GS.TSKH Lê Ngọc Trà, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo phía Nam là người gắn bó cả cuộc đời với giáo dục và có nhiều nghiên cứu sâu về lĩnh vực này. Ông đã dành cho Tiền Phong cuộc trao đổi xung quanh những vấn đề nóng bỏng liên quan giáo dục, đặc biệt là việc nâng cao giá trị, đạo đức học đường.
GS.TSKH Lê Ngọc Trà. Ảnh : Thúy Phượng
Môi trường thế nào, học sinh hành động như vậy
Thời gian qua có nhiều nhà giáo bị xúc phạm, tấn công và mới đây là vụ học sinh tấn công cô giáo tại Tuyên Quang, giáo sư nghĩ thế nào về vấn đề này?
Có khá nhiều vụ việc xúc phạm, hành hung thầy cô giáo đã xảy ra, nhưng vụ việc vừa rồi ở Tuyên Quang là quá sức tưởng tượng, bởi học sinh cấp hai, tuổi còn bé nhưng đã có những hành vi như thế. Đọc tin này, trong tôi có hai cảm giác. Một là rất buồn; thứ hai là có những điều rất đáng suy nghĩ liên quan đến vấn đềrất lớn của ngành giáo dục, đó là thiếu giáo dục giá trị. Tôi không dùng chữ “giáo dục đạo đức” mà dùng chữ“giáo dục giá trị”, vì giáo dục đạo đức nghe nó nhạt, vả lại mang nội hàm không đủ. Chưa kể, giáo dục đạo đức lâu nay bị hiểu không đúng, thiên về giáo dục chính trị.
Nhà trường sinh ra để giúp trẻ em phát triển kỹ năng, tích lũy kiến thức và hình thành giá trị. Chuyện cô giáo bị ném đá, bị sỉ nhục nó càng làm rõ hơn sự thiếu hụt về giáo dục giá trị.
Cô Phan Thị H bị học sinh lớp 7, trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang dồn vào góc tường (Ảnh cắt từ clip)
Tôi có cảm giác cô giáo vừa rồi bị tấn công ở Tuyên Quang rất cô đơn, tức là không được ban giám hiệu quan tâm, chỉ nhìn thấy lỗi của cô giáo chứ không thấy lỗi của người quản lý, lỗi học trò. Cô giáo ấy cảm thấy mình không thể dựa vào Ban giám hiệu, đồng nghiệp cũng chẳng ai bênh vực cô ấy. Điều đó rất nguy hiểm.
Đó có phải là cội rễ của suy thoái đạo đức trong học đường hiện nay, thưa giáo sư?
Đó đúng là cội rễ. Vấn đề không phải chỉ của nhà trường mà là của cả xã hội. Trong một môi trường thế nào thì trẻ em mới dám hành động như vậy. Do đó, không chỉ trách giáo dục trong nhà trường mà nên trách cảgiáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Theo giáo sư, môi trường xã hội – văn hóa của ta hiện nay có những khuyết tật gì để dẫn đến sựsuy thoái trong môi trường giáo dục?
Nhiều mặt xã hội xuống cấp nghiêm trọng, với rất nhiều biểu hiện. Việc nói dối phổ biến quá. Bệnh nói dối là bệnh vô đạo đức. Bệnh thành tích cũng là nói dối. Rồi, những tiêu cực xảy ra trong xã hội được báo chí phản ánh… đã ảnh hưởng ghê gớm đến trẻ con.
Sự nêu gương của người lớn, người đứng đầu là một trong những cách giáo dục tốt nhất đối với lớp trẻ, với trẻ con nhưng sự nêu gương hiện nay còn kém, có phải vậy không thưa giáo sư?
Nêu gương là đề cao cái tốt làm cho con người ta cảm thấy đáng sống, có động lực làm việc và hy sinh, cống hiến. Tuy nhiên, bệnh thành tích trong nhiều trường hợp làm cho người ta cảm thấy việc nêu gương trở nên nhàm chán vì không xứng đáng. Việc nêu gương phải thật xứng đáng để cho người ta noi theo. Giáo dục phải nêu gương là chính chứ không phải trừng trị hay phạt vạ.
Việc xử lý lãnh đạo nhà trường nơi xảy ra sự cố hành hung cô giáo tại Tuyên Quang hay một nơi nào đó tương tự được cho là có thể giải quyết được ngay, nhưng để giải quyết vấn đềđạo đức học đuờng xuống cấp thì không thể ngày một ngày hai, giáo sư nghĩ sao về vấn đềnày?
Đúng rồi. Điều đó là do môi trường xã hội, nhưng người làm giáo dục phải suy nghĩ là dạy như thế nào mà để trẻ con như thế. Nó phản ảnh một sự thiếu hụt nào đó và tôi cho rằng, đó là thiếu hụt về giáo dục giá trị.
Vị thế người thầy
Vị thế người thầy trong xã hội hiện nay thực sự còn được như xưa không, thưa giáo sư?
Vị thế người thầy bị hạ thấp có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Khách quan là hiện nay sốngười học rất đông, đội ngũ giáo viên tăng rất nhiều nên khả năng phát sinh tiêu cực cũng cao. Số người đi làm thầy giáo nhưng không xứng đáng làm thầy giáo tăng lên. Ngày xưa người thầy là người thầy, bây giờđối với nhiều người, người thầy chỉ là người làm nghề để kiếm cơm.
Về chủ quan, thu nhập của giáo viên dù đã được cải thiện nhiều nhưng còn khó khăn. Nhiều trường hợp, thầy giáo cũng cư xử chưa đúng với tư cách một người thầy. Nguyên nhân chủ quan từ giáo viên cũng không ít.
Ngày xưa nghèo khó nhưng mối quan hệ thầy và trò và giá trị đạo đứctrong nhà trường rất tốt. Bây giờ cuộc sống đã khá lên rất nhiều nhưng giá trị đạo đức trong học đường lại đi xuống, quan hệ thầy trò có những khoảng cách và rạn nứt. Vì sao vậy, thưa giáo sư?
Sự sung túc trong đời sống hiện nay có tăng lên nhưng giá trị văn hóa, tinh thần lại không phải hoàn toàn tỷlệ thuận với điều đó, ảnh hưởng lớn đến giáo dục.
Làm thế nào để phát triển giáo dục giá trị trong nhà trường, thưa giáo sư?
Phải thay đổi cách dạy, cách làm. Giáo dục giá trị không giống như giáo dục đạo đức hiện nay là giảng dạy nhồi nhét kiến thức. Tôi rất thích quan điểm của GS Hồ Ngọc Đại, là thầy giáo thiết kế còn học sinh thi công. Tức là học sinh phải tự làm để hình thành cho mình những giá trị. Kiến thức thầy giáo có thể “rót” cho học sinh, nhưng giá trị thì học sinh phải tự làm lấy. Nhưng làm cách nào để học sinh tự làm lấy điều đó? Đó là phải cho học sinh tham gia vào các hoạt động xã hội, của nhà trường. Trong các hoạt động đó, học sinh tựtìm thấy và tự thu nhận những giá trị đó. Thầy giáo chỉ là người đồng hành, gợi mở, hướng dẫn và hỗ trợ học sinh trên con đường tìm giá trị sống.
Thay đổi: Bắt đầu tư đâu?
Để chấn hưng giáo dục, phải bắt đầu từ đâu và làm những gì, thưa giáo sư?
Muốn chấn hưng giáo dục trước hết phải chấn hưng văn hóa – xã hội vì đó là nền tảng. Còn về phần chấn hưng giáo dục, phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó là lương bổng, cơ sở vật chất… nhưng quan trọng là phải chấn hưng giáo dục giá trị trong nhà trường. Làm cách nào đó để tăng cường giáo dục giá trị trong nhà trường, tăng giáo dục nhân cách.
Như giáo sư nói, giáo dục hiện nay đang có rất nhiều vấn đề buộc chúng ta phải thay đổi, nhưng thay đổi phải bắt đầu từ đâu?
Thay đổi từ cấp trên trước, bắt đầu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cao hơn nữa là chính sách của nhà nước. Chính sách của nhà nước thì chủ yếu là lương bổng, còn chính sách về dạy học phải là bộ chủ quản. Tiếp đó là đến các trường sư phạm. Tuy nhiên các trường sư phạm hiện không thay đổi theo kịp yêu cầu của xã hội.
Rất nhiều giáo viên và cả những người quản lý thấy được những khiếm khuyết trong hệthống giáo dục, chẳng hạn bệnh thành tích, và muốn thay đổi nhưng không hề đơn giản, kể cảngười có quyền quyết định. Trong khi cách dạy vẫn chủ yếu là nhồi nhét kiến thức khiến học sinh không thẩm thấu được và không cảm thấy hạnh phúc trong mỗi giờ học. Vậy theo giáo sư, mấu chốt vấn đề ở đây là gì và làm thế nào để giải quyết vấn đề đó?
Giáo viên tự làm sẽ vấp phải những quy định nên sẽ không thể hay không dám làm. Theo tôi phải thay đổi từ triết lý giáo dục đến những chính sách giáo dục lớn và đòi hỏi phải có một tổng công trình sư đủ tầm đó là những người có đầu óc, có kiến thức và dám làm. Khi tôi làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và đào tạo phía Nam, tôi phát hiện ra người ta làm giáo dục mà không có những nghiên cứu về giáo dục. Ởnước ngoài họ nghiên cứu kỹ lắm mới ra đường lối chính sách về giáo dục và áp dụng vào đời sống. Còn ởta, ngủ một đêm đến sáng, nghĩ ra cái gì và nếu có quyền thì áp dụng ngay.
Cảm ơn giáo sư.
Đại Dương
https://tienphong.vn/gstskh-le-ngoc-tra-thieu-hut-giao-duc-gia-tri-dao-duc-hoc-duong-lao-doc-post1594852.tpo#1594852|zone-highlight-71|0