Bất chấp việc bị cơ quan chức năng mạnh tay xử lý, nhưng lợi dụng bối cảnh các công ty tài chính gặp khó khăn, ‘tín dụng đen’ vẫn có đất sống và hoạt động ngày càng tinh vi.
Cho vay tiêu dùng khó khăn
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính năm 2023 sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với năm trước đó.
Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank (công ty mẹ của FE Credit) cho hay, dù lãi suất cho vay đã giảm mạnh, kể cả lãi suất cho vay tiêu dùng, song nhu cầu vốn của thị trường chưa cao, thậm chí sụt giảm.
Riêng dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính trong năm qua giảm tới hơn 20% và FE Credit cũng không ngoại lệ. Mặc dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng và công ty tài chính cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu.
Ông Vinh cho biết, việc thu hồi nợ hiện nay gặp không ít khó khăn, nhất là đối với việc thu hồi nợ tín dụng tiêu dùng. Các nhân viên thu hồi nợ chịu rất nhiều áp lực nên nghỉ việc rất nhiều và riêng tại FE Credit, sốlượng nhân sự nhóm này giảm đến 50%.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, NHNN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho khách hàng và người dân tiếp cận vốn tín dụng chính thống, nhất là với tín dụng tiêu dùng.
Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép, các công ty tài chính vi mô, các quỹ tín dụng… cải cách thủ tục hành chính, mở rộng mạng lưới, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa và các sản phẩm dịch vụ tài chính số để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân… nhằm hạn chế “tín dụng đen” và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia.
“Các công ty tài chính đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của NHNN, cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi ‘tín dụng đen’. Song đến nay, hầu như các công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao.
Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung, còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý, đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống đến chính quyền các cấp, thậm chí là hành hung cán bộ thu nợ”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, thực trạng trên dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, còn cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc nhiều, công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay. Hệ quả là “tín dụng đen” trỗi dậy, bất chấp các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý, triệt phá nhiều ổ nhóm “tín dụng đen”.
“Tín dụng đen” lại bùng phát
Thực tế, nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân luôn hiện hữu và tín dụng tiêu dùng được cho là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, nhất là với công nhân và lao động tự do, những người không đủ điều kiện để tiếp cận vốn ngân hàng. Bởi các khoản vay tín dụng tiêu dùng từ các công ty tài chính chủ yếu là tín chấp, thủ tục đơn giản hơn rất nhiều so với ngân hàng.
Tình trạng bùng nợ khiến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, nên không thể tiếp tục mởrộng cho vay. Hệ quả là “tín dụng đen” trỗi dậy, bất chấp các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý, triệt phá nhiều ổ nhóm “tín dụng đen”.
Tuy nhiên, tình trạng khách hàng vay không trả nợ buộc các công ty tài chính siết chặt lại điều kiện, thận trọng hơn trong việc cho vay, làm hẹp cánh cửa tiếp cận vốn của nhiều người cho nhu cầu. Khi người dân thấy khó tiếp cận với nguồn tín dụng chính thống, họ sẽ tìm đến các kênh không chính thống và đó chính là điều kiện để “tín dụng đen” phát triển.
Thời gian qua, các ổ nhóm “tín dụng đen” bùng phát mạnh và thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Đi kèm theo đó là sự gia tăng phức tạp của một số loại tội phạm liên quan như cố ý gây thương tích, bắt giữngười trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức đòi nợ trái pháp luật… gây bức xúc dư luận.
Đặc biệt, gần đây phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp (công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật) mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Tội phạm “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội, tạo lập các ứng dụng (app) giả, nhái các tổchức tín dụng được cấp phép để dụ dỗ, mời chào vay tiền. Thậm chí, các đối tượng lừa đảo yêu cầu người vay tiền đặt cọc sau đó chiếm đoạt.
Thượng tá Lê Vinh Tùng – Phó phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) thông tin, tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến phức tạp.
Thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, trong năm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 538 vụán/944 bị can; xử phạt hành chính 305 vụ/396 đối tượng. Trong đó, khởi tố 485 vụ/772 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 27 vụ/35 bị can về tội cố ý gây thương tích, 17 vụ/108 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản…
Lũy kế trong 4 năm thực hiện Chỉ thị 12 (2019 – 2022), Cơ quan Công an đã phát hiện 3.772 vụ/6.810 đối tượng hoạt động “tín dụng đen”; khởi tố 2.113 vụ án/4.343 bị can liên quan “tín dụng đen”.
Riêng Cục Cảnh sát Hình sự đã phối hợp với nhiều địa phương để đấu tranh, xử lý các hành vi phạm tội với phương thức, thủ đoạn mới, hoạt động núp bóng doanh nghiệp, đan xen nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn…, qua đó triệt phá 2 chuyên án các đối tượng sử dụng công nghệ cao để hoạt động “tín dụng đen”.
Cũng theo ông Tùng, qua đấu tranh tội phạm “tín dụng đen”, Cơ quan Công an còn phát hiện các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người trong nước đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên đểsử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất lên trên 1.000%/năm.
Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Với các cơ quan quản lý, ông Tùng kiến nghị NHNN tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổsung các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực của ngành ngân hàng dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động “tín dụng đen” như vay trực tuyến, vay ngang hàng, trung gian thanh toán, ví điện tử, đầu tư, kinh doanh dịch vụ tài chính…
Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền nên xem xét sửa đổi các quy định của Điều 201 – Bộ luật Hình sự (tội danh Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) theo hướng tăng nặng hình phạt tương ứng với số tiền thu lời bất chính.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, chính sự bùng nổ của các app cho vay tiêu dùng không chính thống với lãi suất cao, hình thức đòi nợ không đúng đạo đức và pháp luật khiến xã hội hiểu lầm, đánh đồng tín dụng tiêu dùng với “tín dụng đen”.
Hiện có 15 công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, quản lý bằng khung khổ pháp luật chặt chẽ, nhưng có tới hàng trăm app cho vay đang hoạt động trên mạng. Các đối tượng này làm giả website, logo, tên thương hiệu của các ngân hàng, công ty tài chính chính thống hết sức tinh vi.
Trong khi đó, hiện chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý triệt để các nhóm kêu gọi bùng nợ, không trả nợ trên mạng xã hội… Do đó, ông Hùng kiến nghị cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, BộCông an, cùng NHNN đẩy mạnh việc xử lý nghiêm và triệt để các hội nhóm này.
Với người dân, ông Hùng khuyên, khi có nhu cầu vay vốn cần xem xét kỹ thông tin của công ty định vay, chỉnên vay ở các tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép và phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn, nếu không sẽ “lợi bất cập hại”. Bởi nếu không trả nợ thì sẽ bị lưu vào “danh sách đen”, ảnh hưởng tới sau này khi có nhu cầu vay nợ, ngoài ra còn ảnh hưởng tới việc tiếp cận vốn vay của nhiều người có nhu cầu khác.
Thảo Nguyên
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tin-dung-den-ngay-cang-tinh-vi-post347402.html