Mới đây, một số doanh nghiệp thành viên Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) yêu cầu tham vấn pháp lý liên quan đến trật tự an toàn giao thông và mua bán phương tiện giao thông…
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể: Mức phạt đối với người đi bộ mới nhất 2024 được quy định như thế nào? Mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây. Đồng thời, mua bán xe máy, xe ô tô nhưng không làm thủ tục đăng ký sang tên thì người liên quan sẽ bị phạt tiền theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Mức phạt đối với người đi bộ vi phạm giao thông mới nhất 2024
Ảnh minh hoạ
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Căn cứ tại 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định quy tắc giao thông đường bộ đối với người đi bộ như sau: Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường; Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn;Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường; Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Căn cứ theo khoản 4 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi đi vào đường cao tốc; Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Trong đó, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 47 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng; vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung, hầm khi đi qua đường ngang, cầu chung, hầm.
Căn cứ theo Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008, hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, từng bước hiện đại và đồng bộ; gắn kết phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác; Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp;Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Không sang tên khi mua bán xe có bị xử phạt?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 3, điểm m khoản 5 Điều 23 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 3, điểm m khoản 5 Điều 23 Nghị định này; Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm đ khoản 2 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm đ khoản 2 Điều 24 Nghị định này; Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định này; Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.
Do đó, khi mua xe ô tô nhưng không làm thủ tục đăng ký sang tên xe sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức.
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-C: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô; Không làm thủ tục đổi lại Giấy đăng ký xe theo quy định khi thay đổi địa chỉ của chủ xe hoặc các trường hợp khác theo quy định.
Do vậy, trường hợp khi mua lại xe máy cũ nhưng không thực hiện thì sẽ phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức.
Căn cứ khoản 15 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm r Khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì mua xe cũ, bao gồm cả ô tô và xe máy nếu không làm thủ tục đăng ký sang tên xe thì chỉ bị phạt tiền chứ không có bất kỳ hình thức phạt bổ sung nào.
Viện IMRIC phối hợp với Viện IRLIE giao Trung tâm TTLCC luôn xác định công tác tuyên truyền, giải đáp câu hỏi, ý kiến kiến nghị, thắc mắc của công dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện.
Xuất phát từ thực trạng đó, nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự ATGT; xây dựng, hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn và văn hóa giao thông cho công dân và doanh nghiệp về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống các hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ…Bằng những hình thức tuyên truyền sinh động, giao lưu trực tiếp đã hứa hẹn sẽ góp phần giúp người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, qua đó tạo cho họ ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật nói chung, chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường bộ nói riêng./.
Trắc Long – Tuấn Tú