Sáng ngày 01/02/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến cho các doanh nghiệp thành viên, các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE xoay quanh Nghị định 168/2024 và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư – Thạc sỹ Nguyễn Thành Hưng – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn tâm (TTLCC) nêu lại câu hỏi của các độc giả, tham vấn pháp lý cụ thể sau: ‘Tôi đi xe đạp và có uống 1 lon bia cùng bạn nhằm ‘giải khát’ thì có bị Cảnh sát Giao thông xử phạt?’. Đồng thời, đề nghị luật sư cho biết, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí nào?
Đi xe đạp uống một lon bia để ‘giải khát’ có bị xử phạt
Căn cứ theo điểm p khoản 1, điểm d khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định 168/2024, người chạy xe đạp bị thổi nồng độ cồn nếu sử dụng rượu bia như sau:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
Do đó, người đi xe đạp bị thổi nồng độ cồn và mức phạt như sau: Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở: 100 – 200 ngàn đồng; Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: 300 – 400 ngàn đồng; Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 0,4 miligam/1 lít khí thở: 400 – 600 ngàn đồng.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ như sau:
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: Bên trái đường một chiều; Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc mà tầm nhìn bị che khuất; Trên cầu, trừ những trường hợp tổ chức giao thông cho phép; Gầm cầu vượt, trừ những nơi cho phép dừng xe, đỗ xe; Song song cùng chiều với một xe khác đang dừng, đỗ trên đường; Cách xe ô tô đang đỗ ngược chiều dưới 20 mét trên đường phố hẹp, dưới 40 mét trên đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường; Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; Điểm đón, trả khách; Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ra, vào; Tại nơi phần đường có chiều rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới; Trong phạm vi an toàn của đường sắt; Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông; Trên đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, vỉa hè trái quy định của pháp luật.
Kiên Cường (CTV TVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)