Ngày 06/01/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến cho các doanh nghiệp thành viên và doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE.
Tại buổi tham vấn, các doanh nghiệp nêu một số việc liên quan: Lợi dụng quyền tố cáo, đã có những vụ việc người tố cáo cố tình bịa đặt, đưa ra những thông tin không đúng làm ảnh hưởng đến người bị tố cáo. Xin cho biết trường hợp này theo quy định pháp luật người tố cáo bị xử lý như thế nào?. Đồng thời, việc cung cấp tài khoản ngân hàng cho người khác sử dụng có thể bị phạt đến 100 triệu đồng hoặc án tù lên đến 7 năm. Liệu, đây có phải là hành vi tiếp tay cho các hoạt động tội phạm như lừa đảo, rửa tiền và có những rủi ro pháp lý nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và danh dự của người vi phạm như thế nào?.
Dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tham vấn như sau:
Tố cáo sai sự thật bị xử lý như thế nào?
Căn cứ vào Điều 8 Luật Tố cáo, người tố cáo cố tình bịa đặt, đưa ra những thông tin không đúng sự thật sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Trong đó, quy định những hành vi bị cấm, trong đó có hành vi “cố ý tố cáo sai sự thật”, “đưa tin sai sự thật về việc tố cáo”.
Tại Điều 65 Luật Tố cáo quy định về xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo và những người khác có liên quan, như sau: “Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ tại Điều 9 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH ngày 18/8/2022 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, quy định hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.
Tại khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có hành vi tố cáo sai sự thật phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra: Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Người tố cáo cố tình bịa đặt, đưa ra những thông tin không đúng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hành vi vu khống người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù với mức thấp nhất là 3 tháng, cao nhất là 7 năm.
Cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Cho thuê tài khoản ngân hàng có thể bị phạt tới 100 triệu đồng và 7 năm tù?
Hiện nay, trên các mạng xã hội và diễn đàn trực tuyến, việc rao bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đang trở thành một “chợ đen” sôi động. Các đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đặc biệt là những người gặp khó khăn tài chính hoặc các bạn trẻ chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật, để dụ dỗ họ tham gia vào những hoạt động phi pháp. Những lời mời chào hấp dẫn thường đi kèm với các khoản tiền hoa hồng dễ dàng, khiến không ít người bị lôi kéo mà không lường trước được những hậu quả pháp lý nặng nề.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi mua bán, cho thuê hoặc cho mượn tài khoản ngân hàng là hành vi bị nghiêm cấm.
Cụ thể, theo Khoản 5 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ và số lượng tài khoản liên quan.
Đối với việc cho thuê, mượn từ 1 đến dưới 10 tài khoản, mức phạt hành chính là từ 40 triệu đến 50 triệu đồng. Nếu số lượng tài khoản từ 10 trở lên, mức phạt sẽ tăng lên từ 50 triệu đến 100 triệu đồng.
Căn cứ Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định đây là hành vi phạm pháp nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự. Người vi phạm không chỉ bị phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ, mà còn có thể đối mặt với án tù lên đến 7 năm. Mặt khác, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm các chức vụ quan trọng hoặc bị tịch thu tài sản.
Như vậy, việc cung cấp tài khoản ngân hàng không chỉ gây rủi ro pháp lý cho chính chủ tài khoản mà còn khiến họ trở thành mục tiêu của các hoạt động lừa đảo tinh vi. Các đối tượng xấu có thể sử dụng tài khoản để nhận tiền từ các hành vi phi pháp, khiến chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị nhằm tự bảo vệ bản thân, người dân cần nâng cao cảnh giác và không chia sẻ thông tin cá nhân, nhất là mật khẩu tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, cần tránh nhấp vào các đường link lạ hoặc không rõ nguồn gốc và thường xuyên kiểm tra sao kê giao dịch để kịp thời phát hiện các hoạt động đáng ngờ”. Song song đó, người dân không tham gia vào bất kỳ giao dịch mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng nào và phải tự bảo quản thông tin tài khoản của mình. Ngay khiphát hiện các giao dịch bất thường, người dân nên liên hệ ngay với ngân hàng để được hỗ trợ. Từ đó, tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của bản thân mà còn góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm, xây dựng một môi trường tài chính an toàn, lành mạnh hơn.
Văn Hải – Tuấn Tú (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)