Ngày 01/02/2025, tại số 412, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM – Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam; Tạp chí điện tử Việt Nam Hương Sắc; Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) đã tổ chức tham vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, các doanh nghiệp sinh vật cảnh và các doanh nghiệp thành viên nhờ tham vấn, hỗ trợ pháp lý liên quan đến chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư và sửa đổi Nghị định số 58/2018/NĐ-CP trong việc hỗ trợ và thu hút người nông dân, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp…
Dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn tham vấn cụ thể như sau: Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư là một trong những nhu cầu phổ biến hiện nay, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Đồng thời, nhằm hỗ trợ và thu hút người nông dân, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp, Bộ Tài chính đang nghiên cứu các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp và sẽ sớm có văn bản lấy ý kiến rộng rãi.
Chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư, chi phí như thế nào?
Chi phí chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm vị trí địa lý, diện tích đất, và các quy định của từng địa phương. Thế nhưng, có một số khoản phí cơ bản mà bạn cần lưu ý:
Tiền sử dụng đất: Đây là khoản phí chính và cũng là phần lớn nhất trong chi phí chuyển đổi. Tiền sử dụng đất được tính dựa trên bảng giá đất do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh/quận/ huyện ban hành. Mức giá này thường chiếm khoảng 50%-100% giá trị của đất theo bảng giá đất.
Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng. Trường hợp đất trước khi chuyển mục đích là đất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê theo hình thức trả tiền thuê đất hàng: Tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất bằng không. Nếu tiền sử dụng đất của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất ≤ tiền đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất thì tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất bằng không.
Lệ phí trước bạ: Đa số các trường hợp không phải nộp, chỉ áp dụng đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận mà được miễn lệ phí trước bạ, sau đó được chuyển mục đích sử dụng đất mà thuộc diện phải nộp lệ phí. Lệ phí trước bạ được tính = (Giá đất tại bảng giá đất x Diện tích) x 0.5%.
Phí thẩm định hồ sơ: Phí thẩm định hồ sơ do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nên lhông phải tỉnh thành nào cũng thu loại phí này. Nếu có thu thì mức thu giữa các tỉnh thành là không giống nhau.
Để chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư, bạn cần thực hiện các bước sau:
Chuẩn bị hồ sơ: Hồ sơ bao gồm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), và các giấy tờ liên quan đến nhân thân của người làm đơn.
Nộp hồ sơ: Bạn nộp hồ sơ tại Ủy ban Nhân dân cấp huyện nơi có mảnh đất. Tại đây, cán bộ phụ trách sẽ kiểm tra và hướng dẫn bạn hoàn thiện các thiếu sót (nếu có).
Thẩm định và phê duyệt: Hồ sơ sau khi nộp sẽ được thẩm định và trình lên Ủy ban nhân dân cấp huyện/quận để quyết định có chấp thuận việc chuyển đổi mục đích sử dụng hay không.
Nộp tiền sử dụng đất: Nếu được chấp thuận, bạn sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thông báo của cơ quan thuế.
Nhận quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất: Sau khi hoàn tất các nghĩa vụ nộp thuế, bạn sẽ được nhận quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Thế nhưng, thời gian giải quyết thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thường từ 15-30 ngày làm việc. Tuy nhiên, có thể kéo dài hơn tùy thuộc vào từng địa phương và sự phức tạp của mỗi trường hợp.
Mỗi địa phương có thể có những quy định riêng về chuyển đổi đất. Do vậy, việc tìm hiểu kỹ càng và liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng địa phương là điều rất cần thiết. Theo đó, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư không chỉ đòi hỏi một khoản chi phí đáng kể mà còn yêu cầu một sự chuẩn bị chu đáo về mặt thủ tục pháp lý.
Sửa đổi Nghị định 58/2018/NĐ-CP nhằm hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
Được biết, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.
Trước đó, bảo hiểm nông nghiệp được triển khai theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp; hình thành sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp bao gồm cây lúa, vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra)., thu hút được các hộ dân ở các huyện, xã được lựa chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của 20 tỉnh, thành phố tham gia.
Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.
Qua đó, chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp hiện được thực hiện theo Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 (thay thế Quyết định 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019). Đồng thời, 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là các địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, thời gian thực hiện đến hết 31/12/2025.
Ngoài ra, rủi ro được bảo hiểm mở rộng hơn về đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và địa bàn hỗ trợ. Cụ thể, rủi ro được bảo hiểm gồm: cây lúa 19 rủi ro thiên tai, 12 rủi ro dịch bệnh (mở rộng thêm 5 rủi ro dịch bệnh); cây cao su, hồ tiêu, điều, cà phê: 9 rủi ro thiên tai; vật nuôi (trâu, bò , lợn): 17 rủi ro thiên tai, 4 rủi ro dịch bệnh (mở rộng thêm 2 rủi ro dịch bệnh); nuôi trồng thủy sản: 16 rủi ro thiên tai.
Trong 5 năm triển khai thực hiện, kể từ năm 2019 đến nay, có 4/29 địa phương triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp: Nghệ An, Thái Bình (đối với cây lúa); Hà Giang, Bình Định (đối với vật nuôi là trâu, bò). Tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia bảo hiểm là 20.261 (17.871 hộ nghèo và hộ cận nghèo, 2.499 hộ thường). Tổng giá trị được bảo hiểm là 217,3 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm là 9,47 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 8,02 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có 19/32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiện được cấp phép triển khai nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp. Bảo hiểm nông nghiệp đã được thực hiện đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra), tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Nhờ có bảo hiểm nông nghiệp mà một số doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần thí điểm với nhiều sản phẩm cũng như quy mô khác nhau và đã chính thức được áp dụng ở phạm vi quốc gia theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp từ năm 2019 tới nay, song bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa thực sự phát huy được tính ưu việt tỷ lệ tham gia bảo hiểm trong lĩnh vực này còn khiêm tốn, việc triển khai thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Trong khi đó, rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cao nên có ít doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào mảng này. Điều này cho thấy sự thiếu liên kết giữa các tổ chức tín dụng, người dân và doanh nghiệp bảo hiểm. Để đảm bảo khả năng tài chính, bồi thường cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm khi rủi ro xảy ra (đặc biệt trong trường hợp có rủi ro thảm họa), doanh nghiệp bảo hiểm trong nước phải tính toán mức giữ lại và thu xếp tái bảo hiểm cho các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài. Do đó, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp (bao gồm điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, mức khấu trừ bảo hiểm…) phụ thuộc nhiều vào việc đàm phán với nhà tái bảo hiểm quốc tế.
Cùng với đó, bảo hiểm nông nghiệp là nghiệp vụ phức tạp, rủi ro cao xuất phát từ thực tế biến động khó lường của thiên tai, dịch bệnh; việc triển khai đòi hỏi các doanh nghiệp. Bảo hiểm phải có năng lực tài chính lớn, đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và mạng lưới phân phối sản phẩm đủ rộng đảm bảo khả năng tiếp cận đến cơ sở (cấp thôn, xóm, hợp tác xã), có sự tham gia của nhà tái bảo hiểm quốc tế và với sự hỗ trợ kịp thời, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền tại cơ sở.
Trên cơ sở đó, Nghị định sửa đổi Nghị định số 58/2018/NĐ-CP dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong năm 2025. Theo đó, nhiều nội sung sửa đổi chính sách đã được đề xuất, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm dự kiến sẽ mở rộng đối tượng bảo hiểm theo các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương, mở rộng rủi ro bảo hiểm được hỗ trợ và mở rộng địa bàn được hỗ trợ.
Cạnh đó, đề nghị bỏ quy định về phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp để đáp ứng quy định của Luật Kinh doanh bao hiểm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm chủ động thỏa thuận về phạm vi bảo hiểm và mức phí bảo hiểm phù hợp, kịp thời đảm bảo tính mùa vụ trong nông nghiệp phù hợp với nhu cầu, đặc trưng riêng có của từng địa phương.
Văn Hải – Trần Danh