Gần đây, một số tổ chức, doanh nghiệp đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) quan tâm đến trật tự an toàn giao thông. Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau:
Điển hình, nếu không chấp hành đo nồng độ cồn, lái xe sẽ bị xử phạt hành chính mức kịch khung. Trong đó, người vi phạm chỉ có thể bị xử lý hình sự nếu có căn cứ xác định hành vi chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, nhiều người đi đường khi tham gia giao thông vẫn băn khoăn CSGT đi xe biển trắng có được kiểm tra giấy tờ người đi đường hay không và dưới đây là thông tin giải đáp.
Tài xế có bị phạt tù vì không chấp hành đo nồng độ cồn?
Ảnh minh hoạ
Nhiều người tham gia giao thông có suy nghĩ “bỏ chạy để không có kết quả đo nồng độ cồn thì CSGT không có căn cứ xử phạt” là không đúng. Ngược lại người điều khiển phương tiện giao thông bỏ lại xe, để chạy trốn còn bị xử phạt mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất.
Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định chế tài xử phạt với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Theo đó, tất cả hành vi không chấp hành hiệu lệnh CSGT để né kiểm tra nồng độ cồn đều bị xử phạt hành chính, tước giấy phép lái xe và bị tạm giữ phương tiện.
Với mức phạt hành chính sẽ tùy thuộc vào phương tiện người điều khiển. Đối với người điều khiển ô tô thì mức phạt cao nhất có thể đến 40 triệu đồng, đối với xe máy là 8 triệu đồng. Mặt khác, khi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì mức phạt tiền từ 30-40 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày.
Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin khuyến cáo, người tham gia giao thông hãy chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng. Do đó, nếu chấp hành mức phạt sẽ theo mức vi phạm, nhưng nếu không chấp hành thì mức phạt sẽ tương đương với mức phạt cao nhất, kịch khung của vi phạm nồng độ cồn”, luật sư Diệp Năng Bình phân tích. Mặt khác, nếu cố tình không chấp hành, cản trở lực lượng CSGT đo nồng độ cồn thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ tại điều 330 Bộ Luật Hình sự 2015.
Cụ thể, người tham gia giao thông nếu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm: Có tổ chức; phạm tội hai lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.
Đặc biệt, vi phạm nồng độ cồn chỉ xử lý hành chính, nếu trót uống rượu bia tham gia giao thông thì lái xe nên chấp hành việc kiểm tra của lực lượng chức năng, tuyệt đối không được trốn tránh, nhất là chống đối người thi hành công vụ để tránh gặp rắc rối về vấn đề pháp lý.
CSGT đi xe biển trắng có được kiểm tra giấy tờ người đi đường?
Ảnh minh hoạ
Lực lượng Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát, sẽ được trang bị phương tiện giao thông gồm: Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát, xe chuyên dùng, xe đạp. Thế nhưng, xe cộ chỉ là phương tiện di chuyển còn nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT là phát hiện, xử lý vi phạm hành chính về giao thông. CSGT đi xe biển trắng vẫn có quyền dừng xe có dấu hiệu vi phạm giao thông để kiểm tra, xử lý.
Căn cứ theo điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát giao thông: Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ; Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.
Cũng theo quy định tại Điều 13 Thông tư 32, CSGT được trang bị trang phục, phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và vũ khí, công cụ hỗ trợ: Trang phục của Cảnh sát giao thông: Khi tuần tra, kiểm soát công khai, cán bộ CSGT sử dụng trang phục cảnh sát, đeo số hiệu công an nhân dân, dây lưng chéo theo quy định. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang. Phương tiện giao thông, gồm: Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát; xe chuyên dung; Vũ khí, công cụ hỗ trợ, gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn điện, súng bắn lưới, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn cay, súng bắn đạn đánh dấu, bình xịt cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8, gậy chỉ huy giao thông.
Cùng với đó, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị, sử dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 135/2021/NĐ-CP và tiêu chuẩn, định mức theo quy định của Bộ Công an. Được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, tại Trạm CSGT trên phương tiện giao thông, trang bị cho Tổ CSGT, do cán bộ CSGT trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định. Phương tiện thông tin liên lạc, gồm: Bộ đàm, điện thoại, máy fax, máy tính lưu trữ, truyền nhận dữ liệu, máy in. Còi, loa, rào chắn, cọc tiêu hình chóp nón, biển báo hiệu, dây căng, đèn chiếu sáng. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ khác được trang bị theo quy định của pháp luật và Bộ Công an.
Với vai trò nhịp cầu nối của Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC mong muốn thông qua chương trình giải đáp, phúc đáp sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, nâng cao ý thức chấp hành, kỹ năng tham gia giao thông an toàn và hình thành văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông. Từ đó, góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT; giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông.
Tin rằng, ngoài việc tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC luôn mong muốn sẽ hỗ trợ phần nào để mọi người dân nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành luật giao thông, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, có được các kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy an toàn và mỗi người sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho bạn bè, gia đình và cho mọi người trong xã hội về tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trong phạm vi cả nước.
Trần Danh – Vương Minh (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)