Ngày 31/12/2024, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) tổ chức buổi tham vấn pháp lý trực tuyến với các doanh nghiệp thành viên thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE. Tại đây, các doanh nghiệp quan tâm đến Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và Nghị định 101/2012/NĐ-CP…
Dưới góc độ chuyên gia pháp lý, Luật gia Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng Thường trực Viện IRLIE, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn về Chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tài chính tại Việt Nam (CFV), giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) đã tham vấn trực tiếp như sau: Ngân hàng thương mại là tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh tiền tệ khác với mục tiêu vì lợi nhuận. Bên cạnh đó, số dư tài khoản là số tiền có trong tài khoản mà người dùng đã đăng ký tại ngân hàng, có thể là tài khoản tiết kiệm, tài khoản trong thẻ ATM…
Ngân hàng thương mại là gì?
Căn cứ vào quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, ngân hàng thương mại (NHTM) có thể được hiểu là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nhằm mục tiêu lợi nhuận.
NHTM có bốn chức năng chính là: trung gian tín dụng, trung gian thanh toán, chức năng tạo tiền và chức năng thủ quỹ.
NHTM được phân loại dựa trên hình thức sở hữu, dựa vào chiến lược kinh doanh, dựa vào tính chất hoạt động.
Bản chất của NHTM là một đơn vị kinh tế, là một loại hình doanh nghiệp nên có cơ cấu tổ chức bộ máy sẽ như một doanh nghiệp. Việc tìm kiếm lợi nhuận phải thỏa đáng và tuân thủ đúng theo luật pháp Nhà nước.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh của NHTM rất đặc biệt, vì nó liên quan trực tiếp đến tất cả các ngành và mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NHTM bao gồm sự gia tăng nhanh chóng trong danh mục sản phẩm dịch vụ, sự cạnh tranh với các đối thủ, sự gia tăng chi phí vốn, gia tăng nguồn vốn nhạy cảm với lãi suất và áp dụng khoa học công nghệ ngân hàng.
Tại Việt Nam, NHTM hiện được phân loại như sau: Nếu dựa trên hình thức sở hữu thì gồm 5 loại: NHTM quốc doanh (100% vốn sở hữu Nhà nước), NHTM Cổ phần, NH Liên doanh, NH 100% vốn nước ngoài, NH chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; Nếu dựa vào chiến lược kinh doanh thì gồm 3 loại: NHTM bán buôn và NHTM bán lẻ, NHTM kết hợp cả bán buôn và bán lẻ; Nếu dựa vào tính chất hoạt động thì gồm 2 loại: NH chuyên doanh và NH kinh doanh tổng hợp. Ngoài ra, còn có nhiều dạng ngân hàng khác như: NH đầu tư, NH phát triển, NH hợp tác, NH chính sách…
Số dư tài khoản là gì?
Có thể nói, đây là số tiền thực tế mà người sử dụng dịch vụ có trong tài khoản, chưa trừ đi các khoản phong tỏa hoặc số dư tối thiểu cần duy trì.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 101/2012/NĐ-CP, chủ tài khoản được sử dụng tài khoản thanh toán của mình để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán hợp lệ.
Chủ tài khoản có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin về giao dịch và số dư tài khoản thanh toán.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 22 Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có nghĩa vụ cung cấp thông tin về giao dịch và số dư tài khoản thanh toán cho chủ tài khoản theo thỏa thuận.
Việc cung cấp số dư tài khoản của khách hàng được quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 101/2012/NĐ-CP như sau: Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có quyền từ chối yêu cầu của tổ chức, cá nhân về việc cung cấp thông tin về chủ tài khoản, giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của chủ tài khoản; Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến chủ tài khoản, giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán của người sử dụng dịch vụ của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Do đó, theo quy định thì các ngân hàng có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin về số dư trên tài khoản thanh toán của người sử dụng dịch vụ. Mặc dù vậy, ngân hàng có thể cung cấp số dư tài khoản của khách hàng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự chấp thuận của chủ tài khoản.
Mặt khác, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 101/2012/NĐ-CP như sau: Đóng tài khoản thanh toán khi: Chủ tài khoản có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán; Chủ tài khoản là cá nhân bị chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; Tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; Chủ tài khoản vi phạm hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Chủ tài khoản hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán vi phạm Điều 6 Nghị định này và các quy định pháp luật khác trong hoạt động thanh toán; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Cạnh đó, xử lý số dư khi đóng tài khoản: Chi trả theo yêu cầu của chủ tài khoản hoặc người được thừa kế, đại diện thừa kế hợp pháp trong trường hợp chủ tài khoản là cá nhân chết, mất tích hoặc theo yêu cầu của người giám hộ hợp pháp trong trường hợp chủ tài khoản là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự; Chi trả theo quyết định của tòa án; Xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp người thụ hưởng hợp pháp số dư trên tài khoản đã được thông báo mà không đến nhận.
Ngoài ra, số dư tối thiểu: Một số ngân hàng yêu cầu bạn giữ lại một mức số dư tối thiểu để duy trì tài khoản (có thể từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng). Số tiền này không thể rút. Phí dịch vụ hoặc nợ ngân hàng: Nếu tài khoản có các khoản phí chưa trừ hoặc đang nợ ngân hàng, số tiền này sẽ bị khấu trừ từ số dư, làm giảm số tiền bạn có thể rút. Nếu bạn không có khoản nợ nào tại ngân hàng và muốn đóng tài khoản cùng thẻ, bạn có thể rút hết số tiền còn lại trong tài khoản. Tuy nhiên, sau khi đóng tài khoản, bạn sẽ không thể thực hiện các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền hay thanh toán hóa đơn qua ngân hàng đó nữa.
Trần Danh – Kiên Cường (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn)