Ngay sau các buổi toạ đàm khoa học do Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) chỉ đạo giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thực hiện như: Hội nghị đối thoại chính sách, quy định pháp luật hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hội nghị đối thoại tư vấn pháp luật về huy động vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi&phát triển; Pháp luật về kinh doanh bất động sản&Du lịch nông nghiệp 4.0; Pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm…Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp thành viên và người dân đặc biệt quan tâm gửi đến mong được giải đáp các thắc mắc…
Trong đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp hai vấn đề mà quý doanh nghiệp và ngừoi dân vừa gửi đến, cụ thể: Sang tên sổ tiết kiệm hay còn gọi chuyển nhượng sổ tiết kiệm là hình thức thay đổi chủ sở hữu sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Đồng thời, việc xem xét, đánh giá những vấn đề liên quan đến thửa đất trước khi chuyển nhượng (mua bán) là điều hết sức cần thiết.
Thủ tục sang tên sổ tiết kiệm như thế nào?
Ảnh minh hoạ
Thủ tục sang tên sổ tiết kiệm là một quy trình cho phép thay đổi chủ sở hữu của một cuốn sổ tiết kiệm cụ thể. Sau khi thực hiện thủ tục thành công, sổ tiết kiệm sẽ được chuyển sang tên người chủ sở hữu mới, chủ cũ không còn quyền hạn với sổ tiết kiệm này. Thực tế, chuyển nhượng sổ tiết kiệm có thể diễn ra dưới dạng cho, tặng hay thừa kế giữa những người thân trong gia đình hoặc giao dịch mua bán hoặc chuyển nhượng tương tự như các tài sản khác.
Căn cứ theo Thông tư số 48/2018/TT-NHNN vào ngày 31/12/2018 về quy định tiền gửi tiết kiệm, quy định chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm được thực hiện như sau: Tổ chức tín dụng hướng dẫn người gửi tiền cách thực hiện chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm hợp pháp. Trường hợp sổ được chuyển nhượng theo thừa kế, đối tượng nhận sang tên cần đảm bảo là công dân Việt Nam (nếu là sổ gửi bằng đồng Việt Nam), hoặc công dân Việt Nam là người cư trú (nếu sổ gửi bằng ngoại tệ). Tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng hiện nay, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm yêu cầu hoàn thiện giấy tờ cả 3 bên: chủ cũ, chủ mới, ngân hàng chủ quản. Do đó, thủ tục này chỉ được thực hiện tại chi nhánh/phòng giao dịch dưới sự hỗ trợ trực tiếp của giao dịch viên.
Được biết, ngân hàng và các tổ chức tín dụng hiện chưa hỗ trợ thực hiện giao dịch sang tên sổ tiết kiệm online bởi giao dịch này yêu cầu tính xác thực rất cao. Do đó, để thực hiện chuyển nhượng quyền sở hữu sổ tiết kiệm, cả chủ cũ và chủ mới cần đến trực tiếp ngân hàng để làm thủ tục.
Chủ sở hữu sổ tiết kiệm và chủ mới cần chuẩn bị các giấy tờ sau: Giấy tờ tùy thân bao gồm CCCD/hộ chiếu còn hiệu lực; Sổ tiết kiệm bản gốc với chủ sở hữu hiện tại; Giấy chuyển nhượng sổ tiết kiệm, giấy tờ có giá theo mẫu của ngân hàng.
Cùng với đó, quá trình này sẽ diễn ra theo các bước cơ bản như sau: Đến bất kỳ chi nhánh/phòng giao dịch nào thuộc ngân hàng đã lập sổ tiết kiệm để làm thủ tục; Yêu cầu hỗ trợ chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm; Nhân viên ngân hàng tiếp nhận và xác nhận thông tin là chính xác; Người yêu cầu sang tên thanh toán phí chuyển tên theo quy định của ngân hàng; Sau khi hoàn thành nghĩa vụ phí chuyển tên, ngân hàng sẽ xử lý yêu cầu chuyển tên và cập nhật thông tin người sở hữu mới trên sổ tiết kiệm.
Khi mua nhà đất cần kiểm tra những gì?
Ảnh minh hoạ
Người mua luôn có tâm lý muốn mua được mảnh đất đẹp, vị trí tốt kèm theo đó giá phải hời, nhiều ưu đãi. Nắm bắt được điểm mấu chốt này, người bán hàng sẽ đưa ra những lợi ích để “thao túng tâm lý” người mua. Nhiều người nhẹ dạ, cả tin vì lợi ích trước mắt, vô tình bỏ qua việc xem xét, đánh giá thửa đất mình sẽ mua. Đến khi xong xuôi, thấy lợi ích mình nhận được không giống như lời chào bán lại phát sinh tranh chấp. Lúc này người chịu thiệt vẫn là người mua đất.
Do vậy, người mua cần tìm hiểu rõ về thửa đất; hỏi thêm những người hàng xóm quanh thửa đất; cần đến sự hỗ trợ pháp lý của Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm, vì có những người có chuyên môn về pháp luật, đất đai để được tư vấn. Đừng vì những “lời ngon tiếng ngọt” mà giao tài sản của mình cho người khác. Hãy tỉnh táo tránh rơi vào những cái bẫy của người bán tạo ra.
Thông thường trước khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua đất), bên mua cần xem xét những vấn đề sau: Có giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp như: mua bán nhà ở hình thành trong tương lai; mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu nhà nước…); Thẩm định về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Bên cạnh việc phải có giấy chứng nhận, trước khi mua đất, người mua cần xem xét các vấn đề như:Đất có đang tranh chấp hay không. Nếu đất đang có tranh chấp mà vẫn thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì sẽ dẫn đến hợp đồng vô hiệu, khi đó phải giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu gây ra những rắc về sau. Để biết chắc rằng đất không có tranh chấp thì phải có văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã về tình trạng không có tranh chấp của thửa đất; Quyền sử dụng đất không là thuộc tài sản bị kê biên đảm bảo thi hành án. Để biết đất có đang bị kê biên hay không thì cần có văn bản cung cấp thông tin thửa đất của Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai; Đất còn trong thời hạn sử dụng không. Thời hạn sử dụng đất được thể hiện trong giấy chứng nhận, cần xem xét về thời hạn sử dụng đất để biết người bán có còn quyền đối với thửa đất để đem bán hay không?
Ngoài ra, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật Đất đai 2013. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Người mua cần tìm hiểu thông tin quy hoạch của thửa đất bằng cách tìm kiếm thông tin quy hoạch qua các website của cơ quan nhà nước hoặc để chính xác hơn cần yêu cầu bên bán liên hệ Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin quy hoạch. Tùy vào mục đích mà bên mua có thể tiếp tục hoặc từ chối mua đất đã có quy hoạch.
Cùng với đó, việc đánh giá nội dung giấy chứng nhận, việc thẩm định tại chỗ thửa đất cũng là điều nên làm khi mua đất. Có rất nhiều trường hợp giấy chứng nhận một đường nhưng thực tế người sử dụng lại ít hơn, có thể là do bị lấn chiếm, cũng có thể người chủ không để ý cứ sử dụng hết đời này sang đời khác. Cũng không ít trường hợp đất thực tế sử dụng nhiều hơn, khi mua đất không kiểm tra dẫn đến kiện tụng về sau.
Có thể thấy, Viện IMRIC và Viện IRLIE có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực thị trường, hoạch định chiến lược truyền thông, chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhâ, nhịp cầu nối xúc tiến đầu tư và xuất nhập khẩu…Trong khi đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) là tổchức chính trị xã hội nghề nghiệp có những luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật đã tư vấn cho doanh nghiệp, người dân và các tổ chức chính trị xã hội. Bởi, chúng tôi cho rằng tư vấn pháp luật không chỉ tư vấn kịp thời cho doanh nghiệp, người dân mà còn giúp chính họ trong việc trau dồi thêm kiến thức pháp lý.
Trong suốt thời gian qua, Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm đã trả lời nhiều thư, tư vấn pháp luật trực tuyến và trực tiếp như một việc làm trọng tâm rất thiết thực và bổ ích trong việc giải đáp, tháo gỡ, bằng các cuộc hội thoại, toạ đàm khoa học để tuyên truyền pháp luật đến với doanh nghiệp, người dân. Từ đây, họ đã hiểu thấu đáo, đã tìm được nhiều đáp án của nhiều vấn đề nan giải trong cuộc sống. Với sự đa dạng của đời sống xã hội, với rất nhiều chính sách, quy định mà chỉ những chuyên gia mới xâu chuỗi, kết nối và giải thích một cách đầy đủ, chính xác thì việc khởi tạo tư vấn pháp luật là hết sức hữu ích, đem lại giá trị phụng sự doanh nghiệp và người dân là một việc làm tuy nhỏ nhưng rất cụ thể.
Để có những giải đáp, trả lời chính xác, đó là sự chắt lọc của các chuyên gia, các nhà khoa học, những người nghiên cứu, những diễn giả đặc biệt đội ngũ luật sư và luật gia, các tư vấn viên, cọng tác viên tư vấn pháp luật bằng sự tâm huyết, chuyên nghiệp. Có những đêm, trăn trở với những vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp, người dân. Chúng tôi đã thức trắng để giải đáp và đồng thời nghiên cứu sâu hơn những vướng mắc mà pháp luật chưa điều chỉnh, bỏ ngỏ, từ đó kiến nghị các cơ quan lập pháp, hành pháp hoàn thiện pháp luật bám sát đời sống dân sinh.
Cam kết của Viện IMRIC và Viện IRLIE đặc biệt là Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm hoạt động chuyên nghiệp và luôn hướng đến cộng đồng, từ đó cam kết tiếp tục duy trì và phát triển các buổi toạ đàm khoa học, hội thoại trực tiếp, trực tuyến, trả lời đơn thư để phục vụ doanh nghiệp và người dân, đưa pháp luật vào cuộc sống một cách tự nhiên và uyển chuyển.
Văn Hải – Tuấn Tú (CTV TVVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)