Mới đây, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) đã nhận được một số yêu cầu hỗ trợ pháp lý liên quan đến Bộ luật Dân sự 2015. Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn xin trả lời sau: Việc mở tài khoản ngân hàng yêu cầu người mở phải trực tiếp tham gia và ký xác nhận, cũng như cung cấp giấy tờ tùy thân của chính họ. Cùng với đó, trong trường hợp bị người khác lấy cắp thông tin căn thẻ căn cước hay căn cước công dân để vay nợ thì bạn không phải trả nợ…
Chồng cầm CCCD của vợ đi mở tài khoản ngân hàng được không?
Nguyên nhân không thể nhờ người khác mở tài khoản ngân hàng hộ:
– Do quy định của ngân hàng: Mỗi ngân hàng có các quy định nghiêm ngặt riêng để bảo vệ thông tin cá nhân. Và một trong những quy định đó là ngân hàng sẽ yêu cầu bạn phải tự xác nhận giấy tờ và thông tin cá nhân.
– Nhận diện khuôn mặt của chủ thẻ: Khi bạn đăng ký mở thẻ, nhân viên ngân hàng sẽ so sánh khuôn mặt trong giấy tờ tùy thân của bạn (như chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân) với khuôn mặt của người đến mở thẻ. Nếu không khớp, họ sẽ không đồng ý làm thẻ.
– Nhận diện chữ ký chính chủ: Bạn cần phải ký tên trực tiếp để ngân hàng lưu giữ chữ ký. Chữ ký này sẽ được dùng để đối chiếu trong các lần giao dịch sau. Do đó, người khác không thể ký thay bạn khi mở thẻ. Tốt nhất, bạn nên tự mở thẻ để bảo mật thông tin.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 16/2020/TT-NHNN thì hồ sơ mở tài khoản thanh toán của cá nhân gồm có: Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán lập theo mẫu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này; Các giấy tờ tùy thân bao gồm thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hoặc giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi và chưa có hộ chiếu); thị thực nhập cảnh còn thời hạn hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh (đối với cá nhân là người nước ngoài), trừ trường hợp cá nhân là người nước ngoài mở tài khoản thanh toán theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Thông tư này; Trường hợp cá nhân mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật (sau đây gọi chung là người đại diện theo pháp luật của cá nhân)…
Căn cứ tại điểm a, b khoản 1 Điều này, hồ sơ mở tài khoản thanh toán phải có thêm: Trường hợp người đại diện theo pháp luật là cá nhân: giấy tờ tùy thân của người đại diện theo pháp luật của cá nhân và các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của người đó đối với cá nhân mở tài khoản thanh toán; Trường hợp người đại diện theo pháp luật là pháp nhân: Quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật; các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của pháp nhân đó đối với cá nhân mở tài khoản thanh toán; giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện hợp pháp của pháp nhân đó.
Tại Khoản 5 Điều này có quy định về thủ tục mở tài khoản như sau: Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đảm bảo thu thập mẫu chữ ký, chứng thư số (nếu có) của chủ tài khoản hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản và những người khác có liên quan (nếu có), mẫu dấu (nếu có, đối với chủ tài khoản là tổ chức) để kiểm tra, đối chiếu trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.
Vì vậy, khi mở tài khoản ngân hàng cho cá nhân nào thì chính cá nhân đó phải là người thực hiện thủ tục, có mẫu chữ ký của người chủ tài khoản (trừ trường hợp mở thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật).
Bạn mượn căn cước công dân đi vay, mình có phải trả nợ?
Căn cứ tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Do đó, việc vay nợ chỉ được xác lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên dưới tinh thần tự nguyện.
Trong trường hợp bản thân bị người khác lấy cắp thông tin căn thẻ căn cước hay căn cước công dân để vay nợ nhưng trên thực tế không thực hiện giao dịch vay tiền, không nhận tiền vay thì không có nghĩa vụ phải trả nợ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người bị lấy cắp thông tin phải chứng minh được bản thân không phải là người thực hiện việc vay tiền.
Đồng thời, đối với việc người lấy thông tin căn cước công dân, thẻ căn cước, giả chữ ký của người khác nhưng tổ chức cho vay tín dụng vẫn cho vay. Việc này nếu người dân phát hiện bản thân không vay, không ký thì có ý kiến với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vì việc này có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần làm rõ, việc có hay không có nhân viên tín dụng thông đồng với bên vay làm giấy tờ giả để nhanh chóng giải ngân. Trên thực tế rất nhiều trường hợp như thế này xảy ra.
Căn cứ theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2020/TT-BCA để được cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như đưa ra phương án xử lý với người lấy cắp thông tin. Riêng trường hợp giấy tờ nhân thân bị rơi, mất thì phải nhanh chóng thông báo với cơ quan có thẩm quyền về việc làm rơi, mất giấy tờ nhân thân của mình. Trong trường hợp giấy tờ chứa thông tin cá nhân bị đánh rơi, mất thì phải thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Trong đó, hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác không đúng mục đích hoặc không có sự đồng ý của chủ thể, có thể sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 điều 84 nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi nghị định 14/2022/NĐ-CP). Song song đó, phải chịu thiệt hại do hành vi tự ý chiếm giữ và sử dụng thông tin căn cước công dân để vay tiền, người dân có thể khởi kiện người đó yêu cầu bồi thường thiệt hại theo khoản 1 điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.
LG. Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng Viện IRLIE, GĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn