Rừng, được ví như “lá phổi xanh” của Trái Đất, đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí CO2 – một trong những khí nhà kính chính gây ra hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Nông nghiệp cũng là lĩnh vực đi đầu trong bán tín chỉ carbon thu “tiền tươi thóc thật”, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua.
Trên thế giới, hiện có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Nghị định thư Kyoto năm 1997 là lần đầu tiên sự tham gia của quốc tế vào thị trường carbon bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Nhưng với việc Mỹ và Trung Quốc vắng mặt trong thỏa thuận đó, việc áp dụng rộng rãi vẫn khó nắm bắt.
Điều đó dần bắt đầu thay đổi vào năm 2015 khi 196 Bên tại COP21 tham gia Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận Paris là một hiệp ước quốc tế tập trung vào việc quản lý biến đổi khí hậu, mục tiêu cuối cùng là hạn chế lượng khí thải toàn cầu và quan trọng hơn là buộc các quốc gia phải chịu trách nhiệm về hành động (và không hành động) xung quanh việc giảm lượng khí thải carbon của họ.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được 1.200 tỉ đồng nhờ bán tín chỉ này. Theo lộ trình, đến năm 2025 nước ta sẽ thành lập sàn giao dịch carbon. Tại Việt Nam, dự kiến đến năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được đưa vào vận hành.
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước, từ nay đến năm 2027, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng các quy định quản lý, vận hành thị trường carbon, bao gồm: quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Từ năm 2028, thị trường carbon Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động: vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050. Ngành nông nghiệp Việt Nam, từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…
Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam cho thấy, cứ mỗi tín chỉ carbon (tương đương với giảm phát thải 1 tấn khí CO2) hiện đang được các tổ chức quốc tế mua với giá 5 USD. Đặc biệt, trong ngành nông nghiệp Việt Nam, tính toán tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải), có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế đem về gần 300 triệu USD/năm”
Chia sẻ về thị trường này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Phó TBT TC DN&TTVN cho hay, Việt Nam có thị trường carbon hứa hẹn sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng, mang lại cơ hội đầu tư sinh lời vào các dự án tín chỉ carbon. Doanh nghiệp ở các nước phát triển có thể tìm kiếm tín chỉ carbon từ Việt Nam để đáp ứng các mục tiêu tuân thủ và bù đắp tự nguyện của họ. Đồng thời, các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam đang chịu áp lực giảm lượng khí thải carbon và tuân thủ các cam kết bền vững. Nhà đầu tư có thể hợp tác với các tập đoàn này để phát triển và thực hiện các dự án bù trừ carbon đáp ứng các mục tiêu bền vững của doanh nghiệp. Một tập đoàn toàn cầu có thể đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại địa phương ở Việt Nam để bù đắp lượng khí thải carbon và nâng cao trách nhiệm xã hội của công ty mẹ.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành kinh tế xanh, nhờ nguồn dự trữ carbon dồi dào từ tài nguyên rừng, tài nguyên phát triển năng lượng tái tạo…
Trong khi đó, TS. Hà Huy Ngọc – Viện Kinh tế Việt Nam, nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển ngành kinh tế xanh, đến từ nguồn dự trữ carbon dồi dào từ tài nguyên rừng, tài nguyên phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ (điện mặt trời, điện gió), tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực về kinh tế số…Cùng với đó, kinh nghiệm quốc tế thành công trong cuộc đua tăng trưởng xanh tập trung vào 5 yếu tố: các chiến lược và lộ trình tăng trưởng xanh chi tiết, rõ ràng; hệ thống khung pháp lý đồng bộ với cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ tăng trưởng xanh phù hợp; triển khai sớm các dự án xanh thí điểm; huy động và quản lý nguồn lực đầu tư và tài chính cho tăng trưởng xanh toàn diện; đội ngũ hoặc hệ thống quản trị chiến lược xanh tích cực và sát sao. Đây là những điều Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng trong quá trình chuyển đổi xanh.
TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó, một nội dung quan trọng là xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững, mà phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường là một yếu tố cần được coi trọng.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc trong quá trình xây dựng, phát triển sàn giao dịch tín chỉ carbon. Tuy nhiên, để phát triển được thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp phải vượt qua thách thức về tài chính. Bởi lẽ, chi phí, phí tổn trong quá trình triển khai là kiểm đếm ở mức cao, trong điều kiện Việt Nam hầu như chưa có các công ty trung gian làm công tác này và nếu thuê ngoài sẽ rất tốn kém. Do đó, việc tìm hiểu các mô hình triển khai từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới trong tiến trình thực hiện và tham gia thị trường carbon là rất quan trọng.
Về kế hoạch phát triển thị trường carbon trong nước, TS. Vũ Minh Pháp – Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đã tham gia Cơ chế Phát triển sạch của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và cơ chế tín chỉ chung (JCM). Hiện có 14 dự án JCM đã đăng ký và khoảng 4.400 khoản tín chỉ được cấp vào cuối năm 2020; 24 dự án theo tiêu chuẩn vàng với gần 5 triệu tín chỉ tiêu chuẩn vàng được cấp; 22 dự án đăng ký theo tiêu chuẩn carbon đã được xác minh với khoảng 600.000 tín chỉ.
Trên thế giới, các tập đoàn lớn trong ngành dầu khí thường dùng chương trình giảm thiểu phát thải carbon nội bộ cho các doanh nghiệp trong tập đoàn trước khi tiến ra thị trường quốc tế và thực hiện mua bán.
TS. Hồ Minh Sơn nhận định ngành nông nghiệp cũng là lĩnh vực đi đầu trong bán tín chỉ carbon. Thực tế trong vài năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công những thương vụ bán tín chỉ carbon, thu “tiền tươi thóc thật” với giá trị lên đến khoảng 60 triệu USD. Có thể thấy, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ. Nhiều địa phương cũng đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon rừng (dịch vụ carbon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ cacbon rừng.
Điển hình, hai địa phương như Bến Tre và Bình Định có diện tích trồng dừa lớn nhất nhì Việt Nam – Bến Tre hơn 79.000 ha, còn Bình Định hơn 9.300 ha. Bên cạnh giá trị kinh tế mang lại từ các sản phẩm, cây dừa còn có tiềm năng khai thác tín chỉ carbon, thu tiền tỉ về cho người trồng.
Theo nghiên cứu Viện IMRIC và Viện IRLIE cho thấy, cứ mỗi cây dừa trồng hơn 10 năm, số tín chỉ carbon có thể tính như giá trồng cây rừng là khoảng 1 USD/cây, 1ha dừa mỗi năm có hấp thụ được 70 – 75 tấn CO2. Do đó, diện tích dừa đang có và khả năng hấp thụ carbon của cây trồng này, khi bán tín chỉ carbon theo mức giá tương tự như tín chỉ carbon rừng (5 USD/tấn CO2) thì ngành này có thể thu thêm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Giữa tháng 4, tỉnh Bến Tre cũng bắt đầu thực hiện đánh giá tiềm tham gia thị trường carbon của tỉnh. Trong đó, nghiên cứu và xây dựng tín chỉ carbon tỉnh Bến Tre trong các lĩnh vực, tập trung cho đối tượng cây dừa.
Bình Định được xem là “thủ phủ” dừa của miền Trung. Trong đó, cây dừa phân bố tập trung nhiều nhất ở thị xã Hoài Nhơn (3.050 ha), huyện Phù Mỹ (3.000 ha), huyện Hoài Ân (1.950 ha), huyện Phù Cát (1.530 ha)…Với diện tích vườn dừa gần 9.400 ha, mỗi năm người dân tỉnh Bình Định có thể kiếm thêm hàng chục tỉ đồng từ việc bán tín chỉ carbon.
TS. Hồ Minh Sơn mong muốn cần đẩy nhanh hành lang pháp lý và các hướng dẫn cụ thể, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra. Việc tạo ra quy định sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với đó sẽ định hướng giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Song song đó, ngành nông nghiệp Việt Nam, với vị trí là ngành “đóng góp” cao thứ hai vào phát thải khí nhà kính ở Việt Nam, đang tích cực thay đổi để hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững. Vì vậy, tín chỉ carbon chỉ nên xem là một phần của cuộc chuyển mình, là mục đích thêm vào, chứ không phải là mục tiêu hàng đầu của các dự án nông nghiệp.
Thị trường tín chỉ carbon năm 2024 được dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với tiềm năng tăng trưởng cao. Việc nhận được khoản lớn từ chuyển nhượng hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng và tiếp tục bán thêm được hàng triệu tín chỉ carbon khác với giá cao hơn đã cho thấy sự quan tâm lớn của các tổ chức nước ngoài đối với các dự án carbon tại Việt Nam. Đây cũng là những bước đệm vững chắc để Việt Nam tham gia sâu vào thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Nhưng với điều kiện những vướng mắc nhất là về cơ chế, thủ tục để sớm được tháo gỡ.
ThS. Mai Thanh Hải – Phó viện trưởng Viện IMRIC, PBTS TC DN&TTVN