Trong thời gian gần đây, hàng loạt các vụ bạo lực nơi công cộng diễn ra và đã được cơ quan chức năng cũng nhanh chóng vào cuộc để làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật. Hiện nay, việc áp dụng quy định pháp luật về việc xác định tội danh trong những vụ bạo lực tại nơi công cộng vẫn đang có nhiều luồng quan điểm. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xử lý hành vi đánh nhau ở quán nhậu – địa điểm được coi là nơi công cộng.
Điển hình, vụ việc diễn ra vào tối ngày 20/04/2024, tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhóm 5 người gồm Pháp, Luật, Duy, Đạc và Kiệt cùng nhau đến quán “Xóm Nhậu” tìm gặp người tên An (trước đó có mâu thuẫn với Pháp) để đánh nhau. Sau đó, khi đến nơi Đạc, Kiệt ngồi trên xe đợi bên ngoài, còn lại xuống xe mỗi người cầm trên tay 1 cây dao tự chế xông vào quán đi đến chỗ anh Võ Chí Toàn (người mà Pháp nhầm lẫn là An) đang ngồi uống bia cùng với một số người khác, Luật, Pháp dùng dao chém làm anh Toàn hoảng sợ bỏ chạy thì Duy chém với theo trúng trượt vào lưng 1 cái… khiến anh Toàn bị thương tật 45%. Sự việc làm những người khách đang ngồi ăn uống và nhân viên phục vụ trong quán hoảng sợ, bỏ chạy.
VKSND TP Cao Lãnh truy tố 4 bị cáo về hai tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Riêng đối với Kiệt lúc phạm tội mới hơn 14 tuổi, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm về tội gây rối trật tự công cộng nên chỉ truy tố 1 tội là cố ý gây thương tích. Xử sơ thẩm ngày 3/12/2024, TAND TP Cao Lãnh đã tuyên các bị cáo phạm tội danh như VKS đã truy tố.
Tương tự, vào tối ngày 26/06/2020, H đang ngồi ăn nhậu ở quán thì thấy L đi vào nên mời L nhậu. Trong lúc nhậu, hai bên xảy ra mâu thuẫn cãi nhau. Thấy vậy chủ quán đuổi ra ngoài. Hai bên tiếp tục xô đẩy, cãi nhau. Lúc này, L dùng 1 con dao ở quán chém vào tay anh H nên anh này bỏ chạy. L đuổi theo chém nhiều nhát vào chân, tay và đầu anh H. Anh H tiếp tục bỏ chạy vào trong nhà dân đóng cửa và được mọi người đưa đi cấp cứu. Sau đó, TAND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) xử phạt L 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư – Thạc sỹ Nguyễn Thành Hưng – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), Giám đốc Chi nhánh số 1 (toạ lạc tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đề cập cụ thể đến trường hợp đánh nhau xảy ra tại những điểm ăn uống, quán nhậu, hành vi xảy ra có dấu hiệu của hai tội là cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 BLHS và tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS.
Luật sư Nguyễn Thành Hưng cho rằng việc truy tố và xét xử về tội cố ý gây thương tích thì không có gì để bàn cãi. Riêng với tội gây rối trật tự công cộng thì cần phải xem xét. Ví dụ: Vụ án ở TP Cao Lãnh, cùng một hành vi diễn ra liên tục mà bị truy tố với hai tội danh là chưa phù hợp. Lý giải thêm, căn cứ Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 1-10-2019 của TAND Tối cao về việc trao đổi nghiệp vụ. Theo Công van, TAND Tối cao có nêu ý kiến “Trường hợp người thực hiện 1 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn”. Đây là nội dung hướng dẫn mang tính quy tắc chung trong việc định tội danh trong trường hợp cạnh tranh quy phạm pháp luật hình sự.
Nhấn mạnh thêm, Luật sư – Thạc sỹ Nguyễn Thành Hưng, khuyến nghị: Các bị cáo thực hiện một hành vi mà mới nhìn thì chứa đựng hai hay nhiều quy phạm pháp luật hình sự, giữa các quy phạm đó đều có sự quy định ở mức độ khái quát và đầy đủ về các dấu hiệu của cùng một loại hành vi tội phạm. Đồng thời, nếu là một hành vi thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm. Ở đây mới chỉ là điều kiện cần để truy tố nhiều tội, trong trường hợp này chỉ được áp dụng một điều luật để định tội danh và điều luật đó phải phản ánh chính xác, đầy đủ nhất bản chất và tính nguy hiểm của hành vi đó là tội cố ý gây thương tích. Đây chính là nguyên tắc thu hút tội danh mà Công văn 233 trên đã đề cập.
Theo LS.ThS. Nguyễn Thành Hưng thì, chỉ khi hành vi đánh nhau không đủ cấu thành của tội cố ý gây thương tích (như thương tích 0%) thì mới xử lý về tội gây rối trật tự công cộng, tất nhiên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc có đủ cấu thành tội phạm. Khuyến nghị thêm, qua việc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thân chủ thì các tòa án hiện cũng đang tranh cãi về việc xử một hay hai tội. Có tòa án đồng tình với hướng dẫn tại Công văn 233 và áp dụng nguyên tắc thu hút, chỉ xử một tội là cố ý gây thương tích. Đây là cũng hướng xét xử được nhiều tòa án đồng tình…Mặc dù vậy, cũng có quan điểm cho rằng hành vi gây thương tích nơi công cộng đã xâm phạm đến hai khách thể khác nhau đó là quyền được tôn trọng, bảo vệ về sức khỏe và bất khả xâm phạm về thân thể của người khác và trật tự an ninh xã hội.
Tòa án xét xử phải tuân theo luật, cả BLHS hay BLTTHS đều không có thuật ngữ “thu hút tội danh”. Do đó, nếu hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm của nhiều tội thì xét xử về các tội độc lập đó. Ví dụ như một người đánh người khác gây thương tích để cướp tài sản thì sẽ bị xử lý về 2 tội là cố ý gây thương tích và cướp tài sản. Công văn 233 của TAND Tối cao là văn bản trao đổi nghiệp vụ tuy có nội dung hướng dẫn nhưng không thể hướng dẫn trái luật.
Phân tích thêm, LS.ThS. Nguyễn Thành Hưng cho rằng ở luồng quan điểm khác nữa cho rằng trường hợp một hành vi thỏa mãn nhiều tội nhưng xâm phạm cùng một khách thể thì áp dụng nguyên tắc thu hút để xét xử về tội nặng hơn. Còn nếu xâm phạm đến hai khách thể khác nhau thì không thể áp dụng nguyên tắc thu hút mà phải xử về hai tội độc lập…
Tội gây rối trật tự công cộng: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm…
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; Có tính chất côn đồ; Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Tin rằng, thông qua trao đổi với LS.ThS. Nguyễn Thành Hưng về sự phân tích của người thương xuyên tham vấn pháp lý, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Rất mong, nhận được quan điểm của độc giả thế nào?.
Văn Hải – Tuấn Tú (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)