Nhằm lan toả các mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp thành viên và các độc giả. Theo đó, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA); Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (VICRAFTS); Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam quan tâm, nhất là trong việc tuyên truyền Luật Hoà giải ở cơ sở; Luật Cư trú; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Giao thông đường bộ; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Đất đai; Luật Xây dựng; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật trẻ em; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo…
Cụ thể, vào sáng ngày 21/04/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) phối hợp Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến liên quan đến và một số vụ việc diễn ra trong thời gian gần đây như sữa giả, thuốc giả…Dưới góc nhìn chuyên gia nghiên cứu thị trường, truyền thôg và pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn đã thẳng thắn nhìn nhận, phân tích và đưa ra một số khuyến nghị…
Độc giả trăn trở: Làm và bán sữa giả là gián tiếp đẩy trẻ em, người già, người bệnh vào chỗ chết, không nên có bất cứ sự khoan hồng nào đối với tội ác này. Liệu những người nổi tiếng có vô can khi không biết rằng đang quảng cáo cho hàng giả?
Nhìn nhận, TS. Hồ Minh Sơn cho biết, với sự phát triển nhanh chóng của Internet đã tạo cơ hội cho thương mại điện tử phát triển, kéo theo đó là sự ra đời của hình thức tiếp thị trực tuyến, bán hàng phát sóng trực tiếp (livestream) với rất nhiều lợi thế cạnh tranh so với truyền thống như tính tương tác, tiện lợi, trực quan và chi phí thấp. Tuy nhiên, nó cũng có các nhược điểm như việc giám sát hành chính trở nên khó khăn, khó phân biệt hàng hóa thật giả, dẫn đến tình trạng hoạt động phi pháp, tội phạm phát sinh nhiều.
Qua theo dõi các cơ quan truyền thông, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 người về tội sản xuất, buôn bán hang giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả điều tra xác định, từ tháng 8-2021 đến nay, các bị can này đã thành lập 2 công ty để sản xuất, kinh doanh 573 nhãn hiệu sữa bột các loại và đã bán ra thị trường với doanh thu gần 500 tỉ đồng. Tương tự, vụ án sản xuất sữa bột giả vừa bị phanh phui tại Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma, Công ty dược dinh dưỡng Hacofood Group với 8 kẻ bị bắt và khởi tố một lần nữa gióng lên một hồi chuông báo động cho xã hội rằng sự an toàn tính mạng của hàng vạn, thậm chí hàng triệu người đang bị đe dọa.
TS. Hồ Minh Sơn nhìn nhận, dù chưa có kết luận nào từ phía cơ quan chức năng rằng ai đã quảng cáo các loại sữa giả trong đường dây trên. Mặc dù vậy, độc giả đã đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của những người tham gia quảng cáo sữa và sau đó bị cơ quan chức năng xác định đó là hàng giả (nếu có). Tuy nhiên, việc sản xuất, buôn bán bất kỳ mặthang giảnào cũng đã đáng bị lên án, nhưng với hành vi sản xuất, kinh doanh sữa giả thì đáng lên án nhất. Bởi, sữa giả không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể chất, sự phát triển của giống nòi, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng các bệnh nhân khi sữa giả, thuốc giả không bảo đảm về chất lượng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vi chất, không phù hợp với chế độ dinh dưỡng của người bệnh.
Điều đáng nói, các bị can vì tham lam do lợi nhuận lớn…Tuy nhiên, số vụ sản xuất, buôn bán sữa bột giả bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điều này, khiến không ai dám chắc nhiều loại sữa bột mà con em, người thân của mình, các bệnh nhân ung thư, tiểu đường… đang sử dụng hằng ngày có phải sản phẩm thật hay không, gây tâm lý bất an trong xã hội. Nguyên nhân của tình trạng sản xuất, buôn bán sữa giả trước hết là do các đối tượng không thượng tôn pháp luật, bất chấp đạo đức, đặt lợi nhuận lên trên hết, từ đó dùng mọi thủ đoạn tinh vi để sản xuất, kinh doanh sản phẩm giả nhằm kiếm lời. Thế nhưng, cũng không thể không nói đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Sữa, thuốc là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, kinh doanh sữa, kinh doanh thuốc tây là loại hình kinh doanh có điều kiện, thế nhưng hàng chục nghìn hộp sữa bột giả vẫn ngang nhiên “chui” vào các chợ, cửa hàng, bệnh viện hoặc bán trên các sàn thương mại điện tử trong suốt nhiều năm, TS. Hồ Minh Sơn nói.
Theo TS. Hồ Minh Sơn cho hay có thể thấy vẫn còn “lỗ hổng” pháp lý, trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát sản phẩm và thị trường. Để có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán sữa giả, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhất là trong khâu hậu kiểm nhằm bịt các “lỗ hổng” này. Đây không chỉ đơn thuần là vụ án kinh tế mà còn là tội ác nhằm vào sức khỏe, tính mạng con người. Làm giả mặt hàng nào cũng là cần nghiêm trị, nhưng làm giả thực phẩm, đặc biệt là sữa, thuốc tây là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu đối với trẻ em, người già, người bệnh; là tội ác tày trời, vì nạn nhân là những đối tượng yếu thế nhất trong cộng đồng. Nhiều người trong số họ sống dựa vào sữa, nếu nguồn dinh dưỡng chủ đạo này là chất độc thì khác nào đẩy họ đến cái chết.
Ví dụ: Thử hình dung những đứa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa còn non yếu, cơ thể đang trong giai đoạn phát triển quan trọng nhất, lại phải hấp thụ những ly sữa chẳng những không có dinh dưỡng mà còn chứa thành phần độc hại. Hậu quả thật khủng khiếp: Suy dinh dưỡng, chậm phát triển về thể chất và trí tuệ, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tử vong; Thử hình dung những cụ già và người mắc bệnh nặng do sức yếu nên không thể ăn uống bình thường, phải dựa vào sữa để cung cấp dưỡng chất, uống thuốc điều trị cho quá trình phục hồi. Sử dụng sữa giả, thuốc giả họ chẳng những không nhận được chất dinh dưỡng cần thiết mà còn có thể gặp biến chứng nặng, bệnh tật trầm trọng thêm do sức đề kháng vốn đã suy giảm. TS. Hồ Minh Sơn phân tích thêm sản xuất và buôn bán sữa giả, thuốc tây giả là gián tiếp tước đoạt cơ hội phát triển khỏe mạnh của trẻ em, cơ hội hồi phục của người già, người bệnh, gây ra những tổn thất không thể bù đắp cho gia đình và xã hội. Tác hại này, bất cứ ai cũng hiểu…chỉ những kẻ tham lam đến mức độc ác, táng tận lương tâm mới có thể nhúng tay vào việc sản xuất sữa bột giả.
Làm giả sữa bột, thuốc giả không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà là một tội ác mang tính hệ thống, có tổ chức và vô cùng tinh vi. Những kẻ phạm tội đã bất chấp đạo đức, lương tâm và pháp luật, trục lợi trên sự đau khổ và tính mạng của người khác. Nhắm vào nạn nhân yếu đuối, đầu độc họ bằng những thứ mang danh sản phẩm dinh dưỡng là tận cùng của sự vô nhân tính, không thể tìm ra bất kỳ lý do nào để biện minh. Có thể khẳng định, đây cũng là hình thức giết người gián tiếp, cần phải bị trừng trị ở khung hình phạt cao nhất, không nên có sự khoan hồng nào. Các vụ án sữa giả cũng là một bài học đắt giá cho người tiêu dùng về việc nâng cao ý thức cảnh giác, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng từ những nhà sản xuất uy tín, về việc trang bị kiến thức phân biệt hàng thật, hàng , bảo vệ bản thân và gia đình. TS. Hồ Minh Sơn cho biết, trường hợp có kết luận chính thức từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định sản phẩm xuất hiện trong quảng cáo là hàng giả thì việc quảng cáo là vi phạm pháp luật.
Dẫn chứng luật, căn cứ theo quy định tại Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, giá, công dụng… là hành vi bị nghiêm cấm. Người thực hiện hành vi trên sẽ bị phạt tiền 60-80 triệu đồng theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021. Bên cạnh đó, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo và buộc cải chính thông tin. Trường hợp hành vi quảng cáo gian dối gây hậu quả nghiêm trọng và người thực hiện đã bị xử phạt hành chính hoặc kết án trước mà vẫn tái phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 BLHS, TS. Hồ Minh Sơn nói.
Một vấn đề khác cũng được nhiều độc giả rất quan tâm đó là: Người nổi tiếng được nhãn hàng mời chào quảng cáo sản phẩm. Họ đã kiểm tra các giấy tờ về việc sản phẩm đã được cấp phép lưu hành và không thể biết trong sản phẩm thiếu các thành phần hoặc không có thành phần như trên giấy tờ thì họ có phải chịu trách nhiệm hay không khi cơ quan chức năng kết luận đó là hàng giả?
Dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng, căn cứ theo Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Qua đó, những người nổi tiếng như nghệ sĩ, KOL… khi tham gia quảng cáo sản phẩm được xem là bên thứ ba và phải tuân thủ đầy đủ ba (03) nghĩa vụ, cụ thể: Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp và chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan cho người tiêu dung; Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện để chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Nghĩa là kiểm chứng, xác minh tính chính xác của thông tin; Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, trong trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm giả mạo mà không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kiểm chứng, họ vẫn có thể bị xử lý theo các chế tài hành chính, yêu cầu bồi thường dân sự hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào hậu quả thực tế.
Nhận định thêm, TS. Hồ Minh Sơn còn cho rằng nghệ sĩ không chỉ đơn thuần là người đóng vai trò quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng mà còn là chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý độc lập nếu vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi quảng cáo. Việc không biết sản phẩm là hàng giả không tự động loại trừ trách nhiệm (trừ khi nghệ sĩ chứng minh được đã thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm chứng trước khi quảng cáo), dù pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về căn cứ, tiêu chí nhận diện, xác định biện pháp nghệ sĩ thực hiện để kiểm chứng, nhưng trong quá trình giải quyết, cơ quan chức năng sẽ xem xét và đánh giá toàn diện để xác định lỗi cố ý hay vô ý, mức độ lỗi, hành vi, hậu quả xảy ra.
Như vậy, nhằm tạo hiệu quả quảng cáo, nhiều công ty quảng cáo hoặc nhãn hàng có khuynh hướng “thổi phồng” công dụng của sản phẩm theo kịch bản. Nếu người nổi tiếng quảng cáo theo kịch bản mà biết rõ đang “thổi phồng” hoặc cố tình lờ đi để nói sai công dụng sản phẩm ghi trên hướng dẫn sử dụng thì họ vẫn có trách nhiệm trong việc quảng cáo sai sự thật. Người nổi tiếng là những người có sức ảnh hưởng rất lớn nên khi giới thiệu một sản phẩm nào đó, có thể gia tăng độ tin tưởng cho khách hàng rất cao. Số ít người nổi tiếng sẽ tự mình dùng thử sản phẩm, tự tìm hiểu sản phẩm để cân nhắc trước khi lựa chọn quảng cáo, số còn lại sẽ nhận quảng cáo theo giấy tờ, hợp đồng mà nhà sản xuất soạn sản. Người nổi tiếng có sức ảnh hưởng rất lớn và chỉ cần một lời nói của họ sẽ khiến rất nhiều người tin tưởng. Khi nhận quảng cáo một sản phẩm, dù nhà sản xuất đã cung cấp giấy tờ liên quan rõ ràng thì người nổi tiếng cần tự tìm hiểu thật kỹ về sản phẩm mình đại diện quảng cáo. Trong hợp đồng quảng cáo cần quy định rõ trách nhiệm liên quan nội dung quảng cáo thuộc về bên nhà sản xuất hay bên người nổi tiếng. Điều này, thể hiện, người nổi tiếng có trách nhiệm với cộng đồng và còn vì chính thương hiệu cá nhân mình. Trường hợp biết rõ người nổi tiếng có hành vi tiếp tay cho quảng cáo gian dối, ngoài các mức xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự thì cần có thêm cơ chế răn đe khác như bị cấm sóng một thời gian hoặc cấm sóng vĩnh viễn.
Qua theo dõi trên không gian mạng xã hội, ở Trung Quốc, hình thức bán hàng livestream của các KOLs được giám sát chặt chẽ và hình sự hóa sau khi họ xác định các rủi ro liên quan đến tội phạm từ hình thức bán hàng này. Điển hình, vào tháng 3/2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đã phát động chiến dịch “Chất lượng và an toàn tố tụng năm 2024”, nhằm trấn áp nghiêm khắc các loại tội phạm làm hàng giả, hàng kém chất lượng phổ biến, liên quan mật thiết đến tính mạng của người dân dưới các hình thức kinh doanh mới như tiếp thị trực tuyến và phát sóng trực tiếp. Trong quá trình phát trực tiếp bán hàng, vai trò của nền tảng trực tuyến không phải là nhà cung cấp với tư cách là nhà sản xuất hàng hóa cũng không phải là đội ngũ phát trực tiếp với tư cách là người bán hàng hóa. Thay vào đó, nó nên được hiểu là đơn vị xây dựng và duy trì lĩnh vực chia sẻ thông tin (tức là thị trường giao dịch trực tuyến). Khi người mua và người bán thực hiện giao dịch trên nền tảng trực tuyến, thực thể nền tảng sẽ thực hiện hai hành vi: một là thu thập dữ liệu thông tin; còn lại là giám sát an ninh mạng. Nếu nền tảng trực tuyến không hạn chế và giới hạn hai hành vi này thì có thể cấu thành tội hình sự…
Tại Trung Quốc, có ba (03) trường hợp như: Về mặt thu thập thông tin, các nền tảng trực tuyến thường thu thập và sắp xếp thông tin cá nhân của người dùng nền tảng thông qua việc thu thập dữ liệu hệ thống nội bộ, thu thập nguồn dữ liệu bên ngoài, chia sẻ đối tác dữ liệu, thu thập dữ liệu tự động và thu thập dữ liệu thô, qua đó cấp cho họ trạng thái và đủ điều kiện để duyệt và mua sắm trên nền tảng. Ví dụ, khi một công dân muốn mua sắm trên một nền tảng thương mại điện tử, trước tiên người đó phải đăng ký và đăng nhập vào tài khoản, sau đó điền các thông tin cơ bản cần thiết để mua hàng. Nhiều nền tảng thậm chí còn bổ sung chức năng xác thực tên thật. Do đó, khi thu thập dữ liệu thông tin, các nền tảng trực tuyến cần thực hiện các nghĩa vụ lưu trữ và bảo mật tương ứng. Nếu một nền tảng thương mại điện tử thu thập thông tin cá nhân của công dân bằng các biện pháp bất hợp pháp hoặc bán, cung cấp hoặc chia sẻ thông tin này với người khác mà không được phép, thì nền tảng trực tuyến, người giám sát trực tiếp chịu trách nhiệm và những người có trách nhiệm khác đều có thể phạm tội xâm phạm thông tin cá nhân của công dân; Về mặt giám sát mạng, các công ty nền tảng, với tư cách là đơn vị xây dựng nền tảng thương mại điện tử trực tuyến, phải có nghĩa vụ giám sát về an ninh thông tin, an ninh chất lượng và an ninh trật tự trong không gian ảo mà họ đã xây dựng; Về mặt pháp lý, có hai hình thức vi phạm chính đối với nghĩa vụ pháp lý này: thứ nhất, công ty nền tảng không giám sát các hoạt động bất hợp pháp trong nền tảng; Thứ hai, công ty nền tảng không có hành động gì để giải quyết các hoạt động bất hợp pháp hiện có.
TS. Hồ Minh Sơn phân tích, ở tình huống thứ nhất, để tránh hạn chế quá mức sức sáng tạo và phát triển của nền kinh tế nền tảng, Bộ luật Hình sự Trung Quốc có khoan hồng ở một mức độ nhất định đối với nhiều trường hợp thiếu trách nhiệm trong giám sát. Những hành vi như vậy thường bị xử phạt hành chính; Trường hợp thứ hai, công ty nền tảng từ chối thực hiện nghĩa vụ quản lý an ninh mạng khi biết rõ việc thiếu sự giám sát và có thể bị xử lý hình sự do cố ý chủ quan. Điều 286-1 Bộ luật Hình sự nước này quy định rằng nếu một nền tảng trực tuyến không thực hiện nghĩa vụ quản lý an ninh mạng thông tin theo quy định của pháp luật và các quy định hành chính, và từ chối thực hiện các biện pháp khắc phục sau khi được cơ quan quản lý yêu cầu, thì có thể cấu thành tội từ chối thực hiện nghĩa vụ quản lý an ninh mạng thông tin.
Khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp
Qua theo dõi trên không gian mạng xã hội, kết quả điều tra ban đầu, đường dây này đã sản xuất sữa giả trong thời gian dài, nhắm vào nhóm đối tượng tiêu dùng dễ tổn thương như trẻ em và người bệnh. Tổng doanh thu bất chính ước tính gần 500 tỷ đồng. Không chỉ vi phạm quy định về sản xuất và kinh doanh hàng giả là thực phẩm, các đối tượng còn hợp thức hóa dòng tiền, gian lận kế toán và có dấu hiệu trốn thuế, rửa tiền.
Đối với hành vi này có thể bị truy cứu theo Điều 193 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Mặt khác, nếu đủ căn cứ, các đối tượng còn có thể bị xử lý thêm các tội danh như trốn thuế, vi phạm kế toán, rửa tiền. Do vậy, chỉ một hành vi sai lệch trong quản lý sản phẩm cũng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến cộng đồng và đẩy cả hệ thống doanh nghiệp vào vòng lao lý.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất thường có ba nhóm rủi ro pháp lý trong quá trình vận hành, cụ thể là: Chất lượng hàng hóa: Nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn công bố, quảng cáo sai sự thật hoặc không đảm bảo an toàn – dù không có yếu tố cố ý – vẫn có thể bị xử lý về hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả; Chuỗi phân phối liên đới: Các đại lý, nhà thuốc, siêu thị, chuỗi cung ứng nếu không kiểm soát rõ ràng nguồn gốc và chất lượng sản phẩm có thể trở thành đối tượng liên quan trong quá trình điều tra, truy tố; Vi phạm tài chính – kế toán: Báo cáo sai lệch, gian lận dòng tiền, “lách” thuế hay chi phí ảo đều là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Chia sẻ thêm, TS. Hồ Minh Sơn cho hay doanh nghiệp cần rà soát lại toàn bộ quy trình công bố, quảng cáo, phân phối – đặc biệt với sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng; Thiết lập bộ phận kiểm soát tuân thủ nội bộ, phối hợp giữa pháp chế, kế toán và điều hành và nên tham vấn luật sư định kỳ để cập nhật các rủi ro tiềm ẩn, điều chỉnh kịp thời. Nếu doanh nghiệp ‘sai một ly, đi một dặm’ không chỉ mang tính đạo lý, mà còn phản ánh chính xác hậu quả pháp lý. Doanh nghiệp và người lãnh đạo không nên đánh cược tương lai bằng sự chủ quan hay những tính toán ngắn hạn. Pháp luật không chỉ xử lý khi vi phạm xảy ra, mà còn là công cụ để doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro và phát triển bền vững. Việc chủ động xây dựng nền tảng quản trị pháp lý vững chắc không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại và trưởng thành trong môi trường ngày càng siết chặt về pháp lý và đạo đức kinh doanh.
Khuyến nghị về quyền lợi của người tiêu dùng?
Thông qua những vụ việc trên, người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại thông qua các bước như khởi kiện đối với công ty hoặc đại lý phân phối, yêu cầu hoàn tiền hoặc bồi thường chi phí điều trị (nếu có). Kiện theo dân sự: Nếu sản phẩm gây thiệt hại sức khỏe, người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường chi phí y tế, thậm chí thiệt hại tinh thần. Bên cạnh kiện công ty sản xuất, các đại lý phân phối cũng có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại lý phải nhận khiếu nại và xử lý yêu cầu trả lại sản phẩm hoặc bồi thường nếu sản phẩm bị lỗi. Người tiêu dùng có quyền khiếu nại đại lý, khởi kiện công ty hoặc yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ quyền lợi của mình.
TS. Hồ Minh Sơn nhận định, quy định của pháp luậtthì người tiêu dùng có quyền yêu cầu hoàn tiền hoặc bồi thường thiệt hại do mua phải các sản phẩm sữa giả. Nếu giữa các bên có liên quan không thể tự thỏa thuận, thống nhất được cách thức giải quyết thì người tiêu dùng có quyền tự mình hoặc thông qua Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để khởi kiện tại Tòa án có thẩm, yêu cầu Tòa án giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định pháp luật.
Với hơn 600 sản phẩm sữa bị phát hiện là giả, không kiểm nghiệm chất lượng, không đạt tiêu chuẩn công bố, mà vẫn được bán ra thị trường với vỏ hộp bắt mắt, quảng cáo rầm rộ. Chủ doanh nghiệp sản xuất đã bị bắt, song trách nhiệm không thể chỉ dừng ở đó. TS. Hồ Minh Sơn khẳng định căn cứ theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đại lý, nhà phân phối – những đơn vị trực tiếp bán hàng ra thị trường – cũng phải chịu trách nhiệm tiếp nhận khiếu nại, hỗ trợ hoàn trả, bồi thường thiệt hại. Việc nhiều đại lý từ chối trách nhiệm, phủi tay với lý do “hàng đã bán không hoàn lại” là hành vi vi phạm pháp luật. Song song đó, vụ việc cũng cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm sữa trên thị trường. Chắc chắn rằng, cơ quan chức năng không thể chỉ xử lý sự việc khi hậu quả đã xảy ra. Vụ sữa giả cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong khâu kiểm soát và hậu kiểm thị trường. Đã đến lúc phải siết chặt quản lý, công khai danh sách vi phạm và thiết lập cơ chế khiếu nại để bảo vệ người tiêu dùng…
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất, những người có tầm ảnh hưởng (sở hữu từ 500.000 lượt theo dõi trở lên trên tài khoản mạng xã hội) cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về quảng cáo. Họ phải cung cấp bằng chứng xác thực về việc đã trực tiếp sử dụng sản phẩm được quảng cáo…
CTV TVPL Ngọc Danh – Văn Hải (Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)