Ngày 15 tháng 11 năm 2024, Thông tư số 46/2024/TT-BCA của Bộ Công An sửa đổi bổ sung Thông tư 67/2019/TT-BCA, trong đó có một điểm đáng chú ý là không còn quy định về việc giám sát cảnh sát giao thông bằng các hình thức ghi âm, ghi hình.
Ảnh minh hoạ
Theo lý giải của Bộ Công An, Quy định này nhằm hạn chế tình trạng nhiều người lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình với mục đích quấy rối, cản trở việc thi hành công vụ, thậm chí còn nhằm mục đích xuyên tạc chống phá nhà nước, gây ảnh hưởng nhiều tới công tác thực thi pháp luật của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, Quy định này đã gây ra nhiều tranh cãi về tính chất pháp lý của “Quy phạm pháp luật này”, thậm chí có những đã phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội.
Để làm rõ hiệu lực của các Quy định trong Thông tư này, ngày 28 tháng 10 vừa qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã tổ chức họp với đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an); Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam) và một số đơn vị có liên quan.
Kết thúc cuộc họp, các cơ quan ban ngành đều thống nhất rằng, sau khi Thông tư 46/2024/TT-BCA được ban hành, người dân vẫn được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để giám sát quá trình làm việc của cảnh sát giao thông.
Ông Hồ Quang Huy Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng quy định tại Thông tư 46/2024/TT-BCA có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau nên gây lúng túng cho người dân khi tiếp cận và thực hiện quyền giám sát của mình, Ông Huy đề nghị Cục Cảnh sát giao thông cần có ý kiến chính thức để người dân, cán bộ, chiến sĩ thực hiện đúng, đủ quy định của hiến pháp và pháp luật về quyền giám sát của người dân.
Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Công an cần đẩy mạnh truyền thông chính sách để bảo đảm cho người dân được thực hiện quyền giám sát. Trong đó có quyền ghi âm, ghi hình để giám sát hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông theo quy định.
Sau cuộc họp trên, dư luận rất ủng hộ và giải toả được các tranh cãi về quyền giám sát của nhân dân được quy định trong Thông tư 46/2024/TT-BCA.
Bỏ quy định không có nghĩa là cấm.
Theo quy định, thực hiện pháp luật gồm 04 hình thức là tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật.
Sử dụng pháp luật là hoạt động thực hiện pháp luật bằng cách chủ thể hành động hoặc không hành động một hành vi cụ thể theo mong muốn của mình. Hoạt động giám sát cảnh sát giao thông làm việc của người dân chính là hình thức chủ thể sử dụng pháp luật theo mong muốn, họ có quyền làm hoặc không làm; họ không bắt buộc phải làm và cũng không bị cấm không được làm – Nguyên tắc là người dân được làm những gì pháp luật không cấm.
Thông tư số 46/2024/TT-BCA, Bộ Công An chỉ không liệt kê hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình. Trong khi đó, Thông tư 67/2019/TT-BCA liệt kê hình thức người dân thực hiện giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình. Như vậy, Bộ Công An chỉ bỏ quy định người dân được giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình chứ không hề quy định “cấm ghi âm, ghi hình”.
Như vậy, như đã phân tích ở trên, những gì luật không cấm thì người dân vẫn được làm, theo đó dù bỏ quy định nhưng vì không hề cấm nên người dân vẫn được quyền thực hiện việc ghi âm, ghi hình nhưng cần phải đảm bảo được các điều kiện không làm ảnh hưởng đến công việc của lực lượng cảnh sát giao thông đang làm việc.
Tuy nhiên, nếu không giải thích rõ về quy định này thì rất dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực khi người dân thì cho rằng họ đã bị tước mất quyền giám sát theo quy định của Hiến Pháp và các Văn bản quy phạm pháp luật khác; đồng thời Cán bộ, Chiến sĩ công an khi thực hiện nhiệm vụ cũng sẽ “nại” lý do rằng không có quy định nào cho phép người dân được phép ghi âm, chụp hình lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ để ngăn cản người dân thực hiện quyền giám sát của mình.
Cũng cần lưu ý thêm, mọi cá nhân đều có quyền bất khả xâm phạm về hình ảnh riêng tư đã được quy định trong Hiến pháp, trong Bộ luật Dân sự, trong Luật An ninh mạng… nhưng hình ảnh của những người đang thực thi công vụ không phải là hình ảnh riêng tư của cá nhân; do đó, họ không được ngăn cản người dân quay phim, chụp hình họ đang làm việc với lý do quay phim chụp hình cá nhân khi chưa được họ cho phép.
Trên thực tế, có rất nhiều tình huống người dân buộc phải ghi lại để làm bằng chứng chứng minh mình không vi phạm, miễn sao không cản trở người thi hành công vụ. Một số trường hợp như nếu người dân phát hiện hành vi nhận hối lộ, nhũng nhiễu, hạch sách hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm khác thì vẫn hoàn toàn có thể ghi hình để tố giác hành vi vi phạm mà không cần có sự đồng ý của người đó.
Bên cạnh đó, việc ghi âm, ghi hình nếu nhằm phục vụ cho mục đích quốc gia, dân tộc, mục đích công cộng thì vẫn được thực hiện mà không cần sự đồng ý của người đó theo quy định tại Điều 32 Bộ Luật Dân sự. Việc giám sát của cá nhân đối với những người đang thực thi công vụ chính là đang kiểm soát quyền lực Nhà nước phục vụ cho mục đích quốc gia, dân tộc.
Trường hợp người dân sử dụng hình ảnh xâm phạm tới quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức nào thì họ sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại cho bên bị xâm phạm do đó không có lý do gì mà người dân bị cản trở hình thức giám sát này.
Xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân, vì dân, Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền lực nhà nước không chỉ là thống nhất, phân công, phối hợp mà còn được kiểm soát. Kiểm soát quyền lực có thể thực hiện bằng cơ chế kiểm soát bên trong Nhà nước thông qua các cơ quan Nhà nước theo luật định và thông qua cơ chế của các tổ chức, cá nhân bên ngoài Nhà nước. Đó là sự kiểm soát của các tổ chức Đảng, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, của các tổ chức xã hội và của mọi cá nhân. Do đó, việc nhân dân tham gia giám sát cán bộ, công chức, viên chức đang thực thi công vụ chính là đang thực hiện kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Luật sư- Thạc sĩ Lê Hồng Quang – CEO Công ty Luật Hà Phi
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại TP. HCM (TRACENT).