Mới đây, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) nhận được đơn yêu cầu tham vấn pháp lý của cộng đồng doanh nghiệp thành viên về tham vấn pháp lý liên quan đến tài sản chung trong giai đoạn ly hôn và vay ngân hàng nếu không trả có bị xử phạt dân sự hay hình sự…
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau: Hôn nhân đổ vỡ là điều không mong muốn nhưng thực tế luôn xảy ra và vấn đề nhiều người quan tâm khi ra tòa là phân chia tài sản, trong đó có phân chia sổ tiết kiệm. Đồng thời, vay nợ rồi ‘bùng nợ’ ngân hàng có thể sẽ bị xử phạt về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mức phạt cao nhất lên đến 20 năm tù…
Sổ tiết kiệm có phải chia đôi sau khi vợ chồng ly hôn
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, nếu sổ tiết kiệm đứng tên vợ hoặc chồng nhưng được mở trong thời kỳ hôn nhân do cả vợ và chồng cùng nhau đóng góp thì đây được xác định là tài khoản chung, khi ly hôn sẽ được chia đôi.
Điển hình, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Do vậy, nếu ly hôn, theo quy định pháp luật thì về nguyên tắc tài sản sổ tiết kiệm sẽ được chia đôi.
Căn cứ Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định sổ tiết kiệm sẽ là tài sản riêng nếu vợ hoặc chồng có thể chứng minh được toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm đó là của riêng, được hình thành từ các nguồn như được thừa kế riêng, tặng cho riêng hay được chia riêng trong thời kỳ hôn nhân và không có thỏa thuận nhập số tiền đó vào khối tài sản chung, thì sẽ không bị chia khi giải quyết ly hôn.
Vì vậy, sổ tiết kiệm được mở trong thời kỳ hôn nhân sẽ được phân chia bằng nhau. Cả vợ và chồng đều được hưởng lợi khi chia sổ tiết kiệm này. Ngược lại nếu sổ tiết kiệm là của riêng vợ hoặc chồng, nếu chứng minh được là tài sản riêng thì phần tài sản này sẽ không bị chia khi ly hôn.
Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn: Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó. Nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết. Trong đó, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Ngoài ra, tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị. Bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch; Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.
Vay nợ rồi ‘bùng nợ’ ngân hàng có vi phạm pháp luật
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận của các bên, bên vay giao tài sản cho bên cho vay và khi đến thời hạn trả nợ thì bên vay có nghĩa vụ hoàn trả cho bên vay đúng số tiền đã nhận cùng với lãi suất (nếu có).
Căn cứ theo Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên cho vay, bên vay có nghĩa vụ trả đủ tiền khi đến hạn, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì bên vay có nghĩa vụ phải trả đủ lãi.
Trong trường hợp đến hạn trả nợ mà bên vay không trả nợ được thì hai bên có thể thỏa thuận, về việc gia hạn khoản vay cũng như là số tiền chậm trả, hay lãi suất quá hạn. Vì lẻ đó, người đi vay tiền có nghĩa vụ phải trả nợ đúng hạn cho bên cho vay khi đến thời hạn do các bên thỏa thuận trong hợp đồng vay. Quan hệ vay tiền có thể được xác lập bằng cách lập thành văn bản, xác lập bằng lời nói hoặc bằng hành vi đều được.
Căn cứ theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có quy định, người không có khả năng chi trả mà bùng nợ có thể sẽ bị xử phạt về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Mức phạt đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể cao nhất lên đến 20 năm tù.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tùy vào mức độ vi phạm. Mặt khác, người cố tình vay tiền để bùng nợ có thể bị xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về mức phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017), mức phạt cao nhất lên đến tù chung thân.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Cùng với đó, đối với những người kích động, xúi giục, chỉ cách lừa đảo hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.
Từ trái qua, Ông Trương Tấn Trung – Phó Chánh Văn phòng Viện IMRIC, ThS Nguyễn Thành Hưng – PGĐ Trung tâm TTLCC, Giám đốc Chi nhánh số 1 (thuộc Trung tâm TTLCC); Luật sư Phạm Lan Thảo – Trung tâm TTLCC và TS Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLIE, Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm TTLCC; Nhà báo Hồ Phú Quốc Cương tham gia tham vấn pháp lý trực tuyến tại Trung tâm TTLCC.
Thực hiện chức năng nhiệm vụ của Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) dưới sự chỉ đạo và giám sát của Viện IMRIC và Viện IRLIE. Theo đó, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm khoa học nhằm phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật và kỹ năng sống cho sinh viên, học sinh, doanh nghiệp, đặc biệt người đang chấp hành hình phạt tù về các nội dung các quy định về quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong án phạt tù theo Nghị định 80/2011/NĐ-CP…Từ đó, cho thấy công tác truyền thông phổ biến pháp luật rất cần thiết và phải thực hiện thường xuyên…Ngoài ra, còn tư vấn pháp luật trực tiếp tại trụ sở, tại các doanh nghiệp liên quan đến tranh chấp đất đai, thế chấp tài sản, chính sách thai sản; tư vấn qua điện thoại về các lĩnh vực đất đai, tranh chấp tài sản, hôn nhân gia đình, thừa kế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại các phiên toà ở các địa phương…
Văn Hải – Vương Minh