Trong suốt thời gian qua, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã nhận nhiều thư của một số tổ chức, cá nhân quan tâm cần được tham vấn pháp lý như: Trong tường hợp nào phải dẫn giải người làm chứng đến toà, kháng cáo quá hạn làm sao để được chấp thuận.
Dưới góc độ pháp lý, Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp như sau:
Viện IMRIC và Viện IRLIE thường xuyên tiếp, làm việc với các Nhà báo, phóng viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về tác nghiệp, xây dựng hình ảnh cá nhân, ứng dụng khoa học công nghệ…
Theo quy định của pháp luật, người làm chứng có thể bị dẫn giải khi họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt gây trở ngại cho việc xét xử…Đồng thời, một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự là ‘Đảm bảo chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm’. Nghĩa là, bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn quy định. Thế nhưng, trong một số trường hợp, để đảm bảo quyền lợi cho đương sự và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan, Bộ luật Tố tụng Dân sự vẫn có phép kháng cáo quá hạn.
Vì sao phải dẫn giải người làm chứng đến tòa?
Thông thường trong các phiên tòa hình sự, ngoài bị can, bị cáo… HĐXX có thể sẽ triệu tập người làm chứng tới phiên tòa, dù đã cho lời khai tại các giai đoạn tố tụng trước. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những người làm chứng không tự nguyện có mặt tại tòa sau khi được triệu tập và lực lượng chức năng phải tiến hành dẫn giải.
Căn cứ vào Điều 66 BLTTHS năm 2015 quy định người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có các quyền như được yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại…
Trong đó, các quyền thì người làm chứng có các nghĩa vụ như: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.
Căn cứ theo điểm l khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015 có quy định dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định.
Theo khaonr 3. Điều 127 Bộ luật TTHS 2015 có quy định dẫn giải có thể áp dụng đối với người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Do vậy, nếu người làm chứng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt gây trở ngại cho việc xét xử thì có thể bị dẫn giải đến tham gia phiên tòa. Từ đó, HĐXX sẽ hoãn hoặc tạm ngừng phiên tòa để dẫn giải người làm chứng…
Cùng với đó, khi người làm chứng biết rõ, nắm rõ các tình tiết quan trọng mà việc có mặt của họ giúp HĐXX đánh giá vụ án một cách khách quan và toàn diện và có lợi cho bị cáo nhưng dù đã được triệu tập hợp lệ mà vẫn vắng mặt thì buộc phải dẫn giải đến tham gia phiên tòa.
Căn cứ theo Quyết định số 1502/2008/QĐ-BCA ngày 10-9-2008 của Bộ Công an. Theo đó, khi dẫn giải phải tuân thủ những nguyên tắc sau: Phải có lệnh, quyết định dẫn giải của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền; Theo kế hoạch và phương án cụ thể do thủ trưởng đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp duyệt, bố trí đủ lực lượng và trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ cần thiết… Đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và quần chúng nhân dân trong quá trình thi hành nhiệm vụ; Không được xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị dẫn giải…
Kháng cáo quá hạn, làm gì để được chấp thuận?
Căn cứ vào Điều 270 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định rằng: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.” Qua đó, dựa theo quy định trên, có thể hiểu, kháng cáo là thủ tục yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết lại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm khi không đồng ý với bản án, quyết định này hoặc bản án, quyết định này chưa đảm bảo đúng quyền lợi của họ.
Theo Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về thời hạn kháng cáo: Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
Song song đó, thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này. Vì lẻ đó, thời hạn kháng cáo là 07 ngày, đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm và 15 ngày, đối với Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm. Thời điểm bắt đầu thời hạn có thể tính từ ngày tuyên án, ngày nhận bản án, ngày nhận quyết định hoặc ngày niêm yết tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Theo Điều 275 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự là kháng cáo quá hạn…Nghĩa là, người kháng cáo nộp đơn kháng cáo khi đã quá thời hạn nêu trên.
Theo Điều 275 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định như sau: Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồn xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp; nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định.
Vì vậy, sau khi tiếp nhận đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm lập Hội đồng và tổ chức phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn. Việc chấp thuận kháng cáo quá hạn sẽ dựa trên tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp. Kháng cáo quá hạn được chấp thuận khi đa số thành viên của Hội đồng xét kháng cáo quá hạn đồng ý chấp thuận kháng cáo quá hạn.
Có thể thấy, để được chấp thuận kháng cáo quá hạn, người kháng cáo phải trình bày ý kiến của mình và cung cấp đầy đủ chứng cứ, tài liệu chứng minh lý do chính đáng về việc kháng cáo quá hạn. Điểnhình: Do bệnh tật, do trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng…mà không thể kháng cáo đúng thời hạn quy định.
Ông Hồ Minh Sơn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, công cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số, công tác trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật cũng cần có những cải tiến có tính chất đột phá, tiến kịp với tiến trình phát triển tất yếu của xã hội. Đặc biệt, giải pháp mang lại kết quả khả quan là truyền thông về trợ giúp pháp lý không ngừng đổi mới theo các phương thức khác nhau, gồm truyền thông truyền thống (trực tiếp về cơ sở, báo đài, trang tin điện tử, trang mạng xã hội, ấn phẩm khoa học, tờ gấp…), truyền thông hiện đại (internet, điện thoại, hotline…) và hình thức đặc thù (hộp, bảng tin, tờ tin trợ giúp pháp lý tại cơ quan tố tụng, chính quyền cơ sở…); ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua hệ thống quản lý trợ giúp pháp lý; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người được trợ giúp pháp lý…
Dịp này, ông Sơn cho rằng tăng cường số lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trong Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về trợ giúp pháp lý của người dân thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu từng lĩnh vực hoạc các hình thức chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Hồ Minh Sơn tiếp và tham vấn pháp lý cho một doanh nghiệp bất động sản tại Thành phố Cần Thơ
Tin rằng, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật do Viện IMRIC phối hợp Viện IRLIE làm nhịp cầu nối, Trung tâm TTLCC thực hiện rất đa dạng, tập trung vào các hình thức sau: Phổ biến, tư vấn pháp luật trực tiếp; tư vấn, giải đáp pháp luật, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; biên tập các ấn phẩm, video clip xây dựng tình huống pháp luật và giải đáp tình huống pháp luật thường gặp; phổ biến, tư vấn pháp luật trực tuyến; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật…
Văn Hải – Trần Danh (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)