Sáng ngày 24/12/2024, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) nhận được thư của độc giả gửi đến yêu cầu tham vấn pháp lý về việc nhờ người khác nhận tội thay khi gây tai nạn giao thông và nhờ người khác đi nộp phạt vi phạm giao thông như thế nào. Theo đó, Viện IMRIC phối hợp Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) trả lời thư của độc giả…
Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phan Đức Hiếu – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) phân tích như sau: Nhận tội thay người gây tai nạn giao thông có thể bị xử lý về tội Che giấu tội phạm, Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, Không tố giác tội phạm…Cạnh đó, theo quy định mới nhất, nhờ người khác đi nộp phạt vi phạm giao thông có được không và cần những điều kiện gì để thực hiện điều này?.
Nhận tội thay người gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?
Ảnh minh hoạ
Trong một số vụ tai nạn giao thông có trường hợp người thân đứng ra nhận tội thay tài xế. Qua đó, hành vi nhận tội thay cho người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm, tội Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối hoặc tội Không tố giác tội phạm.
Căn cứ tại khoản 1, Điều 18, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm.
Căn cứ theo khoản 2, Điều 18, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Tại Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định hai khung hình phạt đối với tội danh này: người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại một số điều quy định tại Bộ luật Hình sự thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù 2 – 7 năm.
Căn cứ theo Điều 382 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tài liệu sai sự thật là những tài liệu giả mạo hoặc có nội dung sai lệch với sự thật nhằm đánh lừa người đọc. Khai báo gian dối là hành vi trình bày vụ việc, ý kiến không trung thực, khách quan về vụ việc. Người có hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối biết rõ thông tin sai sự thật nhưng vẫn cố gắng thực hiện. Tội danh này có 3 khung hình phạt chính với mức phạt tù cao nhất là 5 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định lên đến 5 năm. Là hành vi của người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác.
Căn cứ tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, với khung hình phạt là 3 năm tù giam. Trong trường hợp người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Nhờ người khác đi nộp phạt vi phạm giao thông được không?
Ủy quyền cho người khác đi nộp phạt hộ được không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi năm 2020, khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức, gồm: Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt.
Đồng thời, chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt nếu rơi vào các trường hợp bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và vi phạm không được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Căn cứ tại Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 về đại diện theo ủy quyền thì cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Do đó, theo quy định của pháp luật thì có thể nhờ người khác nộp phạt vi phạm giao thông thay mình.
Thế nhưng, khi làm văn bản ủy quyền phải có dấu xác nhận chữ ký của UBND cấp xã hoặc xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng. Trong văn bản ủy quyền cần ghi rõ số căn cước công dân của người ủy quyền và người được ủy quyền. Khi có đủ các loại giấy tờ trên, cơ quan chức năng sẽ giải quyết làm các thủ tục xử lý vi phạm. Các giấy tờ cụ thể cần có trong khi ủy quyền gồm: Giấy ủy quyền nộp phạt vi phạm vi phạm giao thông có giấy xác nhận của chính quyền địa phương. Biên bản xử phạt vi phạm giao thông. Bản sao chứng thực CCCD của người ủy quyền và bản chính CCCD của người được ủy quyền.
Văn Hải – Tuấn Tú (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)