Vừa qua, có một số tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) quan tâm đến hôn nhân, tảo hôn và chia di sản thừa kế cho con dâu, con rể…
Dưới góc độ pháp lý, Ông Phạm Trắc Long – Phó Viện trưởng Viện IRLIE, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp như sau: Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số nước ta. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn có những tác động không tốt đến chất lượng dân số. Đồng thời, con dâu, con rể liệu có được hưởng di sản thừa kế không?
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, có thể bị xử lý hình sự không?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình, độ tuổi kết hôn của nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Theo đó, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.
Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, người thực hiện hành vi tảo hôn hoặc tổ chức tảo hôn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, người có hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Căn cứ khoản 2 Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, người vi phạm duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, thì người này có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Căn cứ theo Điều 183 Bộ luật hình sự hiện hành nếu tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Theo khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hôn nhân cận huyết là hành vi bị nghiêm cấm trong chế độ hôn nhân và gia đình. Do đó, hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền là 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trong trường hợp có đủ căn cứ chứng minh người phạm tội giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha thì có thể bị truy cứu hình sự về Tội loạn luân theo Điều 184 Bộ luật hình sự hiện hành. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Con dâu, con rể có được chia di sản thừa kế?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống theo ý nguyện của người để lại di sản. Vì vậy, người để lại di sản có thể chỉ định bất kỳ ai là người được hưởng di sản của mình trong trường hợp di chúc hợp pháp. Việc con dâu, con rể được bố mẹ phân chia cho di sản trong trường hợp này hoàn toàn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.
Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.
Những trường hợp thừa kế theo pháp luật: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây: Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Trong các trường hợp được hưởng thừa kế theo pháp luật thì con dâu/con rể không nằm trong diện được hưởng thừa kế của gia đình chồng/vợ. Do vậy, con dâu/con rể không được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật khi bố mẹ chồng/vợ mất không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp. Nếu cha mẹ để lại di chúc dành phần tài sản của mình cho con dâu, con rể thì con dâu, con rể được hưởng thừa kế theo di chúc.
Với vai trò nhịp cầu nối của Viện IMRIC và Viện IRLIE giao Trung tâm TTLCC trực tiếp tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp và thông qua các buổi toạ đàm khoa học là một trong những nhiệm vụ tư vấn pháp luật trọng tâm. Với đội ngũ luật sư, luật gia, chuyên gia pháp luật, tư vấn viên, các cộng tác viên tư vấn pháp luật luôn sẵn sàng tư vấn và giải đáp mọi vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hôn nhân gia đình: Kết hôn, ly hôn, phân chia tài sản …và mọi vướng mắc khác phát sinh theo yêu cầu.
Có thể thấy, pháp luật hôn nhân gia đình luôn tồn tại những tranh chấp tiềm ẩn về tài sản chung, tài sản riêng, tài sản thừa kế, tranh chấp về quyền nuôi con, tranh chấp nghĩa vụ cấp dưỡng, tranh chấp về nợ chung, nợ riêng … Những tranh chấp này thường được xem là “sóng ngầm” trong mỗi gia đình và nếu không được tư vấn và giải quyết cụ thể thì có thể bùng nổ bất cứ khi nào và gây nên những hậu quả pháp lý nghiêm trọng và đặc biệt là gây những tổn hại về tình cảm gia đình không thể hàn gắn.
Tin rằng, thông qua việc tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật HNGĐ đã mang lại kết quả tích cực, góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ HNGĐ, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Từ đó, xây dựng gia đình ấm no, tự do, bình đẳng, hạnh phúc bền vững.
Trần Danh – Vương Minh (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)