Trong kỉ nguyên của nền công nghiệp 4.0, tiền mã hóa là một ứng dụng tiêu biểu của công nghệ số Blockchain. Các loại tiền mã hóa xuất hiện là tất yếu trong quá trình phát triển của các hình thái tiền tệ, đem đến sự phát triển vượt bậc về thương mại điện tử và mở ra cho thị trường tài chính một trang mới. Trong thời gian qua, tiền mã hóa đã và đang chứng minh những ưu, nhược điểm của mình trong nền tài chính hiện đại, nó đem đến cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức đối với nền kinh tế kĩ thuật số.
Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn tiền ảo Binance, cho thấy tính cấp thiết trong xây dựng hành lang pháp lý cho giao dịch tài sản ảo.
Qua đó, hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo không chỉ quản lý về thuế, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố mà còn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp, phòng chống lừa đảo. Việc xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch cho tiền mã hóa không chỉ giúp bảo vệ lợi ích người dùng mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế số. Chính vì vậy, tiền mã hóa là vấn đề được quan tâm của rất nhiều nhà quản lí, giám sát tài chính toàn cầu. Câu hỏi được quan tâm làm cách nào để quản lí hiệu quả tiền mã hóa, biến chúng thành công cụ an toàn trên thị trường tài chính nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung? Đây là vấn đề quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng trống pháp lý đối với lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ này.
Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, pháp luật cho đầu tư, phát triển công nghệ Blockchain (CBT) cho thấy từ đầu năm 2024 đến nay, giá đồng tiền số Bitcoin tăng gần 37%, cán mốc 64.000 USD/BTC (tương đương 1,57 tỉ đồng). Trong khi đó, thống kê gần nhất của Crypto Crunch App – một ứng dụng tại Mỹ chuyên thu thập thông tin về các loại tiền số – cho thấy Việt Nam có gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ.
Trong khi đó, dù chưa có khung pháp lý, song hoạt động mua bán, giao dịch tiền ảo tại Việt Nam diễn ra khá sôi động thông qua các sàn quốc tế. Các loại tiền số phổ biến hiện nay như Bitcoin, Ethereum…được không ít cá nhân giao dịch mua bán, đầu tư.
TS. Hồ Minh Sơn nhìn nhận tiền ảo, tài sản ảo lĩnh vực khó, liên quan đến công nghệ, tính bảo mật, sở hữu…Hiện, nhiều quốc gia cũng chưa thể hiện quan điểm rõ ràng đối với loại tài sản này nên để định hình một khung pháp lý cần rất thận trọng. Do vậy, sự cần thiết phải có khung pháp lý để quản lý, bởi hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư tiền số đang diễn ra hằng ngày. Khi khung pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo được xây dựng sẽ là cơ sở để quản lý các giao dịch liên quan, bảo đảm các yếu tố về nghĩa vụ thuế, giải quyết các tranh chấp, hạn chế tình trạng lừa đảo. Việc này cũng giúp ngăn chặn rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố qua giao dịch tiền mã hóa.
ThS. Mai Thanh Hải – Phó viện trưởng Viện IMRIC, PGĐ Trung tâm CBT nhận định giao dịch Bitcoin và tiền điện tử đang ngày dần trở nên phổ biến tại Việt Nam tuy khuôn khổ pháp lý vẫn chưa theo kịp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấm sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán hợp pháp, nhưng chưa có quy định rõ ràng về quyền sở hữu và giao dịch. Điều này, khiến tiền mã hóa rơi vào “vùng xám” pháp lý, đặt ra thách thức cho cả việc bảo vệ nhà đầu tư lẫn giám sát quy định hiệu quả.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại cuộc họp, dù thực tế có các giao dịch Bitcoin nhưng phần lớn lĩnh vực này vẫn chưa được quản lý. Việc thiếu quản lý làm gia tăng rủi ro như gian lận, thao túng thị trường và rửa tiền, và khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế của blockchain.
TS. Hồ Minh Sơn cho rằng, việc đưa ra một khung pháp lý rõ ràng và toàn diện về tài sản số sẽ giúp Việt Nam nắm bắt tốt hơn những cơ hội trong cuộc cách mạng công nghệ số. Cùng đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Việc tiếp cận này không chỉ giúp bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Từ thực tế, tiềm năng của tài sản mã hóa không chỉ dừng lại ở việc đầu tư và giao dịch mà còn có thể mở rộng sang các lĩnh vực như fintech hay logistic. Qua đó, nếu được quản lý tốt, nhưng dòng tiền này sẽ trở thành một công cụ quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế số và đưa Việt Nam vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực tài chính công nghệ.
ThS. Mai Thanh Hải thì cho rằng trong thời đại kinh tế số, nếu chúng ta chậm trễ trong nghiên cứu chính sách, có thể sẽ bị chậm chân. Nhấn mạnh: “Việc chậm chân trong xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo có thể dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý. Các loại tài sản số được đánh giá rất tiềm năng, là xu thế, nếu chúng ta không kịp thời quản lý, cơ hội có thể trôi qua”.
Việt Nam hiện vẫn chưa có một khung pháp lý rõ ràng về quản lý tiền mã hóa. Trong khi Ngân hàng Nhà nước cấm sử dụng tiền mã hóa để thanh toán, giao dịch và quyền sở hữu loại tiền này vẫn không được kiểm soát, tạo ra nguy cơ cho nhà đầu tư và thách thức cho cơ quan thực thi pháp luật. Thiếu các quy định rõ ràng khiến nhà đầu tư gặp phải các rủi ro như gian lận, thao túng thị trường hoặc mất tiền trên các nền tảng giao dịch không được giám sát.
Có thể thấy, tính ẩn danh vốn có của công nghệ blockchain cũng làm gia tăng nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố. Việc thiết lập khung pháp lý là điều cần thiết để thúc đẩy tính minh bạch, đảm bảo an toàn và xây dựng niềm tin trên thị trường. Cần nghiên cứu một cách tổng thể để nhận diện bản chất pháp lý của tiền ảo, tài sản ảo, từ đó có khái niệm về loại tài sản này. Hoạt động đầu tư tiền ảo hiệnkhá sôi động nhưng do thiếu khung pháp lý nên chưa thể quản lý thuế trong lĩnh vực này. Vì lẻ đó, những yếu tố này cần được bộ, ngành lưu ý khi xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh đối với tiền ảo, tài sản ảo.
Tiền ảo, tài sản ảo là vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa được đánh giá hết. TS. Hồ Minh Sơn cho rằng có thể xem xét xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho tài sản ảo, áp dụng vào những nhóm đối tượng cụ thể, thay vì trên diện rộng. Cùng đó, xác lập quyền sở hữu đối với tài sản ảo là một trong những vấn đề quan trọng cần được xem xét. Trong những năm qua, tiền kỹ thuật số trên thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một hiện tượng mang tính toàn cầu và thu hút sự chú ý đặc biệt của ngân hàng trung ương (NHTW) các nước. Trong bối cảnh đó, các NHTW trên thế giới đang dành nhiều sự quan tâm cho việc nghiên cứu và triển khai phát hành các loại tiền kỹ thuật số quốc gia của riêng họ (CBDC).
Theo tìm hiểu của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm CBT, vào tháng 04/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Đạo luật về thị trường mã hoá (MiCA), yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài sản tiền mã hoá thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng và cải thiện quản trị, bên cạnh đó mở rộng các thực thể phải tuân thủ quy định chống rủa tiền. Tại Anh, Quy định số 5 (về chuyển tiền mã hoá) của Quy định về rửa tiền và tài trợ khủng bố đã có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2023.
Hầu hết các NHTW đều đã và đang tìm hiểu về CBDC, trong đó chú trọng đến việc nghiên cứu kỹ các điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến khả năng phát hành như khung pháp lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ, quản lý giám sát…để đảm bảo CBDC khi được phát hành có thể hòa chung vào dòng chảy tài chính mà không gặp sự cố đáng kể nào. Là một nước hội nhập sâu rộng với nền kinh tế – tài chính toàn cầu, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài sự vận động chung của thế giới.
TS. Hồ Minh Sơn đánh giá, các loại tiền ảo như bitcoin, ethereum, binance coin… hiện đang trở thành vấn nạn cho hệ thống tài chính Việt Nam. Nổi cộm là hiện tượng dùng tiền thật để mua tiền ảo như một kênh chuyển tiền ra nước ngoài, rửa tiền. Dù Việt Nam không công nhận tiền ảo, tuy nhiên loại tiền này vẫn được sử dụng. Có nghĩa, dù không có hành lang pháp lý thì thực tế vẫn diễn ra, với nhiều thay đổi, diễn biến nhanh. Loại tiền này có tính lạm phát cao bởi mỗi ngày, mỗi tháng lại xuất hiện một loại tiền mới, không rõ do ai phát hành. Hiện nay, vẫn chưa có cách gì để ngăn chặn hình thức rửa tiền qua các loại tiền ảo này.
TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị thêm biện pháp hữu hiệu nhất để quản lý tiền ảo và hạn chế những hệ lụy của nó là có hành lang pháp lý rõ ràng, quy định rõ thế nào là tiền ảo, hành vi nào là vi phạm và biện pháp xử lý vi phạm. Theo đó, để quản lý tiền mã hóa, tài sản ảo tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, thành lập các chương trình thí điểm pháp lý trong từng lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, xem xét và đánh giá các mô hình kinh doanh về rủi ro, lợi nhuận, tính khả thi… áp dụng thí điểm trên một nhóm các đối tượng được xác định trước.
Cụ thể, cần có một cơ chế pháp lý rõ ràng làm cơ sở để giải quyết những quan hệ xã hội phát sinh trong các giao dịch dân sự liên quan đến tiền ảo đang diễn ra trên thực tế nhằm hạn chế rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia. TS. Hồ Minh Sơn nếu hai yếu tố như sau: Cần có một định nghĩa rõ ràng, cụ thể về tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam, cùng đó, làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật khác có liên quan. Cũng cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới trong Bộ luật Dân sự. Khái niệm về tài sản tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần có sự sửa đổi theo hướng bổ sung thêm “các loại tài sản khác do pháp luật quy định”; Cần xây dựng khung pháp lý về đồng tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam. Song song đó, cần quy định rõ việc trao đổi, mua bán, giao dịch đồng tiền ảo giữa cá nhân với cá nhân; cá nhân và tổ chức; tổ chức với tổ chức nhằm hạn chế những rủi ro đáng tiếc cho các cá nhân, tổ chức khi giao dịch tiền ảo.
Việt Nam có thể tận dụng kinh nghiệm quốc tế để phát triển khung pháp lý rõ ràng cho tiền mã hóa.Đầu tiên là xác định xem tiền mã hóa như Bitcoin là tài sản hay chứng khoán, giúp làm sáng tỏ việc quản lý giao dịch và bảo vệ nhà đầu tư. Yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa đăng ký và tuân thủ các quy định chống rửa tiền là điều hết sức quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, an ninh tài chính và giảm thiểu các rủi ro như gian lận hoặc tài trợ tài chính bất hợp pháp.
Việc triển khai mô hình thử nghiệm có thể tạo ra một môi trường hỗ trợ cho doanh nghiệp blockchain phát triển các giải pháp sáng tạo dưới sự giám sát của chính phủ. Việt Nam phải cân bằng giữa việc bảo vệ nhà đầu tư với thúc đẩy đổi mới công nghệ. Một khung pháp lý được thiết kế tốt sẽ mở ra tiềm năng của blockchain trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo vệ hệ thống tài chính quốc gia.
Câu hỏi đặt ra với việc quản lý Bitcoin và tiền mã hóa không còn là “nên hay không” mà là “làm thế nào”. Tin rằng, với các chính sách phù hợp, Việt Nam có thể tạo ra một môi trường an toàn, minh bạch và đổi mới, mở lối tiến tới trở thành một trung tâm blockchain hàng đầu khu vực.
Nguyễn Thị Huyền – PCVP Viện IMRIC, PGĐ Trung tâm CBT