Ngày 18/01/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) chủ trì, giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến cho một số đốc giả và doanh nghiệp thành viên liên quan đến việc đi xe của người khác có bị phạt lỗi ‘không chính chủ’ – Mượn xe, thuê xe vượt đèn đỏ, đi ngược chiều bị phạt nguội, chủ xe hay lái xe phải nộp phạt…
Nhắc lại câu hỏi của độc giả: Một quan niệm hiện phổ biến nhưng chưa đúng và chi tiết, đó là việc sử dụng ‘xe không chính chủ’ có thể bị phạt. Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt khá nặng hành vi vượt đèn đỏ, điều khiển xe đi ngược chiều…Vậy nếu cá nhân mượn, thuê xe vi phạm giao thông bị phạt nguội, chủ xe hay người điều khiển xe bị phạt?
Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Lan Thảo – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tham vấn pháp lý cụ thể sau:
Đi xe của người khác có bị phạt lỗi ‘không chính chủ’
Việc xử phạt liên quan đến “xe không chính chủ” không hẳn nhắm vào tất cả trường hợp mượn xe của người khác để sử dụng. Luật quy định rõ ràng rằng việc xử phạt lỗi “không chính chủ” chỉ áp dụng khi có vi phạm cần xác minh chủ xe, chẳng hạn khi xe liên quan đến tai nạn giao thông hoặc vi phạm trật tự giao thông thông qua hình ảnh (phạt nguội).
Căn cứ tại điểm a khoản 3 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, nhà chức trách sẽ phạt tiền từ 800.000 đồng đến một triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đồng đến 2 triệu đồng với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy không làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe trong trường hợp thay đổi chủ xe theo quy định.
Căn cứ theo khoản 7 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức phạt từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng áp dụng với cá nhân, từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng với tổ chức là chủ ôtô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc), xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô mà không làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe trong trường hợp thay đổi chủ xe theo quy định.
Căn cứ theo khoản 10 Điều 47 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, điểm h khoản 7 Điều 32 của Nghị định này được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe; qua công tác xử lý vụ việc vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị.
Căn cứ các quy định nêu trên thì Nghị định 168/2024/NĐ-CP cho phép xử phạt lỗi “xe không chính chủ” (chủ xe không làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe sang đứng tên của mình) và việc xử phạt này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe; qua công tác xử lý vụ việc vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP không xử phạt đối với hành vi lái “xe không chính chủ”. Do đó, trường hợp mượn xe của người khác để tham gia giao thông thì không bị xử phạt lỗi “xe không chính chủ”.
Nhiều người lái xe hiện nay có sự hiểu lầm là bất kỳ khi nào điều khiển xe không đăng ký tên của mình đều có thể bị phạt. Sự hiểu lầm này xuất phát từ việc thông tin chưa được truyền tải một cách chính xác và đầy đủ. Thực tế là lỗi “không chính chủ” nhằm mục đích đảm bảo việc xác minh và quản lý chủ sở hữu phương tiện trong các tình huống cần thiết, không phải để kiểm soát việc mượn xe giữa cá nhân.
Để phòng tránh rủi ro khi lái “xe không chính chủ” thì người tham gia giao thông, dù là người sở hữu hay chỉ mượn, bạn cần luôn có các giấy tờ bản gốc hoặc bản sao công chứng như đăng ký xe, giấy tờ bảo hiểm và giấy phép lái xe hợp lệ khi điều khiển phương tiện.
Qua đó, nếu xe bị dính vi phạm qua hình ảnh, hãy biết rõ quy trình khiếu nại và xác minh. Chủ xe cần cùng người mượn phối hợp giải quyết, cung cấp thông tin một cách chính xác. Khi cho ai đó mượn xe, nên có giấy tờ hoặc thỏa thuận ghi lại để phòng tình huống xấu nhất hoặc có vi phạm xảy ra. Luôn nhận biết các điều chỉnh của pháp luật để tránh vô tình vi phạm.
Lỗi “xe không chính chủ” không nhắm đến việc kiểm soát tất cả hành vi mượn xe của người khác, mà để giải quyết những tình huống cần xác minh chủ xe một cách chính xác. Hiểu rõ và tuân thủ đúng các quy định này sẽ giúp bạn tránh khỏi những rắc rối pháp lý không cần thiết. Hãy luôn tuân thủ luật giao thông và cập nhật thông tin mới nhất để tham gia giao thông an toàn, hiệu quả.
Mượn xe, thuê xe vượt đèn đỏ, đi ngược chiều bị phạt nguội, chủ xe hay lái xe phải nộp phạt?
Với lỗi vượt đèn đỏ, Điều 6, 7 Nghị định 168/2024 nêu rõ, người điểu khiển xe sẽ bị áp dụng mức phạt từ 18-10 triệu đồng đối với ô tô, 4-6 triệu đồng đối với xe máy.
Tuy nhiên, với trường hợp người điều khiển xe của người khác mà không bằng lái trên đường thì ngoài việc xử phạt người điều khiển phương tiện, chủ xe còn xử phạt về lỗi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với chủ xe.
Đối với trường hợp thuê xe tự lái sau khi đã thanh lý hợp đồng với khách thuê thì phát hiện xe bị phạt nguội, theo quy định hiện hành, các trường hợp vi phạm phạt nguội đều được gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính. Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử.
Căn cứ theo Nghị định 100/2019, với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm. Đồng thời chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Mặt khác, chủ xe dù không thực hiện hành vi vi phạm nhưng bắt buộc phải đến theo thông báo và có nghĩa vụ hợp tác với lực lượng CSGT để xác định người trực tiếp lái xe vi phạm giao thông.
Việc hỗ trợ cơ quan chức năng truy thu số tiền phạt từ người vi phạm là trách nhiệm của chủ xe, nếu cá nhân này không chứng minh hoặc không có căn cứ (hợp đồng thuê) để yêu cầu người thuê nộp phạt thì sẽ phải đóng phạt thay. Bên cạnh đó, để quá hạn mà không nộp phạt, CSGT sẽ gửi thông báo đưa phương tiện vào phần mềm cảnh báo đăng kiểm.
Nhằm hạn chế rủi ro, khi cho thuê xe, chủ xe cần lập hợp đồng cho thuê xe trong đó nêu rõ nội dung liên quan đến việc chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng khi lái xe để xảy ra vi phạm.
Bên cạnh đó, chủ xe cần yêu cầu đặt cọc tiền khi bàn giao xe trong thời gian nhất định để kiểm tra khách thuê xe dính phạt nguội hay không.
Do đó, tùy vào từng tình huống, hành vi vi phạm mà pháp luật có quy định cụ thể về đối tượng bị xử phạt. Vì vậy, nếu việc thực hiện thủ tục xử phạt sẽ liên quan đến chủ phương tiện, như trong trường hợp phạt nguội thì chủ phương tiện phải tới làm việc theo yêu cầu để xác định người có hành vi vi phạm.
Trần Danh – Kiên Cường (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn)