Mới đây, một số doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE thuộc Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) thành lập và các phóng viên thuộc Câu lạc bộ báo chí truyền thông và Pháp luật thuộc Viện IRLIE đã nhờ tham vấn pháp lý liên quan đến CCCD và ATTTGT…
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau: Nhiều khách sạn hiện nay vẫn có thói quen giữ căn cước công dân của khách hàng để đảm bảo việc thanh toán hoặc vì lý do an ninh, vậy hành động này là đúng hay sai?. Đồng thời, khi phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thì công an xã/phường được xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhà nghỉ, khách sạn có được giữ căn cước công dân
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo Điều 44, Nghị định 96/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Qua đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú, gồm một trong các loại giấy tờ như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú (đối với người nước ngoài), các loại giấy tờ có dán ảnh do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cấp. Đồng thời, ghi đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý (hoặc nhập đầy đủ thông tin vào máy tính) trước khi cho khách vào phòng nghỉ. Bên cạnh đó, chủ hoặc nhân viên nhà nghỉ, khách sạn chỉ được kiểm tra thẻ căn cước công dân của khách thuê phòng để lấy thông tin và ghi vào sổ quản lý, chứ không có quyền giữ luôn căn cước công dân của khách.
Căn cứ theo quy định tại Điều 7, Luật Căn cước công dân mới nhất cũng nghiêm cấm hành vi thu giữ thẻ căn cước công dân trái quy định của pháp luật. Nghị định số 144/2021 cũng quy định, phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng đối với hành vi chiếm đoạt, sử dụng chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy xác nhận số chứng minh nhân dân của người khác.
Căn cứ tại Điều 28, Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định rất rõ, thẻ căn cước công dân chỉ bị tạm giữ trong 02 trường hợp: Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Thẩm quyền tạm giữ thẻ căn cước công dân thuộc cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trong thời gian bị tạm giữ, công dân được cơ quan tạm giữ cho phép sử dụng thẻ căn cước công dân của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.
Công dân được trả lại thẻ căn cước công dân khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Công an xã có được xử phạt vi phạm nồng độ cồn?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ khoản 2 Điều 33 Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ của công an xã như sau: Bố trí lực lượng, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ theo kế hoạch.
Xử lý vi phạm theo thẩm quyền; thống kê, báo cáo các vụ, việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ; kết quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ theo sự phân công trong kế hoạch.
Trường hợp không có lực lượng cảnh sát giao thông đi cùng thì công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành và báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho lực lượng cảnh sát giao thông.
Công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã và đường khác thuộc địa bàn xã quản lý. Công an xã được xử lý khi phát hiện người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe thô sơ có các hành vi vi phạm về lỗi không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người; chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước; dừng, đỗ xe; phóng nhanh, lạng lách, đánh võng; không có gương chiếu hậu ở bên trái; sử dụng ô (dù); chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện hoặc phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về TTATGT, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Trong quá trình giải quyết, xử lý các vụ việc vi phạm nêu trên, nếu phát hiện vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.
Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA đã liệt kê các lỗi vi phạm giao thông cụ thể mà công an xã được giải quyết khi tham gia hỗ trợ tuần tra, kiểm soát. Trong các lỗi vi phạm này, không có lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Thế nhưng, theo Thông tư 32/2023/TT-BCA cũng quy định trường hợp, công an xã phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về TTATGT, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thì được xử lý theo quy định của pháp luật.
Do đó, trong quá trình được giao nhiệm vụ hỗ trợ tuần tra kiểm soát giao thông, nếu phát hiện người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn mà có hành vi vi phạm nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thì công an xã được xử lý bằng cách lập biên bản vi phạm và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.
Viện IMRIC và Viện IRLIE xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) cho người dân, doanh nghiệp, học sinh có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) ngay từ khi đi vào hoạt động đặc biệt quan tâm, thực hiện linh hoạt bằng nhiều hình thức TTPBPL...
Việc thường xuyên tổ chức tư vấn gồm tư vấn các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp cùng các văn bản pháp luật như: Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình và các văn bản pháp luật có liên quan khác khác…Trung tâm TTLCC còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích, hướng dẫn những quy định pháp luật của Nhà nước; tổ chức khảo sát, toạ đàm, hội thoại khoa học tại các địaphương, Doanh nghiệp; cung cấp tài liệu văn bản pháp luật mới, xây dựng tình huống pháp luật trong hòa giải ở cơ sở; tạo điều kiện cho công nhân, người lao động tìm hiểu, nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật, góp phần định hướng xây dựng người lao động sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Viện IMRIC và Viện IRLIE giao Trung tâm TTLCC thực hiện, các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật chọn công tác tuyên trực tuyến, trực tiếp, để người dân, doanh nghiệp và học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT năm học 2024-2025. Tại các buổi TTPBPL, cácluật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật còn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đường bộ, văn hóa giao thông; ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân khi tham gia giao thông cũng như thông tin về tình hình tai nạn giao thông hiện nay, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Cùng với việc nâng cao chất lượng tuyên truyền, các luật sư của Trung tâm TTLCC ứng dụng thực tiễn từ những phiên toà, từ đó công tác TTPBPL về giao thông luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong mỗi người.
Như vậy, việc tuyên truyền được Viện IMRIC phối hợp với Viện IRLIE giao Trung tâm TTLCC thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức…Từ những việc làm này, mong muốn mọi người dân có ý thức hơn trong việc chấp hành việc đi đúng phần đường, không chở quá số người quy định, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…Thực tế cho thấy, thời gian qua, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong người dân, các chủ cơ sở lưu trú đã có những chuyển biến tích cực…Do vậy, để học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về trật tự ATGT, rất cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa giữa các cấp chính quyền, các cơ sở lưu trú và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc nâng tầm công tác TTPBPL...
Văn Hải – Tuấn Tú (Tư vấn viên pháp luật thuộc Trung tâm TTLCC)