Có thể thấy, trong thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều vụ việc làm giả giấy tờ của các cơ quan, tổ chức đã được điều tra, đưa ra xét xử với mức hình phạt thích đáng…
Một người dân cư trú tại chung cư TDH toạ lạc tại phường Trường Thọ, Thành phố Thủ Đức đã gọi điện và gửi đến Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập ‘IRLIE’ và Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế ‘IMRIC’, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm ‘TTLCC’ để thông báo về việc có một xe ô tô mang biển kiếm soát 60K – 291.57 sử dụng giấy ra vào cơ quan của đơn vị chúng tôi
Cụ thể, ngày 15/04/2024 vừa qua, một người dân cư trú tại chung cư TDH toạ lạc tại phường Trường Thọ, Thành phố Thủ Đức đã gọi điện và gửi đến Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập ‘IRLIE’ (www.chinhsachphapluat.vn ) để thông báo về việc có một xe ô tô mang biển kiếm soát 60K – 291.57 sử dụng giấy ra vào cơ quan của đơn vị. Theo đó, chúng tôi cử cán bộ viện theo dõi và được biết không những Viện IRLIE bị làm giả giấy ra vào cơ quan nêu trên mà Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế ‘IMRIC’ (www.huongnghiepthitruong.vn) cũng bị làm giả…Điều đáng nói, Nhà báo Hoàng Thanh Quý – Viện trưởng Viện IRLIE vì điều kiện riêng nên đã xin thôi nhiệm vụ và được Hội đồng khoa học viện miễn nhiệm vào ngày 30/03/2023 thế nhưng giấy trên được ký ngày 01/06/2023. Đặc biệt, giấy này có hiệu lực 5 năm (từ ngày 01/06/2023 đến ngày 01/06/2028)…Thiết nghĩ, nếu Viện IRLIE và Viện IMRIC cấp giấy cho cán bộ viên chức viện ra vào trụ sở chỉ giới hạn 06 tháng đối với các cán bộ cấp Trung tâm và các doanh nghiệp thành viên, 12 tháng đối với khối hành chính sự nghiệp…Chúng tôi đã liên hệ và yêu cầu chủ phương tiện mang biển kiểm soát 60K – 291.57 ban đầu cho rằng mình sử dụng đúng, sau khi chúng tôi yêu dừng sử dụng ngay, thì chủ phương tiện trên đã cam kết sẽ tháo bỏ và không sử dụng…Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và sẽ chính thức có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông tại tỉnh Đồng Nai và giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) khởi kiện chủ phương tiện trên và tất cả các phương tiện sử dụng giấy tờ giả đến Toà án nhân dân các cấp.
Để ngăn chặn, xử lý các đối tượng làm và sử dụng giấy tờ giả, Viện IRLIE và Viện IMRIC hiện đã có biện pháp đấu tranh quyết liệt. Trong thời đại công nghệ 4.0, bên cạnh những mặt tích cực rõ ràng trên mọi lĩnh vực của đời sống, thì những mặt trái của xã hội cũng gia tăng. Một trong những hạn chế đó chính là vấn nạn giấy tờ giả có thể có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, qua mặt các lực lượng chức năng. Các đối tượng làm giả giấy tờ hiện nay sử dụng thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại nên “sản phẩm” hết sức tinh vi, từ dấu giáp lai, dấu nổi cho đến dấu chìm trên giấy đều rất giống con dấu thật.
Trước thực trạng mua bán, sử dụng giấy tờ giả ngày càng gia tăng, phức tạp, ThS Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng Thường trực Viện IRLIE, cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ của viện và đơn vị trực thuộc là Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm ‘TTLCC’ (www.thamvanphapluat.vn) là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, chúng tôi đề xuất tới các cơ quan quản lý nhà nước nhất là lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn cả nước khi phát hiện cần tạm giữ phương tiện để xác minh làm rõ. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp trên tinh thần cầu thị để tăng cường hơn công tác quản lý việc sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.
Tương tự, ThS Mai Thanh Hải – Phó viện trưởng Viện IMRIC cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, người tham gia giao thông để nâng cao ý thức, không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả. ThS Hải còn khuyến cáo người dân, doanh nghiệp, người tham gia giao thông không mua bán trái phép các giấy tờ liên quan trên…để tránh bị đối tượng xấu lợi dụng nhằm mục đích thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Qua đó, việc chủ phương tiện sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào sai mục đích có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự. Tình trạng một số chủ phương tiện giao thông sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào các trụ sở của viện sai mục đích hoặc làm giả các loại giấy tờ để đối phó với việc kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông của lực lượng chức năng không hề hiếm.
Chia sẻ với chúng tôi, TS Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLIE, Viện trưởng Viện IMRIC khẳng định pháp luật hiện hành hiện chưa có quy định chung, thống nhất về việc cấp và sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào trụ sở của các cơ quan, tổ chức. Vì lẻ đó, vấn đề này vẫn chủ yếu dựa vào nội quy, quy định của các cơ quan và loại giấy phép này cũng chỉ có hiệu lực đối với việc ra vào trụ sở của các cơ quan, tổ chức đã ban hành. Logo, phù hiệu, giấp phép ra vào trụ sở cũng có thể được các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp ngắn hạn cho các phương tiện phục vụ cho các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội nhất định và sẽ hết giá trị khi kết thúc sự kiện đó. Chúng hoàn toàn không có giá trị pháp lý khi kiểm tra và xử lý vi phạm ATGT.
Như vậy, việc chủ phương tiện nêu trên sử dụng logo, phù hiệu, giấy phép ra vào sai mục đích nhằm đối phó việc kiểm tra, xử lý vi phạm về ATGT của lực lượng chức năng đã gây khó khăn cho việc kiểm tra và xử lý vi phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan liên quan. Do vậy, cần có những biện pháp để hạn chế hiện tượng này
TS Hồ Minh Sơn cho biết, việc tổ chức hay cá nhân thực hiện làm, cấp giả để người sử dụng giấy tờ không đúng quy định, giấy tờ giả nhằm hợp thức hoá thủ tục để được qua chốt của lực lượng chức năng vì lợi ích cá nhân ngoài việc bị xử phạt hành chính thì họ còn có thể bị xử lý hình sự về hành vi vi phạm của mình. Ở trường hợp này, người sử dụng giấy đi đường, trường hợp biết đây là giấy không đúng nhưng vẫn dùng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng có thể bị xử lý hình sự về hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức theo Điều 341, Chương XXII, Bộ Luật hình sự năm 2015.
Căn cứ vào Điều 341, Chương XXII, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm; Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm, ông Sơn dẫn chứng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Căn cứ tại Điều 359, Mục 1, Chương XXIII, Bộ luật Hình sự 2015 về Tội giả mạo trong công tác gồm: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 2 giấy tờ giả đến 5 giấy tờ giả, ông Sơn thông tin.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 5 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả; Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên; Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, Ông Hồ Minh Sơn dẫn chứng thêm.
Nhấn mạnh về điều này, ông Sơn cho hay: “Đối chiếu các quy định nêu trên, dựa vào quá trình xác minh, điều tra, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện các biện pháp xử lý tổ chức, cá nhân nếu có hành vi vi phạm làm giả, cấp sai đối tượng về giấy đi đường. Đây là trường hợp có thể quy kết vào tội “Làm giả mạo trong công tác”; “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tương ứng với hành vi vi phạm sẽ ứng với mức xử lý, xử phạt cụ thể. Trên đây là ý kiến giải đáp mang tính tham khảo, trường hợp cần thiết”.
Tin rằng, mỗi người dân, doanh nghiệp cần có ý thức phối hợp với lực lượng chức năng trong đấu tranh đẩy lùi tội phạm về giấy tờ giả. Thông qua việc tích cực tuyên truyền cho gia đình, người thân chủ động phòng ngừa tội phạm, nêu cao cảnh giác, không mắc bẫy lừa đảo, hay không nghe lời dụ dỗ để trở thành tội phạm mua bán, sử dụng giấy tờ giả. Ngoài ra, tích cực lên án hành vi vi phạm pháp luật về giấy tờ giả, tham gia tố giác những thông tin liên quan đến tội phạm làm, mua, bán, sử dụng giấy tờ giả cho cơ quan Công an…
Viện IRLIE, Viện IMRIC và Trung tâm TTLCC cho rằng, tình trạng mua bán giấy tờ giả gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tác động xấu đến nhiều hoạt động xã hội của đơn vị. Ngoài hành vi làm giả các loại giấy tờ để trục lợi, một số người vì lợi ích cá nhân mà bất chấp sử dụng các loại giấy tờ giả. Hành vi này phải được xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Hồ Vĩnh Chung – Vương Quốc Minh