Trong cuộc sống thường nhật, thì ‘Bát đũa còn có khi xô’, câu chuyện vợ chồng cãi nhau là chuyện thường gặp, nếu không quá nghiêm trọng, ‘cơm sôi bớt lửa’ để giữ hòa khí trong gia đình, tránh bị xử phạt như vụ hai vợ chồng xúc phạm nhau gây xôn xao dự luận trên không gina mạng trong thời gian gần đây.
Vợ chồng xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhau có thể bị xử phạt. Ảnh minh họa
Cụ thể, UBND TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với ông N.T.S (50 tuổi, trú phường Nam Lý vì hành vi hành hung và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của vợ mình là bà T.T.M.H (cùng địa chỉ) mới đây. Theo đó, Bà H. cũng bị xử phạt 7,5 triệu đồng do có hành vi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chồng là ông S.
Thông tin hai vợ chồng xúc phạm nhau bị xử phạt hành chính nhận về nhiều sự quan tâm của bạn đọc, đa số cho rằng mâu thuẫn vợ chồng là câu chuyện hàng ngày, nếu không có gì nghiêm trọng thì “Chồng giận thì vợ bớt lời – Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”.
Chia sẻ về điều này, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho rằng việc xử phạt được áp dụng theo nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạolực gia đình. Do vậy, quyết định xử phạt của UBND TP Đồng Hới là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. Đồng thời, phân tích thêm tình trạng này phản ánh mâu thuẫn trong gia đình không được giải quyết một cách lành mạnh, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật từ cả hai phía. Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm và hành hung trong gia đình là hành vi vi phạm pháp luật. Hậu quả của hành vi này không chỉ dừng lại ở mức phạt mà còn để lại vết thương tinh thần và sự rạn nứt lâu dài. Vì vậy, cả hai cần được hỗ trợ để xây dựng lại mối quan hệ.
TS. Hồ Minh Sơn cũng cho rằng mâu thuẫn trong gia đình là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên cách xử lý mâu thuẫn quyết định rất lớn đến việc duy trì hạnh phúc gia đình. Trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, hai vợ chồng cần xây dựng rõ quy tắc ứng xử trong gia đình bằng việc sử dụng từ ngữ lịch sự, giao tiếp cởi mở. Từ đó, mỗi khi đối diện trước mâu thuẫn hoặc cảm thấy sắp mất kiểm soát, hãy xin phép đối phương tạm dừng cuộc trò chuyện và hít thở sâu để giữ bình tĩnh. Sau đó, cùng đối phương nhìn nhận lại nguyên nhân, chủ động nhận lỗi và học cách tha thứ.
Dưới góc nhìn pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; hoặc lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Luật nghiêm cấm hành vi bạo lực gia đình dưới mọi hình thức và yêu cầu xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự đối với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình tùy theo mức độ vi phạm. Căn cứ theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định các hành vi bạo lực gia đình bị xử phạt theo điều 54 khoản 1 là phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Cả người vợ và người chồng đều vi phạm hành vi này, mức phạt là 7,5 triệu đồng/người.
Tại Điều 52 khoản 1 cũng quy định phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích hoặc không gây thương tích nhưng vi phạm quy định phòng, chống bạo lực gia đình. Hành vi đánh vợ của ông S. rơi vào trường hợp này, mức phạt là 7,5 triệu đồng. Tổng cộng là 15 triệu đồng. TS. Hồ Minh Sơn cho hay, quyết định xử phạt của UBND TP Đồng Hới là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật, thể hiện tính nghiêm minh nhằm răn đe, phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thành viên trong gia đình. Hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực tinh thần và thể chất, không chỉ có thể bị xử lý hành chính mà trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt khi gây ra thương tích nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của nạn nhân.
Thông qua vụ việc diễn ra tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cho thấy, việc áp dụng xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP là một quyết định đúng đắn để răn đe và ngăn ngừa hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt khi mức độ vi phạm chưa đủ nghiêm trọng để xử lý hình sự. Hình thức xử phạt này không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật mà còn là thông điệp cảnh báo về những hậu quả của bạo lực gia đình, dù là dưới hình thức bạo lực tinh thần hay thể chất, TS. Hồ Minh Sơn nhận định.
Các biện pháp khắc phục hậu quả gồm có buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt, TS. Hồ Minh Sơn phân tích thêm.
Căn cứ theo Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó. Trong trường hợp người bị xử phạt không chấp hành việc nộp phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Các biện pháp cưỡng chế, gồm: khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
Như vậy, hôn nhân bền vững đến từ cả hai phía và rất cần sự kiên nhẫn, nhường nhịn và hợp tác. Đừng vì một phút mất kiểm soát mà đẩy mâu thuẫn lên tới cao trào và đưa nhau ra pháp luật. Hậu quả sẽ là sự tổn thương sâu sắc trong mối quan hệ và cần nhiều thời gian để hàn gắn. Song song đó, các cặp vợ chồng có thể áp dụng 3T gồm Tôn trọng – Thấu hiểu – Tham vấn. Tin rằng, sự tôn trọng giúp duy trì sự công bằng, tránh làm tổn thương nhau. Thấu hiểu giúp đôi bên đặt vào vị trí của nhau để cảm thông, gỡ rối mâu thuẫn…
Hồ Huyền