Như chúng ta biết, lực lượng QLTT là một lực lượng có vị trí, chức năng hết sức quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta “là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tuy nhiên, vào hồi tháng 7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Quỳnh Phụ bắt tạm giam một nữ cán bộ công tác tại Đội QLTT số 3 – Cục QLTT tỉnh Thái Bình để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Hay tháng 6 vừa qua, ông Trần Văn Thăng, từng là quyền Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh Bình Thuận) bị đưa ra xét xử vì nhận hối lộ của các hộ kinh doanh làm gạch ngói ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam.
Điển hình, qua theo dõi các cơ qua truyền thông báo chí như: Báo Giao Thông, Báo Công Lý và Báo Công an Nhân dân có đăng tin “Một cán bộ quản lý thị trường ở Sóc Trăng bị tố xin tiền chủ cây xăng”. Nội dung bài báo cho biết ông NNH, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng nói rằng đơn vị vừa họp cấp ủy và thống nhất quan điểm xác minh làm rõ tin nhắn cùng đoạn ghi âm có nội dung xin doanh nghiệp (chủ cây xăng) hỗ trợ tiền đi khám bệnh.
Theo các cơ quan thống tấn báo chí trên nêu: Người bị nghi vấn nhắn và gọi điện cho doanh nghiệp là ông ĐCH, Đội phó Đội QLTT số 3. Trong đoạn ghi âm về việc xin hỗ trợ chi phí khám bệnh, ông H được cho là nhiều lần chửi thề.
Ảnh chụp tin nhắn do doanh nghiệp gửi
Cụ thể, tin nhắn với doanh nghiệp, người bị nghi vấn ghi: “Anh định thứ hai đi TP.HCM chụp MRI cái đầu, nhờ em hỗ trợ anh chút đỉnh nhé”. Khi doanh nghiệp trả lời là đang khó khăn thì người này nhắn: “Không sao đâu em, nhiêu cũng được mà, chủ yếu tình nghĩa thôi”. Thời điểm vị cán bộ QLTT được cho là nhắn tin xin tiền doanh nghiệp là tháng 5 và 9/2023. Doanh nghiệp sau đó đã chuyển khoản cho ông H qua tài khoản của Argibank.
Trong một tin nhắn khác, vị cán bộ nhắn cho doanh nghiệp có nội dung: “Tính kiếm bánh ăn Trung thu nè. Mua cho sếp em ơi, chuyển chút đỉnh được rồi”. Để làm rõ vấn đề trên, các cơ quan báo chí đã liên hệ điện thoại trao đổi với ông H về vấn đề cán bộ này nhắn tin, điện thoại xin tiền doanh nghiệp.Vị này nói rằng không nhớ có nhắn tin hay điện thoại nhũng nhiễu doanh nghiệp hay không.
Theo Cục QLTT, sau khi xác minh vụ việc từ phía doanh nghiệp, đơn vị sẽ mời cán bộ bị tình nghi lên làm việc.
Dưới góc độ pháp lý liên quan, Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) trả lời mục “Hỏi – Đáp pháp luật” cho các doanh nghiệp, theo đó xin trích dẫn nguyên văn phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước cho hay trong báo cáo của Chính phủ, một trong những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thị trường (QLTT) là một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, cá biệt là có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật. “Xin Bộ trưởng Công Thương cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng khi để xảy ra tình trạng như báo cáo đã nêu? Kết quả về xử lý cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che người có hành vi vi phạm pháp luật và giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?”, đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết sẽ tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, quản lý; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; phối hợp với các lực lượng trong việc phát hiện, xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này, kể cả là sai phạm của tổ chức, cá nhân trong lực lượng QLTT. “Đồng thời sẽ tiếp tục làm tốt việc luân chuyển địa bàn để bảo đảm hoạt động của các lực lượng này công khai, minh bạch”, tư lệnh ngành Công Thương nhấn mạnh.
Dẫn chứng luật, TS. Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLIE, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho biết căn cứ theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương thì, Chính phủ giao cho lực lượng quản lý thị trường nhiều nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm lớn trong thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật. Đây là vinh dự lớn lao mà Chính phủ giao phó cho lực lượng quản lý thị trường…
Căn cứ Điều 7 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016 có quy định vị trí, chức năng của lực lượng Quản lý thị trường: Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dung, TS. Hồ Minh Sơn nêu.
Tư vấn viên pháp luật thuộc Trung tâm TTLCC, lực lượng quản lý thị trường thực hiện chức năng phòng chống, xử lý các hành vi sau: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; Hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo TS. Hồ Minh Sơn tiếp tục dẫn chứng: Căn cứ Điều 8 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường như sau: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi kiểm tra theo quy định; Thanh tra chuyên ngành; Xử lý vi phạm hành chính; Thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy mẫu sản phẩm hàng hóa, tang vật, phương tiện có dấu hiệu vi phạm, trưng cầu giám định, kiểm nghiệm mẫu vật là hàng hóa, tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân; Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phục vụ hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và xử lý vi phạm hành chính; Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật với các tổ chức, cá nhân; Tổ chức thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật; Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn, kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính và cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường với cấp có thẩm quyền; Đề xuất, kiến nghị ban hành, sửa đổi các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính; Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện các nội dung quản lý nhà nước theo quy định.
Công chức Quản lý thị trường là người được tuyển dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm vào ngạch công chức Quản lý thị trường (theo khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016). Căn cứ Điều 11 Pháp lệnh Quản lý thị trường 2016 quy định thì công chức Quản lý thị trường không được làm những việc sau đây: Thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ không có căn cứ, không đúng chức năng, thẩm quyền, phạm vi nhiệm vụ, địa bàn hoạt động được giao, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Cản trở lưu thông hàng hóa, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên thị trường; Đe dọa, mua chuộc, lừa dối đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hoặc xử lý vi phạm hành chính; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; Dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ; Tiết lộ trái phép thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường; Những việc công chức không được làm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, TS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng thêm.
Áp dụng pháp luật là một hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, là một trong bốn hình thức của thực hiện pháp luật (tuân thủ pháp luật, sử dụng pháp luật, thi hành pháp luật và áp dụng pháp luật), thông qua hoạt động áp dụng pháp luật, pháp luật đi vào thực tiến cuộc sống. Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính nói chung, của lực lượng QLTT nói riêng là hoạt động áp dụng pháp luật điển hình. Hoạt động áp dụng pháp luật phải tuân theo những hình thức và thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định. Bên cạnh đó, áp dụng pháp luật cần đòi hỏi tính sáng tạo vì đó là quá trình vận dụng cái chung để giải quyết các việc riêng lẻ, cụ thể; là hoạt động cá biệt hóa các quy định của pháp luật.
Như vậy, theo các cơ quan thông tấn báo chí nêu trên nêu thì căn cứ các điều khoản do TS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng thì CB QLTT nếu được các cơ quan quản lý, các cơ quan chức năng xác định thì vi phạm vào các điều cấm của ngành; vi phạm Luật phòng chống tham nhũng, vi phạm những điều đảng viên không được làm…Hy vọng với một vài điều nhỏ bé ở trên sẽ góp phần giúp chúng ta có hướng nghiên cứu tốt hơn để từ đó nhận diện đúng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường trong các lĩnh vực.
Văn Hải – Tuấn Tuấn (Tư vấn viên pháp luật Trung tâm TTLCC)