đã trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội và được nhiều người biết đến từ năm 2021, sau khi thực hiện các các cuộc phát sóng livestream đưa các thông tin chưa có kiểm chứng, công kích, đấu tố ông Võ Hoàng Yên và một số nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng. Khi có nhiều người hâm mộ tung hô, Nguyễn Phương Hằng dần có biểu hiện ảo tưởng quyền lực, tự cho mình là người được cộng đồng mạng chọn để lật tẩy những sai phạm của một số văn nghệ sĩ và làm xã hội tốt đẹp hơn.
Cho rằng những gì mình làm là đúng đắn, phù hợp với mong muốn của cộng đồng mạng, từ đó Nguyễn Phương Hằng đã bắt đầu kéo dài những hoạt động phức tạp trên không gian mạng và trên thực tế, vượt qua ranh giới pháp luật cho phép, bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Bà Phương Hằng sau đó đã bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ và Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù giam.
Trường hợp điển hình gần đây là trường hợp của Nguyễn Thị Lệ Nam Em, hoa khôi người mẫu nổi tiếng. Do những bức xúc, bất mãn của bản thân sau một thời gian tham gia giới giải trí showbiz, Nam Em đã thực hiện livestream trên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện tình cảm của cá nhân trong quá khứ và đưa thông tin chưa kiểm chứng về góc khuất của showbiz và một số nghệ sĩ nổi tiếng. Sau khi bị cộng đồng mạng lên án, chỉtrích, Nam Em đã có những livestream phát ngôn thiếu kiểm soát, cho rằng nói lên sự thật là quyền của bản thân, cho dù đó là những nội dung về bí mật đời tư của người khác, không ai có thể ngăn cản mình và thách thức những người công kích mình.
Nguyễn Thị Lệ Nam Em sau đó đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh mời làm việc, giáo dục, cảm hóa, chuyển hóa tư tưởng đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính 2 lần, một lần 37,5 triệu và một lần 10 triệu đồng.
HÀO QUANG THẾ GIỚI ẢO VÀ NHẬN THỨC KHÔNG ĐÚNG VỀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, qua công tác đấu tranh, xử lý số đối tượng vi phạm pháp luật về an ninh mạng, có biểu hiện “ảo tưởng quyền lực” trên mạng xã hội, cơ quan chức năng nhận thấy có hai nguyên chính dẫn đến hành vi này.
Thứ nhất là nhiều người dùng mạng xã hội dựa trên các tài năng, kiến thức, uy tín của bản thân đã tạo ra được tầm ảnh hưởng nhất định trên không gian mạng, được nhiều người biết đến và dõi theo. Các nội dung đăng tải trên mạng xã hội nhận được nhiều tương tác và hào quang do thế giới ảo mang lại có những tác động khiến cho một số người bị ảo tưởng quyền lực, tự cho mình cái quyền mà người bình thường không có.
Đáng chú ý, để duy trì cái hào quang và gia tăng sự nổi tiếng, những người này tăng cường sự hiện diện của bản thân trên mạng xã hội, thường xuyên đăng tải hoặc cập nhật các sự kiện, vấn đề thời sự nổi bật mà được cộng đồng quan tâm. Rồi qua đó, họ đánh giá, đăng tải các nội dung độc lạ, khác thường, vượt thời gian thậm chí đi ngược với chuẩn mực đạo đức dân tộc và vi phạm pháp luật.
Nguyên nhân thứ hai là nhận thức thức không đúng, không đủ về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân theo Hiến pháp quy định, những người này tự cho mình quyền thích nói gì thì nói, thích đăng tải thông tin gì thì đăng trên mạng xã hội.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, sáng 31/5. (Ảnh: BÔNG MAI)
Cũng theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, quá trình xử lý vi phạm pháp luật liên quan người “ảo tưởng quyền lực” trên mạng xã hội cũng gặp phải những khó khăn. Những người này nhận thức thái quá, họ cho rằng mình đúng, vì vậy mà việc cảm hóa, chuyển hóa rất khó. Bên cạnh đó, khi xử lý những đối tượng này rất dễ gây ra tình trạng khủng hoảng về truyền thông.
Qua xử lý đấu tranh với những đối tượng “ảo tưởng quyền lực” trên mạng xã hội, Công an TP Hồ Chí Minh rút ra một số bài học kinh nghiệm trong trong quá trình xử lý.
Cơ quan chức năng cần kết hợp nhiều biện pháp để xử lý, từ giáo dục, chuyển hóa tư tưởng, sử dụng các giải pháp từ những người có uy tín để chuyển hóa đối tượng. Trường hợp không có chuyển hóa thì củng cố hồ sơ xử lý bằng những biện pháp nghiêm khắc hơn.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh
Cụ thể, khi xử lý những đối tượng này phải chủ động phát hiện và phối hợp các đơn vị chức năng, đặc biệt là lực lượng của Bộ Thông tin và Truyền thông, đối với địa phương là Sở Thông tin và Truyền thông để có xử lý ban đầu. Khi xử lý phải hết sức thận trọng, khách quan, chính xác, đúng quy trình, quy định pháp luật.
Cơ quan chức năng cần kết hợp nhiều biện pháp để xử lý, từ giáo dục, chuyển hóa tư tưởng, sử dụng các giải pháp từ những người có uy tín để chuyển hóa đối tượng. Trường hợp không có chuyển hóa thì củng cốhồ sơ xử lý bằng những biện pháp nghiêm khắc hơn và trong quá trình xử lý các đối tượng này phải luôn chủ động để bảo đảm gắn với quá trình xử lý khủng hoảng truyền thông để không xảy ra những vấn đềphức tạp.
CẤP BÁCH XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG MẠNG XÃ HỘI AN TOÀN, ĐƯỢC QUY ĐỊNH PHÁP LÝ CHẶT CHẼ
Tại Hội thảo khoa học quốc gia Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho rằng, nội dung số hay nội dung truyền thông số, là một thuật ngữ ra đời cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của quá trình chuyển đổi số. Trước hết, truyền thông số(Digital Media) là tất cả các hình thức truyền thông sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tạo, lưu trữ, phân phối và tiêu thụ nội dung. Nó bao gồm một hệ sinh thái đa dạng các phương tiện và nền tảng, như internet (website, mạng xã hội, email, diễn đàn trực tuyến, blog,…); thiết bị đầu cuối (điện thoại thông minh, máy tính bảng, ứng dụng di động…); phần mềm (trình chỉnh sửa video, trình tạo ảnh, công cụ thiết kế đồ họa,…).
Trong khi đó, nội dung truyền thông số là bất kỳ loại thông tin nào được tạo ra và phân phối thông qua các kênh truyền thông số, tồn tại dưới nhiều hình thức đa dạng như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, dữliệu, trò chơi tương tác…, đáp ứng phong phú nhiều nhu cầu thiết yếu hàng ngày của con người, như nhu cầu thông tin, giao tiếp, học tập, giải trí, sáng tạo…
Cũng theo các chuyên gia, truyền thông số mang đến sự vượt trội trong cách thức lưu trữ và truyền tải thông tin so với truyền thông truyền thống trước đây. Trong đó, người dùng có thể truy cập, tìm kiếm và tiếp cận nguồn thông tin khổng lồ một cách dễ dàng và nhanh chóng ở bất cứ thời điểm nào, từ bất cứ đâu nếu có một thiết bị đầu cuối được kết nối internet.
Truyền thông số tạo ra môi trường tương tác trực tiếp giữa người dùng với nội dung và người dùng với nhau. Trong môi trường truyền thông số, mỗi cá nhân vừa là nguồn phát, vừa là đối tượng tiếp nhận của hàng tỷ nội dung số được truyền đi mỗi ngày. Người dùng có thể bình luận, chia sẻ, thảo luận về các chủ đềquan tâm, giúp kết nối cộng đồng và lan tỏa thông tin mạnh mẽ, thậm chí có thể tạo ra những hiệu ứng thông tin, những “làn sóng” dư luận và cổ vũ hành động trong một thời gian rất ngắn.
Việc xây dựng một môi trường mạng xã hội văn minh, an toàn với các nội dung truyền thông số bảo đảm văn hóa, đạo đức, được quy định pháp lý chặt chẽ ở Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp bách, quan trọng.
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, truyền thông số cung cấp công cụ ưu việt tiếp cận đến đối tượng cụ thểdựa trên sở thích, hành vi trực tuyến, vị trí địa lý,… Nhờ vậy, lợi thế về cá nhân hóa người dùng, nội dung sốđược hiển thị đúng đối tượng tiềm năng, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Nội dung truyền thông số được tạo ra và phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau, trong đó nổi bật hơn cảlà trên các mạng xã hội, như: Facebook, Instagram, Twitter, TikTok, YouTube… Những mạng xã hội này được phát triển bởi các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của nước sởtại.
GS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: HVBCTT)
Phát biểu tại hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Tiềm năng phát triển nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam là rất lớn, đem đến nhiều thuận lợi cho việc thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Song điều này cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu cấp bách đối với công tác quản lý nội dung truyền thông số, đặc biệt là vấn đề bảo đảm các giá trị văn hóa, đạo đức và quy định pháp lý của hàng tỷ nội dung số trên mạng xã hội, trong bối cảnh những nội dung này đang ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến nhận thức, hành vi, thói quen và đời sống tinh thần hàng ngày của nhiều nhóm người trong xã hội.
Các chuyên gia tham dự hội thảo cũng nhất trí cho rằng, tại Việt Nam thời gian qua, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin-truyền thông, hoạt động của người dân trên mạng xã hội ngày càng phổbiến và gia tăng nhanh chóng về số lượng người dùng. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu cấp bách đối với công tác quản lý nội dung truyền thông số, đặc biệt là vấn đề bảo đảm các giá trị văn hóa, đạo đức và quy định pháp lý của hàng tỷ nội dung số trên mạng xã hội, trong bối cảnh những nội dung này đang ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến nhận thức, hành vi, thói quen và đời sống tinh thần hằng ngày của nhiều nhóm người trong xã hội.
Thực tiễn trên cho thấy, việc xây dựng một môi trường mạng xã hội văn minh, an toàn với các nội dung truyền thông số bảo đảm văn hóa, đạo đức, được quy định pháp lý chặt chẽ ở Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp bách, quan trọng.
https://nhandan.vn/ao-tuong-quyen-luc-tren-mang-xa-hoi-post812204.htm