Nhằm lan toả các mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp thành viên và các độc giả. Qua đó, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA); Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (VICRAFTS); Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam quan tâm, nhất là trong việc tuyên truyền Luật Hoà giải ở cơ sở; Luật Cư trú; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Giao thông đường bộ; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Đất đai; Luật Xây dựng; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật trẻ em; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo…
Cụ thể, sáng ngày 16/04/2025, tại số 412, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho các độc giả, các doanh nghiệp thành viên, các doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại liên quan đến Nghị định 123/2015; Nghị định 144/2021/NĐ-CP và Bộ luật Dân sự 2015; Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung năm 2017…
Tại đây, các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn(TTTVPLMS) đã lắng nghe câu hỏi, giải đáp các thắc mắc một cách cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất: Người nước ngoài xác nhận tình trạng hôn nhân ở đâu, như thế nào?
Độc giả tại quận 7 (TP.HCM) nêu câu hỏi: Chồng sắp cưới của tôi là người nước ngoài. Tôi không rõ chồng tôi sẽ thực hiện xác nhận hôn nhân ở đâu?
Nếu người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì có thể xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND cấp xã nơi cư trú của người đó tại Việt Nam. Qua đó, pháp luật Việt Nam có một số quy định như sau:
Căn cứ vào Điều 21 Nghị định 123/2015, UBND cấp xã nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trong trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì UBND cấp xã nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Do đó, quy định cũng được áp dụng để cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, nếu có yêu cầu. Vì vậy, trong trường hợp công dân nước ngoài cư trú tại Việt Nam (thường trú hoặc tạm trú) thì người nước ngoài có thể xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND cấp xã nơi cư trú của người đó tại Việt Nam.
Thế nhưng, quý độc giả cũng cần lưu ý rằng Giấy xác nhận được cấp sẽ chỉ xác nhận tình trạng hôn nhân của người nước ngoài cho khoảng thời gian cư trú tại Việt Nam. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 123/2015, giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Hộ tịch chỉ có giá trị 6 tháng, kể từ ngày cấp. Do vậy, người nước ngoài sẽ cần liên hệ cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà họ là công dân (Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán), hoặc quay trở về nước để xin cấp Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân/Giấy tờ đủ điều kiện hôn nhân theo quy định pháp luật của nước đó để sử dụng tại Việt Nam.
Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn xin khuyến nghị, các giấy tờ do nước ngoài cấp như Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân/Giấy tờ đủ điều kiện hôn nhân nêu trên có thể sẽ cần phải được công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự (và cả dịch thuật sang tiếng Việt) theo quy định, trước khi được phép sử dụng tại Việt Nam cho cả mục đích kết hôn hay mục đích khác.
Trường hợp thứ hai: Nhặt được tiền không trả lại, bị phạt bao nhiêu?
Độc giả tại Bến Tre nêu câu hỏi: Nhặt được tiền trên đường là tình huống không hiếm gặp. Việc nhặt được tiền nhưng không trả lại có vi phạm pháp luật và bị xử phạt hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015, người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
Tại điểm đ khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này; Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này; Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;
Căn cứ theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung năm 2017 quy định về tội Chiếm giữ trái phép tài sản như sau: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Cạnh đó, phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Vì lẻ đó, việc nhặt được tiền mà cố tình không trả lại sẽ bị xử phạt theo các quy định như trên. Ngoài ra, khi nhặt được tài sản, hãy xem xét kỹ tài sản nhặt được, có thể chứa thông tin liên lạc của chủ sở hữu như tên, số điện thoại. Liên hệ với cơ quan công an gần nhất để báo cáo về việc nhặt được tài sản. Nếu có thể, hãy đăng thông báo tại khu vực nhặt được hoặc trên mạng xã hội để tăng cơ hội trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Trong thời gian chờ đợi tìm lại chủ sở hữu, cần giữ gìn tài sản cẩn thận.
GĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn, ThS. Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng TT Viện IRLIE