Mạng xã hội (MXH) thu hút người dùng nhờ việc kích thích não bộ tiết ra dopamine – chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác tưởng thưởng, dễ chịu. Vì vậy, cảm giác ‘nghiện’ MXH là hoàn toàn có thật.
Trong thời đại số hóa, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, mặt trái của không gian ảo đang lộ rõ qua vấn nạn bạo lực mạng. Những lời chỉ trích, mỉa mai, hay công kích vô căn cứ từ những ‘anh hùng bàn phím’ không chỉ gây tổn thương mà còn để lại những hậu quả khủng khiếp đối với tâm lý, tinh thần và sức khỏe của nạn nhân, đặc biệt là các bạn trẻ.
Ví dụ, từ câu chuyện khác thuộc về Hoa hậu Y.N khi đăng quang ngôi vị Miss World Việt Năm 2023, cũng đã chịu nhiều “búa rìu” của dư luận. Ban đầu, khi mới đăng quang, cô được nhận xét là có hình thể đẹp, gương mặt khả ái và ít ý kiến tiêu cực. Nhưng, sau một vài phát ngôn gây sốc, cô trở thành tâm điểm của sự chú ý. Dư luận trên mạng xã hội nảy ra nhiều cuộc chiến gay gắt. Cuộc sống riêng tư, học vấn, gia đình, bạn bè của nàng hậu cũng bị cư dân mạng tìm hiểu, buông lời lẽ chỉ trích.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng hơn 70 triệu tài khoản mạng xã hội, trong đó 1/3 người dùng là ở độ tuổi thanh, thiếu niên.
Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) từ hãng công nghệ Google cho thấy, có 97% người dùng Việt Nam tìm kiếm thông tin qua các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Bên cạnh đó, hàng loạt các nghề “hot” được ra đời trên nền tảng số, mạng xã hội như KOL, gamer, streamer (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, được nhiều người biết đến)…
Không thể phũ nhận rằng, mạng xã hội là nơi để mỗi cá nhân có quyền riêng tư bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của bản thân. Việc yêu ghét, đồng tình, phản bác trên không gian mạng tương đối tự do, thoải mái. Do vậy, mạng xã hội đã trở thành một “phiên tòa” lạnh lùng, phán xét rất nhiều người khác nhau.Mặc dù vậy, khái niệm “anh hùng bàn phím” được cho là xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 2013, khi một nhóm sinh viên tại một trường đại học phân tích và định nghĩa khái niệm này thông qua một đoạn clip dài gần 2 phút.
“Anh hùng bàn phím” dùng để chỉ những người dùng bàn phím máy tính, điện thoại làm công cụ “tấn công”, “bốc phốt” người khác, dùng những lời lẽ có tính sát thương để “ném đá”, xúc phạm người khác trên mạng ảo. Đặc điểm của “anh hùng bàn phím” là rất hùng hổ trên mạng, nói năng bạt mạng, thiếu suy nghĩ, bất chấp lý lẽ, bất chấp đúng, sai, dựa vào việc “ẩn danh” hoặc tính chất “ảo” của mạng xã hội để tha hồ cho cái tôi phát tác không giới hạn.
Các “anh hùng bàn phím” ở ngoài đời có thể là em học sinh, sinh viên, anh chị công nhân viên chức hiền lành. Thế nhưng, khi bước vào “thế giới ảo” họ sẵn sàng kéo hội, kéo bè “tẩy chay”, “bốc phốt”một cá nhân khiến mình khó chịu. Câu chuyện ngày càng đi xa hơn, khi một nhóm, một cộng đồng không chỉ “tẩy chay”, cô lập cá nhân nào đó, mà còn thóa mạ, sỉ nhục làm tổn thương tinh thần, danh dự của họ. Hơn thế nữa, các “anh hùng bàn phím” còn sẵn sàng làm ảnh hưởng đến những cơ quan, nơi làm việc, gia đình của những người mà họ không thích.
Từ khi mạng xã hội xuất hiện, đồng thời lực lượng “anh hùng bàn phím” được hình thành. Từ đó, không ít người trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công vô cớ trên mạng xã hội. Họ bị chế nhạo vì ngoại hình, chê bai về hành vi, hay thậm chí bị lan truyền những tin đồn ác ý, bị vu khống, sỉ nhục. Những lời lẽ cay độc ấy, dù chỉ là dòng chữ trên màn hình, lại trở thành gánh nặng tinh thần khủng khiếp.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nạn nhân của bạo lực mạng thường có nguy cơ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm, thậm chí là tự tử. Sự hoành hành của lực lượng “anh hùng bàn phím” nằm ở phạm vi toàn cầu và hậu quả của nó là không có biên giới. Đã có rất nhiều nạn nhân của các “anh hùng bàn phím”, trong đó có những vụ việc thương tâm, gây đau xót cho cả cộng đồng.
Năm 2019, làng giải trí Hàn Quốc từng chấn động với sự ra đi của 2 nữ nghệ sĩ nổi tiếng Choi Sulli và Goo Hara. Mặc dù trưởng thành trong môi trường nghệ thuật khắc nghiệt của Hàn Quốc với áp lực từ dư luận luôn đè nặng, nhưng ngay cả những nghệ sĩ này cũng không chịu nổi trước những lời miệt thị, “ném đá” của cộng đồng mạng, họ đều rơi vào trầm cảm. Choi Sulli tự sát trước, sau khi vướng vào scandal với bạn trai cũ và bị “tẩy chay” trên mạng. Goo Hara là bạn thân của cô, đối mặt với dư luận khi lên tiếng bênh vực bạn mình, để rồi cũng bị chỉ trích trên mạng và chọn cái chết sau đó ít lâu. Năm 2023, một vụ việc khác tại Trung Quốc gây rúng động. Cô gái trẻ mới 23 tuổi đối mặt với làn sóng chỉ trích trên mạng sau khi nhuộm tóc màu hồng. Cô bị các “anh hùng bàn phím” đặt biệt danh là “cô gái hư hỏng” cùng nhiều biệt danh mang tính xúc phạm khác. Điều này khiến cô gái trẻ rơi vào trầm cảm và tự sát.
Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực mạng gây ra bởi các “anh hùng bàn phím” đã có từ rất nhiều năm nay. Những năm gần đây nó dường như không giảm bớt mà còn có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ. Năm 2021, một bé gái 13 tuổi tại Long An đã tự tử do bị “tẩy chay”, cô lập và bắt nạt hội đồng trên Facebook. Một trường hợp khác do chị T.T.H.M., 42 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, chị suýt nữa mất con vì không kịp thời theo sát con khi con phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng. Con trai chị mới 16 tuổi, đi vào quán nước, có va chạm với nhân viên của quán nước. Một video clip cắt đoạn không hoàn chỉnh quay lại cho thấy con trai chị có thái độ vô lý đối với nhân viên được tung lên mạng. Thế là cậu thiếu niên bị “ném đá”, chửi bới liên tục. Nhiều bạn bè không hiểu cũng “tẩy chay” cậu bé. Cậu cũng liên tục nhận được tin nhắn, email “khủng bố” tinh thần từ những người xa lạ. Sau một thời gian im lặng chịu đựng, cậu bé uống thuốc ngủ tự sát, may mà người mẹ phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời.
Ví dụ: Một sự cố cháy nồi thịt kho tại ngôi nhà ở phố Cự Lộc, quận Thanh Xuân, Hà Nội được đưa thông tin chia sẻ trên mạng xã hội ‘cháy lớn’ khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng…Theo thông tin, vào khoảng 20h30 ngày 22/12/2024, một số tài khoản trên mạng xã hội Facebook đưa thông tin “Hà Nội cháy lớn ở Cừ Lộc lúc này” kèm theo hình ảnh là ngọn lửa bốc cháy dữ dội. Còn ở một trang mạng facebook khác đưa thông tin: “Đang có cháy to to ở Cự Lộc. Cập nhật tình hình đi các bác!”. Ngay sau khi thông tin này đưa lên mạng đã thu hút rất nhiều người quan tâm và bình luận, đặt câu hỏi chia sẻ tâm tư về vụ cháy. Tuy nhiên, qua xác minh của phóng viên, sự cố xảy ra tại ngôi nhà trong ngõ số 40, phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sự cố này được xác định, một người dân có kho nồi thịt đặt trên bếp quên tắt chế độ hẹn giờ và đi ra ngoài. Sau đó, nồi thịt cháy khét, bốc khói mù mịt khiến người dân khu vực sợ hãi và báo cháy cho lực lượng chức năng.
Rõ ràng, việc xử lý nhanh chóng, kịp thời về sự cố cháy, nổ của người dân, lực lượng chức năng là rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, chỉ với sự cố nhỏ “cháy nồi thịt kho” nêu trên nhưng một số tài khoản đưa thông tin không chính xác trên mạng nhằm câu like, tạo sự tương tác trên các nền tảng mạng xã hội với mục đích là để bán hàng hoặc tăng thành viên cho các hội, nhóm… là hết sức nguy hiểm. Quađó, không chỉ khiến nhiều người dân hoang mang, sợ hãi trong khi cháy nổ diễn biến phức tạp như hiện nay.
Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nếu hậu quả của hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, uy tín của người khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu việc đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có tính chất vu khống người khác thì người đưa thông tin trên có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Người nổi tiếng cũng là đối tượng phải đối mặt với lực lượng “anh hùng bàn phím” một cách khủng khiếp. Một nữ ca sĩ bị cho là “ăn chặn” từ thiện từ thông tin do một người phụ nữ chuyên livestream “soi” chuyện người khác tung ra. Mặc dù, sau đó cơ quan công an đã vào cuộc, khẳng định “không có dấu hiệu ăn chặn từ thiện”, nhưng nữ ca sĩ ấy đến nay vẫn luôn bị đem ra chửi bới, chế nhạo bởi nhiều đối tượng trên mạng.
Mới đây, một hoa hậu trong nước đi thi nhan sắc tại nước ngoài không đạt thứ hạng cao như kì vọng và chỉ vì có những phát ngôn đầy tự tin trước đó, cô đã trở thành “miếng mồi” cho hàng loạt “anh hùng bàn phím” chế nhạo. Từ ngoại hình, cách ăn nói, hành xử và cả những tin đồn vô căn cứ liên quan đến hoa hậu đều bị mổ xẻ, chê bai liên tục trên mạng. Còn rất nhiều người nổi tiếng là nạn nhân của bạo lực mạng, trong đó không ít người đã bị lực lượng “anh hùng bàn phím” lập ra các nhóm kín “antifan” để tấn công, mổ xẻ, thóa mạ, vu khống… mà không làm gì được. Có người thậm chí phải rút khỏi làng giải trí vì rơi vào khủng hoảng tinh thần.
Theo một khảo sát vào năm 2023 của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho thấy 78% người dùng mạng khẳng định mình từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội; 61,7% từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin.
Một trong những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất do lực lượng “anh hùng bàn phím” trên mạng chính là các em thiếu niên. Ở tuổi mới lớn, hành xử chưa thực sự chuẩn mực, còn ngây thơ, các em dễ trở thành “con mồi” của những kẻ thích “ném đá” trên mạng. Tâm lý còn non nớt, các em cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, dễ sa vào trầm cảm và gây ra các hành động khó lường khi bị “anh hùng bàn phím” tấn công. Một đề tài nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược năm 2022, trong đó có những cuộc khảo sát cụ thể và kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh THCS và THPT bị bắt nạt trực tuyến là 36,5%, những học sinh bị bắt nạt trực tuyến có số chênh trầm cảm cao gấp 1,97 lần so với những học sinh khác.
Nhiều người dùng trên mạng thậm chí không biết mình chính là “anh hùng bàn phím”, bởi nghĩ đơn giản những dòng bình luận họ để lại trên mạng chỉ là “vô hại” vì không phải nói trực tiếp. Nhưng thực tế, nó lại có sức công phá lớn. Một câu nói ác ý, khi được lan truyền và “hùa theo” bởi hàng trăm, hàng ngàn người khác, không khác gì những lưỡi dao đâm thẳng vào trái tim nạn nhân. Sự thiếu kiểm soát cảm xúc, cộng thêm hiệu ứng đám đông, biến mạng xã hội thành một “phiên tòa” đầy định kiến, nơi mà “anh hùng bàn phím” sẵn sàng làm quan tòa kết tội bất kỳ ai.
Do đó, việc ném đá hay bắt nạt trên mạng xã hội có thể xem là hành động giết người tập thể mà không ai cảm thấy mình có lỗi. Mỗi người góp một lời nói khiến sự việc trở nên nghiêm trọng, khủng khiếp.Nhiều vụ việc đau lòng xảy ra đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của bạo lực mạng. Từ đây, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng cao giáo dục thanh, thiếu niên nói riêng và mỗi người dùng nói chung về trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội, làm sao để ai cũng hiểu rằng mỗi một bình luận, mỗi lượt chia sẻ trên mạng ảo đều có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới người khác trong đời sống thật? Cạnh đó, làm sao để thanh, thiếu niên, để mỗi người dùng trang bị được cách tự bảo vệ mình trước những công kích trên mạng, có được nơi để chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị tổn thương?
Điều này là trách nhiệm lớn của các cơ quan quản lý, của cả nhà trường, phụ huynh và cả nền tảng mạng xã hội. Nhưng trên hết, mỗi người dùng mạng xã hội cần tự ý thức rằng, phía sau màn hình là những con người thật, với cảm xúc và tâm hồn dễ tổn thương.
Sự thay đổi, xóa bỏ đi tính độc hại từ môi trường mạng không phải là một câu chuyện quá vĩ mô mà thực ra nằm trong tay chính mỗi người dùng mạng, mỗi chúng ta. Hãy bắt đầu từ việc suy nghĩ kỹ trước khi gõ một dòng bình luận, hãy tự ý thức được rằng, mỗi một câu nói tiêu cực có thể tổn hại đến sức khỏe, sinh mạng con người, còn mỗi một lời tích cực chính là đang cùng xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, nơi mà lời nói không phải là vũ khí, mà là cầu nối cho sự đồng cảm và sẻ chia.
Mạng xã hội cho thấy sự “chuyển động” rất khác của giới trẻ Việt trong thời đại số hóa. Nhiều hoạt động “tẩy chay” của giới trẻ trên mạng xã hội đã gây không ít “sóng gió” cho các nhãn hàng và buộc các nhãn hàng này phải lên tiếng công khai xin lỗi. Bên cạnh những hành động tích cực như phê phán những điều xấu, phản quy tắc, đạo đức sống, còn đó rất nhiều tài khoản ẩn danh cư xử thiếu văn minh, gây chia bè, kết phái ảnh hưởng đến những người dùng mạng xã hội khác.
Việc xây dựng một lối sống đẹp, văn minh khi sử dụng mạng xã hội là rất cần thiết, đặc biệt đối với thế hệ thanh, thiếu niên hiện nay. Trước hết, cần giáo dục sử dụng mạng Internet an toàn, văn minh, lịch sự ngay trong các trường học. Các em được hướng dẫn cách nhận biết hành vi sai lệch trên mạng xã hội, để có biện pháp phòng tránh. Ngoài ra, khi trở thành nạn nhân của bạo lực mạng, cách ổn định tâm lý, thoát ra khỏi “vòng xoáy tẩy chay”, cô lập trên không gian ảo. Sau đó, là tự nâng cao ý thức bản thân mỗi người khi tham gia vào “thế giới ảo”.
Ngoài việc giáo dục, công tác truyền thông đóng góp vô cùng quan trọng trong việc xây dựng lối sống đẹp, văn minh trên mạng xã hội. Thay vì để người dùng mạng Internet đắm chìm trong một thế giới “thật – giả” tin tức lẫn lộn, từ đó dễ dàng bị kích động kết bè, kết phái “tẩy chay”, cô lập các cá nhân, tập thể. Để hỗ trợ người dùng mạng, các cơ quan thông tấn, báo chí nên đầu tư mạnh mẽ, xây dựng các tài khoản trên mạng xã hội, chia sẻ thông tin đúng đắn, kết nối tinh thần đoàn kết cộng đồng, dân tộc. Đặc biệt, giúp cho những người dùng mạng Internet tiếp cận được những nguồn tin phù hợp, bổ ích, hấp dẫn.
TS. Hồ Minh Sơn