Gần đây, có một số doanh nghiệp, cá nhân đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) để được tham vấn pháp lý liên quan đến ANTT, ATGT. Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã tiếp và trả lời cụ thể như sau:
Nếu mức phạt trên 20 triệu đồng, người vi phạm có thể làm đơn xin chia thành nhiều lần để nộp. Đồng thời, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường…
Có thể chia nhiều lần nộp phạt hay không?
Có được nộp phạt hành chính nhiều lần không? (Ảnh minh họa)
Căn cứ quy định tại Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Theo đó, đối với cá nhân bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng trở lên và đối với tổ chức bị phạt từ 200.000.000 đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần.
Cụ thể, đơn đề nghị của cá nhân phải được UBND cấp xã, nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế. Đối với đơn đề nghị của tổ chức phải được xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp.
Cùng với đó, trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần được quy định không để quá thời hạn 6 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực. Số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 3 lần. Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.
Cũng theo Nghị định 100/2019 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021, có nhiều mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, chỉ có mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với ô tô là có thể áp dụng đóng phạt nhiều lần.
Do đó, chỉ có lỗi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất với ôtô, người vi phạm mới thể xin nộp phạt nhiều lần. Thế nhưng, theo quy định tại Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) mới được nộp phạt nhiều lần. Việc nộp phạt nhiều lần cần thực hiện theo đúng trình tự quy định pháp luật.
Tài xế không nhường đường bị phạt bao nhiêu?
Người điều khiển xe ô tô không nhường đường cho xe xin vượt thì bị xử phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Căn cứ theo Luật Giao thông đường bộ 2008, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên. Hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở cho xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt theo quy định.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định chủ xe có hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ bị phạt như sau: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi vi phạm theo điểm h Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi vi phạm theo điểm đ Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng có hành vi vi phạm theo điểm e Khoản 4 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Ngoài ra, theo điểm b, c Khoản 11 Điều 5; điểm b, c Khoản 10 Điều 6; điểm a, b Khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như sau: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (đối với điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng; Trường hợp có hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (đối với điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 tháng đến 4 tháng.
Đặc biệt, một số phương tiện được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự sau đây: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe đang làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Đoàn xe tang; Các xe khác theo quy định của pháp luật.
Vì lẻ đó, khi có tín hiệu của xe ưu tiên, mọi người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Cấm các hành vi gây cản trở xe ưu tiên.
Với vai trò nhịp cầu nối của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC trong công tác tuyên truyền về: Luật Giao thông đường bộ; phòng, chống ma túy; những lưu ý khi tham gia mạng xã hội…Thông qua các giải đáp, tham vấn và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông, nhận biết rõ hơn về những mặt tích cực, tiêu cực của mạng xã hội…để cộng đồng doanh nghiệp và người dân sống và làm việc phải thượng tôn pháp luật với đầy đủ ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của người công dân.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ANTT từ cơ sở, thời gian qua, Viện IMRIC phối hợp Viện IRLIE và Trung. tâm TTLCC đã tăng cường triển khai đa dạng các kênh thông tin tuyên truyền. Bên cạnh đổi mới các kênh theo hình thức truyền thống, các mạng xã hội cũng đã trở thành kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả, giúp người dân, doanh nghiệp và học sinh, sinh viên thuận tiện tiếp nhận kiến thức pháp luật, chủ động hơn trong tham gia tự quản ANTT và tố giác tội phạm.
Tin rằng, công tác thông tin tuyên truyền về ANTT đang ngày càng được đa dạng hóa, đi vào chiều sâu, nâng cao đáng kể về hiệu quả và sức lan toả trong cộng đồng. Viện IMRIC, Viện IRLIE và trung tâm TTLCC luôn thay đổi hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp. Từ đó, giúp đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc càng thêm phát triển mạnh mẽ.
Văn Hải – Vương Minh (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)