Mới đây, Công an tỉnh Đắk Lắk tiến hành điều tra vụ án mạng gây rúng động dư luận tại địa bàn huyện Ea Kar và đã tạm giữ hình sự Nguyễn Xuân Nhật (36 tuổi, trú tại xã Cư Ni, huyện Ea Kar) để điều tra về hành vi giết người. Nhật được xác định là đối tượng đã sát hại anh Y.T.N (35 tuổi) bằng búa và dao. Sau đó, Nhật quấn xác nạn nhân vào chăn bông rồi đặt lên xe lôi, chở ra nghĩa trang.
Liên quan đến vấn đề này, một số người dân gửi thư về Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE), nêu câu hỏi: Về hành vi giết người rồi chở thi thể ra nghĩa trang có thể bị truy tố về tội ‘Giết người’ với mức án cao nhất là tử hình hay không?.
Đối tượng Nguyễn Xuân Nhật tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an cung cấp
Dưới góc nhìn pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn phân tích về quy định của pháp luật theo các thông tin ban đầu, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt dẫn đến việc đối tượng Nguyễn Xuân Nhật dùng búa đập vào đầu anh N., rồi dùng dao đâm nạn nhân tử vong. Đây là hành vi giết người có tính chất côn đồ, thực hiện tội phạm một cách man rợ.
Về hành vi của đối tượng Nguyễn Xuân Nhật, theo TS. Hồ Minh Sơn phân tích, hành vi của đối tượng là hết sức nghiêm trọng, đã cướp đi sinh mạng của người khác. Tuy nhiên, hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Vì vậy, chưa thể khẳng định hành vi nêu trên phạm vào tội danh nào và khung hình phạt bao nhiêu. Với những dữ liệu báo chí đã đưa thì có thể xác định có sự mâu thuẫn trong cuộc nhậu, có xô xát xảy ra và dẫn đến hậu quả chết người.
Thế nhưng, để xác định hành vi trên phạm vào tội danh nào thì còn phụ thuộc vào động cơ, mục đích, công cụ phương tiện phạm tội, ý chí của bị can khi thực hiện hành vi; hành vi, thái độ của người bị hại và quá trình xô xát giữa 2 bên…
Căn cứ theo quy định của tại Điều 123 Bộ luật hình sự, người thực hiện hành vi nêu trên có thể bị khởi tố, truy tố và xét xử về một trong các tội sau: tội “Giết người”. Qua đó, hành vi của đối tượng Nhật có thể chiếu theo quy định người nào giết người thuộc một trong các trường hợp thực hiện tội phạm một cách man rợ; có tính chất côn đồ; vì động cơ đê hèn… thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đối với tội “Giết người”, trường hợp người chuẩn bị phạm tội vẫn được xem là có tội và có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm, TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 125 Bộ luật Hình sự thì đối tượng Nhật cũng có thể bị truy tố về tội “Giết người” trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Cụ thể, người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, TS. Hồ Minh Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Bộ luật Hình sự, tội “Giết người” do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Do đó, người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, TS. Sơn nói.
Cũng theo TS. Hồ Minh Sơn, theo quy định tại Khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự có thể tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, với mức hình phạt cao nhất là phạt tù 14 năm. “Trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào các yếu tố chủ quan và khách quan của vụ việc để kết luận bị can phạm tội gì. Việc đầu thú của bị can cũng là một trong trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”.
Văn Hải – Trần Danh