Ngày 01/02/2025, tại số 412, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM – Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam; Tạp chí điện tử Việt Nam Hương Sắc; Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) đã tổ chức tham vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, các doanh nghiệp sinh vật cảnh và các doanh nghiệp thành viên nhờ tham vấn, hỗ trợ pháp lý liên quan đến Thông tư 32/2023/TT-BCA; Nghị định 168/2024/NĐ-CP…
Dưới góc độ pháp lý, ông Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng Thường trực Viện IRLIE, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tham vấn như sau: Việc sử dụng rượu bia trong những ngày Tết rồi điều khiển phương tiện giao thông trên đường làng vẫn bị xử phạt hành chính vì lỗi vi phạm nồng độ cồn. Đồng thời, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô thì không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.
Lỡ uống một vài cốc bia, chén rượu, sau đó điều khiển ô tô, xe máy trên đường làng thì có bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn hay không?
Căn cứ theo Điều 6 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định, các tuyến đường làng/xã thuộc tuyến đường, địa bàn tuần tra, kiểm soát của công an cấp huyện.
Vì vậy, công an cấp huyện sẽ có quyền xử lý các vi phạm về hành chính của người dân khi tham gia giao thông ở đường làng.
Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông là một trong những lỗi mà lực lượng chức năng có thẩm quyền xử lý. Do đó, việc sử dụng rượu bia sau đó đi chúc Tết bằng xe máy, ô tô trên đường làng là vi phạm.
Căn cứ Nghị định 168/2024/NĐ-CP, đối với xe ô tô, người điều khiển vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng và trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Qua đó, người điều khiển vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 18 – 20 triệu đồng, trừ 10 điểm giấy phép lái xe. Người điều khiển vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng. Với vi phạm này, sẽ không áp dụng trừ điểm giấy phép lái xe mà thực hiện tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng.
Cạnh đó, trong trường hợp điều khiển xe máy, người điều khiển vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng và trừ 4 điểm giấy pháp lái xe.
Người điều khiển vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng, trừ 10 điểm giấy phép lái xe.
Người điều khiển vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt tiền từ 8 – 10 triệu đồng. Với vi phạm này, sẽ không áp dụng trừ điểm giấy phép lái xe mà thực hiện tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng.
Để trẻ em dưới 10 tuổi ngồi ghế trước ô tô có bị xử phạt?
Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe có hiệu lực từ 1/1/2025. Trong đó, có một số quy định các lỗi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2026 theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 53, Nghị định 168/2024/NĐ-CP có quy định cụ thể các lỗi vi phạm sau đây sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026: chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế) hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định áp dụng đối với người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Mức phạt đối với lỗi vi phạm này là phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe theo điểm m khoản 3 Điều 6, Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Liên quan đến điểm mới trong Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ về việc trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Hà Nội có tỷ lệ tăng sở hữu ô tô con là 113,7% mỗi năm giai đoạn 2014-2018 và tỷ lệ sở hữu là 60 xe/1.000 dân vào năm 2018. Thế nhưng, việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em lại không tương xứng. Đây còn là một trong những nguyên nhân khiến thương vong ở trẻ em khi tham gia giao thông trên ô tô gia tăng. Hiện nay, chỉ có 1,3% ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Trong số đó, 2,6% tại TP Hà Nội, 1,1% tại TP Hồ Chí Minh và 0% ở TP Đà Nẵng. Thống kê cũng cho thấy có 22,8% xe có trẻ em ngồi một mình; 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn.
Ông Phạm Trắc Long phân tích thêm, vị trí này sẽ chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm, dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn, gây mất tập trung cho người lái xe. Trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi trẻ em dùng được dây an toàn khi đủ chiều cao xấp xỉ 1,5m khi số liệu thống kê cho thấy sử dụng thiết bị này có thể giảm tới 90% số ca tử vong và chấn thương nặng.
Căn cứ tại Điều 46 của Luật này quy định việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh. Qua đó, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh hoặc ô tô kinh doanh vận tải kết hợp hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh. Đồng thời, phải có thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ôtô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
Trần Danh (CTV TVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn)