Sáng ngày 19/12/2024, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã có buổi tham vấn pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE liên quan đến việc đăng ký khai sinh và giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp theo Nghị định 154/2024.
Dưới góc nhìn pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tham vấn như sau: Đối với trẻ em sinh ra, việc đăng ký khai sinh phải được thực hiện trong 60 ngày kể từ ngày sinh. Nếu không thực hiện đăng ký đúng hạn, cha mẹ sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn. Kể từ 10-1-2025, những giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, tạm trú sẽ thực hiện theo Nghị định 154/2024.
Đăng ký khai sinh quá hạn, có bị phạt không?
Nhắc lại cầu hỏi của doanh nghiệp, việc đăng ký muộn thì có bị phạt không? Trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn, cần chuẩn bị những thủ tục giấy tờ nào?
Hiện nay, trong cuộc sống thời CMCN 4.0, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em là một quyền lợi quan trọng giúp xác định quyền công dân và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của trẻ. Thế nhưng, không ít trường hợp vì một số lý do khách quan hoặc chủ quan, phụ huynh chưa thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh đúng thời hạn, dẫn đến tình trạng trẻ chưa có giấy khai sinh chính thức.
Căn cứ theo Điều 15 Luật Hộ tịch 2014, việc đăng ký khai sinh là trách nhiệm của cha mẹ đối với mỗi đứa trẻ sinh ra. Đây là bước đầu tiên để xác nhận tình trạng pháp lý của trẻ và bảo vệ quyền lợi của trẻ trong xã hội, bao gồm quyền được cấp dưỡng, quyền thừa kế tài sản, quyền tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, và nhiều quyền lợi khác.
Theo đó, đối với trẻ em sinh ra, việc đăng ký khai sinh phải được thực hiện trong 60 ngày kể từ ngày sinh. Nếu không thực hiện đăng ký đúng hạn, cha mẹ sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn. Hiện tại chưa có quy định nào xử phạt hành chính về việc đăng ký khai sinh cho con muộn. Nên dù con bạn đã 5 tuổi, việc đăng ký khai sinh quá hạn vẫn diễn ra theo trình tự, thủ tục thông thường.
Có hai nội dung liên quan đến thủ tục đăng ký khai sinh theo quy định hiện hành như sau:
Nơi đăng ký khai sinh:
Người có trách nhiệm (cha, mẹ; ông hoặc bà hoặc người thân thích khác; cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ) sẽ làm Giấy khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ (Điều 13 Luật Hộ tịch 2014). Trường hợp làm Giấy khai sinh cho trẻ có yếu tố nước ngoài thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ (khoản 2 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014).
Trường hợp làm Giấy khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tiếp giáp với đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam nơi mẹ hoặc cha là công dân nước láng giềng thường trú (điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014, khoản 1 Điều 17 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
Qua đó, trẻ là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài thì làm Giấy khai sinh tại Cơ quan đại diện (khoản 3 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014, Điều 2 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP).
Hồ sơ đăng ký khai sinh:
Các loại giấy tờ phải xuất trình:
Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân của người yêu cầu làm giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân (khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người yêu cầu làm giấy khai sinh để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh. Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
Giấy tờ phải nộp:
Tờ khai theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP. Giấy chứng sinh. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú, thường trú?
Chính phủ đã ban hành Nghị định 154/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Trong đó, nghị định quy định rõ về các giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú, thường trú.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 154/2024, giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau: Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ theo quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở; Giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; Giấy tờ mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá, thanh lý nhà ở gắn liền với đất ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật; Hợp đồng mua bán nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở hoặc đã nhận nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư xây dựng để bán; Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở; Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình; Giấy tờ của tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật; Giấy tờ, tài liệu chứng minh về việc thế chấp, cầm cố quyền sở hữu chỗ ở hợp pháp; Xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở, đất ở sử dụng ổn định, không có tranh chấp và không thuộc địa điểm không được đăng ký thường trú mới theo mẫu.
Trong đó, giấy tờ, tài liệu chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu, xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện trừ trường hợp không phải đăng ký nơi thường xuyên đậu đỗ theo quy định. Hợp đồng, văn bản về việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật; Một trong các loại giấy tờ, tài liệu khác để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở qua các thời kỳ.
Tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 154/2024 quy định các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau: Một trong những giấy tờ, tài liệu của đăng ký thường trú, trừ trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì văn bản đó không phải công chứng hoặc chứng thực; Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình, không có tranh chấp về quyền sử dụng và đang sinh sống ổn định, lâu dài tại chỗ ở đó nếu không có một trong các giấy tờ, tài liệu trên. Nội dung văn bản cam kết bao gồm: Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân; nơi cư trú; thông tin về chỗ ở đề nghị đăng ký tạm trú và cam kết của công dân; Giấy tờ, tài liệu của chủ sở hữu cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở khác có chức năng lưu trú cho phép cá nhân được đăng ký tạm trú tại cơ sở đó; Giấy tờ của cơ quan, tổ chức quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cho phép người lao động được đăng ký tạm trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý theo quy định của pháp luật; Giấy tờ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình, công trường xây dựng, ký túc xá, làng nghề, cơ sở, tổ chức sản xuất kinh doanh cho phép người lao động được đăng ký tạm trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý theo quy định của pháp luật.
Tại quy định hiện nay tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 62/2021, khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú, người dân bắt buộc phải nộp các giấy tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở hợp pháp, chứng minh quan hệ nhân thân. Tuy nhiên, theo quy định mới tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 154/2024 công dân chỉ cần cung cấp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp cho cơ quan đăng ký cư trú khi nộp hồ sơ đăng ký cư trú.
Luật sư Phạm Lan Thảo – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn